Nhà máy may Vinatex Đức Phổ: Khó khăn trong tuyển dụng công nhân

10:04, 08/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhà máy may Vinatex Đức Phổ (Vinatex) đang tập trung tuyển dụng công nhân để đảm bảo nguồn nhân lực khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động tháng 5.2016. Tuy nhiên, người lao động trên địa bàn cho rằng, chế độ, chính sách Vinatex áp dụng chưa thỏa đáng. Nếu không có những giải pháp hài hòa, nhà máy này khó có thể thu hút đủ lao động theo yêu cầu vận hành.

TIN LIÊN QUAN

Tăng ca quá nhiều, lương thấp

Vinatex Đức Phổ đang trong giai đoạn hoàn thiện khu nhà xưởng. Theo ông Võ Ngọc Huy- Phó Giám đốc nhà máy này, chậm nhất đến ngày 15.5.2016, nhà máy chính thức đi vào hoạt động. Để tạo nguồn công nhân có tay nghề, từ tháng 3.2015, Vinatex đã thuê mặt bằng, mở xưởng may kết hợp đào tạo nghề cho người lao động tại Trung tâm dạy nghề huyện Đức Phổ.

Cán bộ Nhà máy may Vinatex Đức Phổ tư vấn tuyển dụng cho người lao động.
Cán bộ Nhà máy may Vinatex Đức Phổ tư vấn tuyển dụng cho người lao động.


Ban đầu khi mới đưa dây chuyền may vào hoạt động, Vinatex thu hút được khoảng 400 công nhân. Qua một năm hoạt động, số công nhân nghỉ việc, rời nhà máy lên đến 230 người. Đến đầu tháng 3.2015, nhà máy chỉ còn 170 lao động. Về vần đề này, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Hòa cho biết, công nhân của nhà máy là người địa phương phản ánh tình trạng tăng ca quá gắt gao, áp lực công việc lớn, họ không chịu nổi. Trong khi đó, việc trả lương không rõ ràng, minh bạch nên họ bỏ việc. "Có công nhân phản ánh rằng, tăng ca đến 2 giờ đêm, nhưng 7 giờ sáng lại vào ca mới. Nhà máy cam kết trả lương 3,5 triệu đồng/tháng nhưng thực tế công nhân chỉ được trả hơn 2 triệu đồng. Người lao động không hài lòng vì sự không sòng phẳng, minh bạch này nên không làm việc cho Vinatex nữa", ông Thịnh nói
 

Sẽ cải tiến chính sách để thu hút người lao động?

Theo ông Võ Ngọc Huy, nhu cầu tuyển dụng lao động của Vinatex Đức Phổ lên đến 1.200 công nhân nhưng hiện tại mới có 250 lao động. Ông Huy đưa ra cam kết, sẽ đảm bảo cho công nhân làm việc 26 ngày/tháng. Nếu làm đủ 26 ngày, ngoài tiền lương, người lao động sẽ được thưởng 500.000 đồng/tháng. Ngoài ra, công nhân còn được hỗ trợ tiền cơm trưa và 130.000 đồng/tháng tiền xăng đi lại. Việc tăng ca sẽ giảm đến mức tối thiểu. Nếu có tăng ca thì tính toán trả công cũng minh bạch, rõ ràng...

Theo quy định, công nhân Vinatex làm việc ngày 8 tiếng và làm 26 ngày/tháng. Nhưng có thời điểm công nhân phải làm tới hơn 300 giờ/tháng, tương đương 40 - 46 ngày/tháng. Trả lời về vấn đề tăng ca quá mức này, ông Võ Ngọc Huy - Phó Giám đốc Vinatex Đức Phổ thừa nhận: "Đúng là năm 2015 có tình trạng tăng ca do đơn hàng hối thúc. Việc thực hiện chính sách lương cũng chưa rõ ràng, minh bạch. Nhà máy đã nhận thấy những bất cập này và đang có giải pháp khắc phục, điều chỉnh kịp thời".

Đưa ra nhiều cam kết

Hiện nay, Vinatex đã niêm yết tuyển dụng lao động tại trụ sở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đức Phổ. Cam kết đưa ra là tuyển dụng cả người đã có nghề và người chưa có tay nghề. Mức lương học việc 1,8 triệu đồng/tháng. Lao động có tay nghề khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Người lao động được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; được nghỉ các ngày lễ, tết theo quy định hiện hành...

Cam kết là thế, song người lao động vẫn còn nghi ngại việc thực thi của Vinatex. Bởi hiện tại, dù thu hút người lao động vào làm việc cả năm rồi, nhưng tất cả công nhân đều chưa được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; chế độ làm thêm giờ vẫn chưa thực sự minh bạch, rõ ràng và công bằng. Đây là vấn đề cần có sự quan tâm giám sát của các cơ quan chức năng, góp phần đảm bảo quyền lợi cho người lao động đang và sẽ làm việc tại Vinatex Đức Phổ.

Bài, ảnh: THANH NHỊ


 


.