Miền núi "trắng" hợp tác xã

04:04, 04/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Toàn tỉnh có hơn 200 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động, nhưng chỉ có 1 hợp tác xã hoạt động tại huyện miền núi Sơn Hà. Các huyện Ba Tơ, Trà Bồng từng có HTX nhưng hoạt động kém hiệu quả nên đã giải thể. Riêng các huyện Minh Long, Sơn Tây, Tây Trà từ trước giờ chưa có HTX...

TIN LIÊN QUAN

Khó đứng vững

Huyện Trà Bồng có 2 HTX, thì HTX Nông nghiệp Trà Bình đã ngừng hoạt động từ năm 1996, chỉ còn HTX Xuân Phát hoạt động cầm chừng. HTX Xuân Phát (thị trấn Trà Xuân, Trà Bồng) từng là một HTX ăn nên làm ra với nghề làm nhang mang hương thơm đặc trưng của hương quế Trà Bồng. Không chỉ cung cấp nhang thơm cho thị trường trong tỉnh, nhang thơm của HTX Xuân Phát còn mang thương hiệu nhang của đất Quế vào tận TP. Hồ Chí Minh. Bình quân mỗi năm, lượng nhang xuất bán vào TP. Hồ Chí Minh lên đến gần 10 tấn.  Nhưng rồi hoạt động chưa được 3 năm, thì HTX bắt đầu lâm vào bế tắc khi không giữ được chỗ đứng trên thị trường.

Chưa có HTX nông nghiệp cung cấp giống, vật tư nông nghiệp chất lượng nên nông dân Tây Trà thường gặp khó khăn trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
Chưa có HTX nông nghiệp cung cấp giống, vật tư nông nghiệp chất lượng nên nông dân Tây Trà thường gặp khó khăn trong quá trình sản xuất nông nghiệp.


Theo ông Trương Văn Thân- Giám đốc HTX Xuân Phát, thiếu kinh phí trang bị máy móc, trang thiết bị; nhang chủ yếu làm theo phương thức thủ công là một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm của HTX khó cạnh tranh được về mẫu mã, giá cả.

Không chỉ huyện Trà Bồng, mà ngay cả HTX duy nhất của huyện Ba Tơ là HTX dịch vụ vận tải Ba Tơ sau hơn 20 năm hoạt động, cũng đã chính thức giải thể vào năm 2014. Thời gian trước, HTX này gồm 30 xã viên và gần 20 phương tiện vận tải, đảm nhận việc chuyên chở hàng hóa và hành khách trên địa bàn huyện Ba Tơ. Nhưng rồi, kể từ lúc tuyến xe buýt Quảng Ngãi – Ba Tơ đi vào hoạt động, việc vận tải hành khách bắt đầu thưa khách dần, rồi vắng hẳn. “Xe buýt ra đời, đã đặt ra cho chúng tôi thách thức vô cùng lớn. Xe buýt mới toanh, lại có máy điều hòa hiện đại; còn tuổi thọ xe chúng tôi thì đã mấy mươi năm nên cũ kỹ, lạc hậu rồi. Vậy nên không chỉ cạnh tranh không nổi về giá cả, mà về trang thiết bị, chúng tôi cũng thua. Vì vậy mà đành giải thể, vì không có tiền đổi phương tiện”, ông Trần Thế Quang- Giám đốc HTX dịch vụ vận tải Ba Tơ ngày trước chia sẻ.

Cần được định hướng

Người dân miền núi có tính cố kết trong cộng đồng rất cao, phù hợp với việc tổ chức sản xuất dưới các hình thức kinh tế tập thể. Nhưng trên thực tế, thời gian gần đây, 6 huyện miền núi trên địa bàn tỉnh đều không có HTX thành lập mới, thậm chí nhiều huyện còn “trắng” HTX.

 “Thiếu nhân lực điều hành, phát triển HTX; người dân chưa hiểu đúng về vai trò của HTX nên còn thờ ơ. Đồng thời chính quyền địa phương chưa vào cuộc định hướng, hỗ trợ thành lập, phát triển HTX... là nguyên nhân khiến hầu hết các xã miền núi trên địa bàn tỉnh chưa có HTX”, ông Phạm Hoài Nam - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh nhận định.

Cũng theo ông Nam, người dân các huyện miền núi hiện đang phát triển mạnh mẽ các loại cây lâm nghiệp, nhưng do thiếu thông tin, nên người dân thường bị động trong các dịch vụ liên quan đến giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và đầu ra cho nông sản như keo, mì... Vì vậy, nếu các HTX miền núi nhạy bén lựa chọn loại hình HTX nông nghiệp nhận trách nhiệm cung ứng giống vật tư; chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hoặc HTX vận tải đảm nhiệm việc chuyên chở nông sản để phát triển, thì đây sẽ là hướng đi hiệu quả.

Bài, ảnh: Ý THU

 


.