Hoàn thành rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng

08:04, 21/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện bằng nhiều phương pháp đo đạc, tính toán khoa học, đến nay đã có kết quả bằng số liệu và bản đồ quy hoạch lại 3 loại rừng của các xã, huyện, thành phố có rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Dự án Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt và giao cho Chi cục Lâm nghiệp làm chủ đầu tư. Theo kết quả rà soát, hiện nay tỉnh Quảng Ngãi không có diện tích quy hoạch rừng đặc dụng, mà chỉ có quy hoạch rừng phòng hộ và rừng sản xuất gồm 471 tiểu khu, với tổng diện tích đất lâm nghiệp sau rà soát quy hoạch lại là 285.273,58ha. Trong đó, quy hoạch rừng phòng hộ 126.183,82ha, rừng sản xuất 159.089,76ha. So với diện tích trong Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng và Quy hoạch sử dụng đất toàn tỉnh giai đoạn 2011-2020 thì tổng diện tích chênh lệch là 10.786,42ha (trong đó, rừng phòng hộ giảm 4.266,19ha và rừng sản xuất giảm 6.520,24ha).

Việc hoàn thành rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh là một bước để các tổ chức, cá nhân nâng cao hiệu quả sử dụng đất rừng.                                                                                                                                                                                                           Ảnh: H.T
Việc hoàn thành rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh là một bước để các tổ chức, cá nhân nâng cao hiệu quả sử dụng đất rừng. Ảnh: H.T


Sở dĩ diện tích rà soát, quy hoạch lại lần này giảm gần 10.800ha so với quy hoạch trước đây là do trong quá trình rà soát có cập nhật, chuyển đổi phần diện tích đất đo đạc theo Dự án VLAP của ngành Tài nguyên&Môi trường khoảng 1.290ha (Ba Tơ 1.100ha, Trà Bồng 100ha và Minh Long 90ha). Ngoài ra, đối chiếu với bản đồ đo đạc địa chính các huyện để loại bỏ ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng phần diện tích do ranh giới quy hoạch rừng phòng hộ, rừng sản xuất chồng lấn lên đất thổ cư, đất nông nghiệp đã được cấp sổ đỏ của các hộ dân là 2.000ha; chuyển đổi để xây dựng các công trình khoảng 2.960ha và chuyển đổi để tạo đất sản xuất nông nghiệp khoảng 4.550ha.

 Kết quả rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch lại 3 loại rừng lần này là tài liệu cơ sở để các cấp, các ngành và chính quyền địa phương xây dựng, ban hành các chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh nghề rừng và quản lý bảo vệ rừng đạt hiệu quả. Qua đó, khai thác sử dụng hợp lý rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời bảo vệ tốt môi trường, nguồn nước, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Sau khi UBND tỉnh phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch lại 3 loại rừng, Sở NN&PTNT đã tiến hành công bố và bàn giao sản phẩm quy hoạch (gồm bản đồ và số liệu cụ thể...) cho tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh và 158 xã, thị trấn có rừng và đất lâm nghiệp để quản lý; đề xuất các chủ trương, giải pháp để thực hiện quy hoạch đạt hiệu quả.

Theo đó đối với rừng phòng hộ, phải khẩn trương điều chỉnh lại hồ sơ ranh giới và cắm lại mốc giới ngoài thực địa tại các khu rừng phòng hộ ở những nơi có sự thay đổi ranh giới để bàn giao cho các chủ rừng và các cơ quan chức năng có liên quan quản lý bảo vệ. Đồng thời, khẩn trương lập thủ tục giao đất, giao rừng, gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các ban quản lý rừng phòng hộ; thu hồi phần diện tích rừng và đất rừng đã có quyết định thu hồi của tỉnh về cho các xã để UBND các xã lập phương án giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân tiếp tục quản lý bảo vệ. Cùng với đó là, tập trung vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác trồng rừng phòng hộ ở những vùng rất xung yếu và tăng cường công tác bảo vệ rừng, đặc biệt là khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có.

Đối với rừng sản xuất, cần đẩy mạnh giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, đảm bảo cho tất cả rừng và đất rừng đều có chủ quản lý, khai thác sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế đầu tư phát triển rừng. Ưu tiên tập trung đầu tư cho các dự án khả thi về phát triển rừng, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.


NGUYỄN KHÂM



 


.