Nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý, bảo vệ tài nguyên biển

09:03, 15/03/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Từ hiệu quả ở xã Bình Châu, năm 2016, mô hình tổ tự quản bảo vệ tài nguyên, môi trường biển tiếp tục được nhân rộng ở xã Bình Hải (Bình Sơn). Các tổ tự quản thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân cùng bảo vệ và có ý thức trong việc khai thác các nguồn lợi từ biển. 
 
Chung tay bảo vệ rong mơ
 
Thời điểm này, rong mơ chỉ vừa chớm mọc dọc các bờ biển ở Quảng Ngãi. Tuy nhiên, vào những lúc rảnh rỗi, thành viên các tổ tự quản bảo vệ tài nguyên biển và môi trường xã Bình Hải lại đi tuyên truyền đến ngư dân về những lợi ích cũng như cách bảo vệ, khai thác rong mơ. Tổ tự quản tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau, tuyên truyền đến tận hộ gia đình hoặc lồng ghép trong các buổi họp khu dân cư.
 
Một ngày đầu tháng ba, mặc cho ảnh hưởng của đợt không khí lạnh, các thành viên trong tổ tự quản thôn An Cường vẫn cố gắng sức chèo thúng đến tuyên truyền cho các ngư dân đang đánh bắt cá ven bờ. Với chất giọng “rặt ri” xứ biển, ông Hoàng Văn Tiến- Tổ trưởng Tổ tự quản thôn An Cường, một người có uy tín ở địa phương ân cần dặn dò các ngư dân chỉ được thu hoạch rong mơ bắt đầu từ tháng 6 theo qui định. 
 
Thành viên tổ tự quản thôn An Cường tuyên truyền đến bà con ngư dân.
Thành viên tổ tự quản thôn An Cường tuyên truyền đến ngư dân về việc thu hoạch rong mơ theo đúng qui định.
 
Các thành viên khác thì từ tốn giải thích cho bà con hiểu rằng, bảo vệ rong mơ chính là bảo vệ cuộc sống của chính mình. Rong mơ có vai trò quan trọng như là bãi đẻ, ương nuôi giai đoạn ấu trùng và là nguồn thức ăn chính cho nhiều loại tôm cá. Không những thế, rong mơ còn được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất Alginate - chất làm đặc trong thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm; làm thức ăn gia súc, phân bón, thuốc chữa bệnh, xuất khẩu nguyên liệu… 
 
“Phải tuyên truyền để người dân có ý thức ngay từ bây giờ. Tuyệt đối không để tái diễn tình trạng khai thác ồ ạt, lén lút như mọi năm. Nếu không, nguồn tài nguyên này sẽ sớm cạn kiệt. Dân biển chúng tôi rồi sẽ không có chỗ “bấu víu” như con cá, con tôm vẫn hay tìm rong mơ để trú ngụ”-  ông Tiến nhấn mạnh.
 
Xong việc, Đội tự quản ở thôn An Cường cùng với 21 ngư dân khác chia ra thành nhóm, đi tuyên truyền rộng rãi trong thôn, xóm. Bởi, không chỉ cánh mày râu chuyên lặn hái rong mơ mà các thành viên khác trong gia đình cũng giữ vai trò quan trọng trong việc tác động đến ngư dân. 
 
Việc không của riêng ai
 
Xã Bình Hải có chiều dài bờ biển khoảng 7 cây số, nơi đây tập trung nhiều loại rong mơ có giá trị kinh tế cao. Những năm vừa qua, bất chấp những qui định của nhà nước, nhiều người đã khai thác rong một cách ồ ạt theo cách tận diệt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển. 
 
Thực tế, vào năm 2013, Đội tự quản bảo vệ môi trường và tài nguyên biển của đã được thành lập. Nói là đội tự quản nhưng số lượng thành viên tham gia không nhiều. Chỉ có vài người là cán bộ, chuyên viên thỉnh thoảng được xã được phân công đi kiểm tra, xử lý. Do vậy, công tác tuyên truyền gặp nhiều khó khăn. 
 
Khai thác rong mơ ồ ạt thời gian qua.
Từ khi có mô hình cộng đồng quản lý, bảo vệ tài nguyên biển, hầu hết ngư dân đều cam kết không khai thác rong biển bừa bãi như trước mà tuân thủ thu hoạch theo thời vụ, góp phần hồi phục hệ sinh thái biển.
 
Trước tình hình đó, đầu năm 2016, xã Bình Hải đã mở rộng Đội tự quản bảo vệ tài nguyên và môi trường. Đội chia ba tổ tập trung ở ba thôn ven biển với số lượng thành viên tham gia lên đến 50 người. Trong đó, tổ tự quản thôn An Cường có 22 thành viên, thôn Phước Thiện có 11 thành viên và Thanh Thủy có 15 thành viên.
 
Là việc không của riêng ai mà đó vì lợi ích chung nên tổ nào cũng có Trưởng thôn, đại diện công an, hội phụ nữ… xung phong làm công tác tuyên truyền. Chiếm phần lớn vẫn là những ngư dân có uy tín, đi đầu trong việc làm gương cho các ngư dân khác.
 
Hằng tuần các thành viên trong tổ chia thành nhiều nhóm, luân phiên đến từng hộ trong các thôn để tuyên truyền về lợi ích của việc khai thác rong biển một cách hợp lý và vận động mọi người cùng chung tay bảo vệ nguồn tài nguyên và môi trường biển. Nếu phát hiện trường hợp cố tình vi phạm, đội sẽ phản ánh ngay cho lãnh đạo địa phương kịp thời xử lý…
 
“Từ khi tổ tự quản được hình thành và tuyên truyền đến sát dân thì bản thân tôi hiểu rất rõ việc khai thác đúng thời điểm thì nguồn lợi mà rong mơ đem lại rất cao”- ngư dân Phạm An, thôn An Cường chia sẻ.
 
Ông Bùi Trạng - Chủ tịch UBND xã Bình Hải đánh giá: “Từ hiệu quả thiết thực của mô hình này khi triển khai ở xã Bình Châu, chúng tôi đã học hỏi và rút kinh nghiệm để mô hình phát huy được hiệu quả hơn tại xã Bình Hải. Tuy mới chỉ hoạt động nhưng tổ tự quản đã làm thay đổi được nhận thức của bà con trong việc khai thác rong mơ, cũng như những quy định của Nhà nước về khai thác, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển. Hầu hết đều cam kết không khai thác rong biển bừa bãi như trước mà tuân thủ thu hoạch theo thời vụ, theo kỹ thuật được hướng dẫn, góp phần hồi phục hệ sinh thái biển.
 
"Bước đầu, địa phương sẽ tiến hành hỗ trợ chuyên môn, cũng như kinh phí, trang thiết bị để các tổ tự quản thực hiện tốt nhiệm vụ”, ông Trạng cho biết thêm.
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 

.