Khi "lộc biển" không về…

08:04, 27/04/2016
.

(Baoquangngai.vn)-  Nghề khai thác ốc gạo (ốc ruốc), ốc nhảy đã gắn bó với ngư dân vùng bãi ngang ven biển huyện Mộ Đức từ nhiều nhiều năm nay, giúp nhiều gia đình có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay nghề này không còn “dễ ăn” như trước do ốc gạo, ốc nhảy ngày càng khan hiếm. Lần đầu tiên sau nhiều năm, nghề bắt ốc gạo, ốc nhảy được xem là “lộc biển” ở vùng biển bãi ngang bị mất mùa nghiêm trọng.
 
 
Mùa ốc buồn
 
Chúng tôi về vùng biển xã Đức Minh (Mộ Đức)- nơi những năm gần đây được ví là “thủ phủ” của ốc gạo khi trời đã về trưa. Thời điểm này mọi năm, bãi biển xã Đức Minh lúc nào cũng rộn ràng cảnh người bán, kẻ mua, bởi đây là thời điểm ốc gạo xuất hiện nhiều nhất trong năm, song, trái ngược với mọi năm, năm nay, về đây không khí khá trầm lắng.
 
Không còn cảnh tấp nập ghe, thuyền khai thác ốc gạo của ngư dân cập bến, cũng chẳng thấy cảnh hàng chục thương lái cùng xe tải chờ sẵn trên bờ để thu mua ốc; bây giờ trên bãi biển chỉ có lác đác vài ngư dân ngồi sắp xếp lại ngư lưới cụ trên ghe sau những chuyến ra khơi đánh bắt cá và hàng chục ghe thuyền nằm phơi mình trên bãi cát. 
 
Hướng ánh mắt nhìn ra biển cả bao la đang cuộn từng đợt sóng xô nhau vào bờ, ngư dân Nguyễn Tư ở thôn Minh Tân Nam nói với tôi mà như nói với chính ông: Vào thời điểm này mọi năm, bà con ngư dân chúng tôi ở đây bỏ hết công chuyện trên bờ, tập trung ra biển  cào ốc gạo. Nhưng không hiểu lý do gì năm nay, tuy vụ khai thác ốc gạo đã được hơn 2 tháng nhưng ốc gạo xuất hiện ít, sản lượng chẳng được bao nhiêu nên ngư dân chúng tôi cũng bỏ nghề lặn ốc.
 

Được ví là "lộc biển", nhưng năm nay, ngư dân bãi ngang thất thu mùa ốc gạo

 

Con ốc nhảy cũng "nhảy" không về vùng biển bãi ngang huyện Mộ Đức

 

Theo bà con ngư dân vùng bãi ngang Đức Minh, mùa ốc gạo bắt đầu từ khoảng cuối tháng giêng và kéo dài đến khoảng tháng 3, 4 âm lịch. Trước đây, bình quân vào vụ khai thác, mỗi ngư dân kiếm được từ 500 - 600 ngàn đồng/ngày, cá biệt có người kiếm trên 1 triệu đồng/ngày. “Mọi năm, thu nhập trong mùa khai thác ốc gạo ngư dân chúng tôi có thể mua đủ gạo cho cả nhà ăn giáp năm, nhưng năm nay “đói” quá, để kiếm được vài chục ngàn mỗi ngày từ con ốc gạo cũng là chuyện khó, chứ huống chi là tiền trăm, tiền triệu như trước đây”- ngư dân Nguyễn Văn Sáng chia sẻ. 

Không chỉ ốc gạo xuất hiện ít, mà năm nay ốc gạo cũng nhỏ hơn mọi năm và giá cả cũng rất thấp. Theo nhiều ngư dân, năm trước ốc có giá đến 500 - 600 ngàn đồng/bao, năm nay giá ốc chỉ vào khoảng 300 - 400 nghìn đồng/bao nên ngư dân không mấy mặn mà với con ốc gạo mà chuyển sang các nghề biển khác như đánh lưới ghẹ, lưới cua, đi câu…
 
Cùng với ốc gạo, thì năm nay con ốc nhảy cũng “nhảy” không về vùng biển bãi ngang như mọi năm. “Thông thường, mùa khai thác ốc nhảy  kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch, mỗi chuyến khai thác đi thu về hơn 100kg /ghe. Nếu thời tiết thuận lợi thì mỗi ngư dân qua mùa ốc nhảy có thể thu về vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay, mặc dù ốc nhảy đã vào mùa khai thác nhưng chúng tôi chẳng thấy ốc xuất hiện”- ngư dân Huỳnh Văn Thanh ở xã Đức Chánh cho biết. 
 
Hệ lụy của việc khác thác quá mức?
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều năm trước, vào mùa, ốc gạo xuất hiện dày đặc ở ven bờ vùng biển các xã biển bãi ngang huyện Mộ Đức, đặc biệt là ở vùng biển xã Đức Minh. Ốc gạo được ngư dân khai thác vừa mang vào bờ đã có thương lái chờ sẵn thu mua để vận chuyển đến các địa phương trong tỉnh và chở đi các tỉnh Nha Trang, Đà Nẵng, Huế… tiêu thụ. 
 
Bà con ngư dân bảo rằng, thời điểm đó, chỉ cần qua khỏi con sóng là “hốt” được bạc triệu.  Vào mùa ốc, số lượng ghe hành nghề cào ốc ở vùng bãi ngang ven biển huyện Mộ Đức lên đến gần cả trăm chiếc với cả trăm lao động, cường lực khai thác lớn, ngày đêm quần thảo trên biển, mỗi ngày khai thác hàng chục tấn ốc.
 
 
Ngư dân vùng bãi ngang vốn dĩ khó khăn, nay càng khó khăn hơn khi mất mùa ốc gạo
Ngư dân vùng bãi ngang vốn dĩ khó khăn, nay càng khó khăn hơn khi mất mùa ốc gạo
 
Điều đáng nói, nhiều năm trước, ngư dân cào ốc gạo chủ yếu bằng cách lặn bộ. Mỗi buổi, người cào ốc lặn chừng 4 tiếng đồng hồ, được khoảng 50- 100kg. Song, vài năm trở lại đây,  bà con ngư dân đổ xô khai thác ốc gạo bằng vợt sắt, dùng ghe máy cào sát đáy biển, với lượng ốc thu được lại nhiều hơn gấp 3-4 lần so với lặn bộ. Vì đắt hàng, nên không chỉ ốc cỡ lớn, các loại nhỏ cũng được ngư dân khai thác. Ước tính, mỗi vụ, có khoảng cả nghìn tấn ốc được khai thác. 
 
Nhiều người nhận định, cũng như nhiều nguồn lợi thủy sản khác, cùng với những tác động của biến đổi khí hậu, có lẽ do áp lực khai thác quá mức  trong những năm qua nên ốc không có đủ thời gian sinh sản, sinh trưởng kịp, khiến cho năm nay, lượng ốc xuất hiện ít và nhỏ hơn mọi năm. 
 
Không thể phủ nhận, với nguồn lợi ốc gạo, ốc nhảy, đời sống của nhiều ngư dân hành nghề khai thác ốc được cải thiện, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Nhưng điều đáng nói, với kiểu khai thác hoàn toàn mang tính tự phát  “mạnh ai nấy làm” khiến cho con ốc gạo, ốc nhảy mà ngư dân bãi ngang ví như "lộc biển" ngày càng cạn kiệt. Ốc ngày càng ít đi và ngư dân là người chịu thiệt thòi. Cuộc sống ngư dân bãi ngang vốn khó khăn nay càng khó khăn hơn khi “lộc biển” không về. 
 
Để duy trì, phát triển nguồn lợi ốc gạo, ốc nhảy, thiết nghĩ, bên cạnh việc khai thác, bà con ngư dân cần khai thác một cách đúng mức để bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm duy trì nguồn thu nhập, cuộc sống ổn định lâu dài. 
 
Bảo Ngọc
 

.