Giảm nghèo nhanh và bền vững ở 6 huyện miền núi: Bước chuyển tích cực

02:04, 13/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về giảm nghèo nhanh và bền vững ở 6 huyện miền núi, bước đầu tỉnh ta đã đạt được những kết quả tích cực khi số lượng hộ nghèo giảm đáng kể, đời sống nhân dân được nâng lên. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại cần tập trung khắc phục để tạo cú huých cho các huyện miền núi phát triển, giảm nghèo bền vững.

TIN LIÊN QUAN

Những con số ấn tượng

Nếu như trước đây, các chương trình như 30a, 135, 134... được xem là động lực cho sự phát triển của 6 huyện miền núi, thì từ năm 2011 về sau các chương trình này bắt đầu giảm dần nguồn vốn đầu tư. Nhưng khi Nghị quyết 04 được triển khai đã tạo bước đột phá lớn, tạo đà cho kinh tế các huyện miền núi tiếp tục tăng trưởng theo đúng định hướng đề ra.

Muốn giảm nghèo nhanh và bền vững cho miền núi thì đầu tư vào giáo dục là cách bền vững nhất.                                                                      Ảnh: Ý Thu
Muốn giảm nghèo nhanh và bền vững cho miền núi thì đầu tư vào giáo dục là cách bền vững nhất. Ảnh: Ý Thu


Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất giai đoạn 2011-2015 của các huyện miền núi đạt 16,65%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Trong đó, ngành nông - lâm - ngư nghiệp đạt 9,08%; công nghiệp - xây dựng đạt 26,86%; thương mại - dịch vụ đạt 16,92%. Riêng năm 2015, giá trị sản xuất đạt 2.478,7 tỷ đồng, tăng 17,49% so với năm 2014. Về cơ cấu kinh tế, tổng giá trị sản xuất năm 2015 đạt 5.835,5 tỷ đồng. Tính cả giai đoạn 2011-2015 tốc độ tăng trưởng bình quân về cơ cấu kinh tế của 6 huyện miền núi đạt 18,25%. Không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế, tỷ lệ độ che phủ rừng cũng tăng lên rõ rệt, đạt 61,2% (tăng 3,31% so với năm 2011).
 

“Đổi mới việc thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia về giảm nghèo ở miền núi theo hướng người nghèo tạo ra nhiều sản phẩm thì càng được hỗ trợ nhiều từ kinh phí Nhà nước, nâng cao trình độ dân trí, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong một bộ phận hộ nghèo”.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX

Đáng phấn khởi nhất là tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhiều so với thời điểm trước năm 2011. Thời điểm đó số lượng hộ nghèo chiếm gần 50%, với khoảng 25 nghìn hộ nghèo. Khi Nghị quyết 04 được triển khai, một trong những vấn đề được “mổ xẻ” nhiều nhất là tính bền vững trong công tác xóa đói giảm nghèo. Nhờ có những chính sách đầu tư, hỗ trợ hợp lý nên sau 5 năm công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực. Đến cuối năm 2015, số hộ nghèo của các huyện miền núi chỉ còn hơn 17 nghìn hộ (chiếm 28,77%), giảm 6,26% so với năm 2014. Bình quân giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,5%.

Cần thay đổi cách làm

Bên cạnh đầu tư trực tiếp cho người dân thì những đầu tư gián tiếp như đầu tư hạ tầng giao thông, xây dựng chợ trung tâm các xã, đầu tư phát triển đô thị, xây dựng trường, kênh mương thủy lợi... đã mang lại một bộ mặt khởi sắc cho vùng cao.

Trạm Y tế xã Trà Quân (Tây Trà) được đầu tư từ nguồn vốn 30a đã góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân địa phương.
Trạm Y tế xã Trà Quân (Tây Trà) được đầu tư từ nguồn vốn 30a đã góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân địa phương.


Huyện vùng cao Sơn Hà, với đa phần dân số là người dân tộc Hrê, đời sống vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo luôn chiếm trên 40%. Thế nên, để đẩy mạnh công tác giảm nghèo, giúp người dân phát triển kinh tế đã được huyện Sơn Hà chủ động triển khai từ hỗ trợ trực tiếp đến gián tiếp. Tuy nhiên, do nguồn lực tài chính có hạn nên những hỗ trợ đó chẳng thấm vào đâu. Từ khi Nghị quyết 04 được triển khai, huyện Sơn Hà đã được đầu tư trên 850 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân về gạo ăn, giống cây trồng, vật nuôi, làm nhà ở cho người có công... đã góp phần nâng tầm bộ mặt kinh tế - xã hội của huyện, đời sống tinh thần của người dân được nâng lên.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Ngọc Dũng - Bí thư Huyện ủy Sơn Hà, trong quá trình hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo đã bộc lộ nhiều bất cập. Nguyên nhân là do chúng ta cấp không, cho không, nên không giúp người dân có thêm hiểu biết, kinh nghiệm, kỹ năng tổ chức sản xuất và tổ chức cuộc sống... dẫn đến một bộ phận người nghèo trở nên thụ động, ỷ lại; thậm chí nhiều hộ không muốn thoát nghèo. Do đó, ông Dũng cho rằng, để giảm nghèo nhanh và bền vững cần phải thay đổi về cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Đồng thời xây dựng khung quản lý, cơ chế thưởng, kiểm tra, giám sát, giáo dục, thuyết phục để thay đổi nhận thức của người dân.

Giảm nghèo nhanh và bền vững đối với người dân vùng cao là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng. Do vậy, cần tập trung khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay, đồng thời nâng tầm quản lý cho cán bộ trực tiếp thực hiện cũng như phải áp dụng từng cây giống, vật nuôi hay đầu tư hạ tầng giao thông, trường học phù hợp với từng địa phương cụ thể, có vậy mới đảm bảo công tác giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

 


.