Phân bổ chi ngân sách: Cần tiếp tục cải cách

04:03, 27/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau 6 năm thực hiện phân bổ chi ngân sách Nhà nước theo Quyết định 59/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, địa phương đã có nhiều thuận lợi trong việc điều hành ngân sách. Tuy nhiên, hiện quy định này cũng bộc lộ nhiều bất cập cần xem xét điều chỉnh.

Những thuận lợi nhất định

Những năm gần đây, chi ngân sách của tỉnh ngày càng giảm mạnh. Năm 2015, tổng chi ngân sách địa phương đạt gần 12.000 tỷ đồng, giảm gần 20% so với năm 2014. Trong đó chi đầu tư phát triển gần 4.400 tỷ đồng; chi thường xuyên gần 6.400 tỷ đồng. Hoạt động chi thường xuyên gần đây có nhiều thuận lợi do đã được cải cách, tạo điều kiện chủ động cho các địa phương trong công tác xây dựng dự toán và phân bổ ngân sách cho địa phương cấp dưới.

Theo đánh giá của UBND tỉnh , hiện tại định mức phân bổ chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước theo Quyết định 59 cho các địa phương hầu hết phân bổ theo tiêu chí dân số, được điều chỉnh định mức đối với địa phương khó khăn hoặc có dân số thấp. Hệ thống định mức tương đối phù hợp với nguồn lực ngân sách địa phương; tạo cơ sở xác định mục tiêu, nhiệm vụ của ngành, các cấp, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách.

Quyết định 59 về phân bổ chi thường xuyên được xem như một bước cải cách tài chính công khá mạnh mẽ, tạo điều kiện cho địa phương xây dựng dự toán và phân bổ ngân sách. Các tiêu chí làm cơ sở tính toán và phân bổ dự toán ngân sách cụ thể, rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện và kiểm tra trong việc xây dựng và phân bổ dự toán chi ngân sách hàng năm, đặc biệt là trong giai đoạn ổn định ngân sách. Hơn nữa, những cải cách này còn góp phần nâng cao trách nhiệm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước của các cấp. Tuy nhiên, so với yêu cầu của tình hình mới, theo đề xuất của các địa phương, hoạt động phân bổ ngân sách địa phương cần phải nhìn nhận một số bất cập, để tiếp tục điều chỉnh.

Tiếp tục cải cách

Bất cập dễ nhận thấy nhất trong quy định phân bổ ngân sách theo Quyết định 59, là chưa định hướng cho các địa phương trong việc phân bổ một số lĩnh vực chi không theo tiêu chí dân số; định mức chi vẫn còn thấp nên sau khi đảm bảo đầy đủ các chế độ, chính sách của nhà nước đối với con người, còn lại không đảm bảo chi nghiệp vụ chuyên môn.

Định mức ngân sách chủ yếu dựa vào yếu tố biên chế, trong khi việc điều hành phân bổ biên chế đối với nhiều cơ quan, đơn vị chưa kịp thời, sát hợp với tình hình thực tế. Hệ thống định mức chưa tính đến các yếu tố như trượt giá theo từng năm, hợp đồng lao động phát sinh theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; định mức một số lĩnh vực chưa đảm bảo mục tiêu, nhiệm vụ và các chế độ, chính sách mới ban hành; định mức chỉ phù hợp cho năm đầu tiên trong thời kỳ ổn định ngân sách, không đảm bảo hoạt động cho những năm tiếp theo.

Việc lấy tiêu chí dân số làm căn cứ chính phân bổ ngân sách năm là chưa phù hợp đối với sự nghiệp đào tạo, văn hóa thể thao, truyền thanh, nhiệm vụ an ninh quốc phòng. Vì địa phương có dân số đông cũng như dân số ít đều phải thực hiện những nội dung, nhiệm vụ như nhau; khó đảm bảo công bằng do mỗi địa phương có những đặc thù riêng về địa hình, mật độ dân số, trình độ dân trí, đặc điểm văn hóa...

Bên cạnh đó,Trung ương liên tiếp ban hành những chế độ, chính sách mới làm tăng chi phí ngân sách, nhưng ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ bổ sung một phần kinh phí phát sinh này, địa phương phải bố trí bù vào, đã gây khó khăn cho việc điều hành ngân sách. Đặc biệt, những năm qua, bất cập nhận thấy rõ trong phân bổ chi ngân sách còn tập trung ở lĩnh vực chi cho sự nghiệp phát triển kinh tế. Con số chi chưa đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ phát sinh với nhu cầu khá lớn như lĩnh vực giao thông, kiến thiết thị chính, duy tu, bảo dưỡng, phát triển đô thị, nông nghiệp...

THANH NHỊ
 


.