Nguy cơ bùng phát dịch bệnh gia súc

08:03, 21/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày qua, tình trạng gia súc bị bệnh và chết xuất hiện nhiều ở các địa phương trong tỉnh. Điều đáng ngại là thay vì thông báo với chính quyền địa phương, người dân lại tự ý giết mổ, buôn bán gia súc chết nên dễ gây bùng phát, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm...

Giết mổ bò chết để “vớt vát”

Ngày 10.3, con bò lai nhà ông Nguyễn Đăng Trông, thôn Mỹ Hưng, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) đột ngột chết chỉ sau vài giờ bỏ ăn. “Tôi cũng không biết bò bị bệnh gì mà chết nhanh như vậy. Thấy bò sùi bọt mép là tôi gọi thú y đến ngay, nhưng cũng không cứu được”, ông Trông cho hay. Theo ông Trông, con bò lai này vẫn khỏe mạnh, không có dấu hiệu bệnh tật. Bởi trước đó một tuần, bò được thương lái hỏi mua với giá gần 20 triệu đồng, nhưng ông chưa bán vì muốn để vỗ béo.

Bà Út thất thần khi 2 trong 3 con bò bỗng dưng ngã bệnh và chết.
Bà Út thất thần khi 2 trong 3 con bò bỗng dưng ngã bệnh và chết.


Cũng với ông Trông, bà Lê Thị Út, thôn An Ba, xã Hành Thịnh bị mất đến hai con bò. Cũng với triệu chứng bỏ ăn và sùi bọt mép, cả hai con bò cái lẫn bò thịt lai nhà bà Út đều lăn đùng ra chết trước sự bất lực của thú y. “Cứ ngỡ chăm bò kỹ sẽ có được ít vốn làm ăn, nào ngờ giờ gánh thêm nợ”, bà Út nói. Theo đó, cách đây hai năm, thấy nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên gia đình bà Út vay mượn tiền đầu tư tái đàn. Với đàn bò 3 con, bà Út khấp khởi sẽ sớm thoát cảnh nợ nần, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, hy vọng ấy giờ nhường chỗ cho nỗi lo khi ngày 10.3 vừa rồi, hai con bò vốn có giá trên 50 triệu đồng chỉ được thương lái trả mua 15 triệu đồng vì nó đã chết.

Không chỉ Hành Thịnh mà các xã Hành Thiện, Hành Tín Tây, Hành Tín Đông, thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) cũng xảy ra tình trạng bò chết. Điều đáng ngại là thay vì thông báo với chính quyền địa phương, người dân lại tự ý bán bò chết cho thương lái. Thậm chí có người còn giết mổ, rồi bán lại cho người dân các địa phương với giá rẻ, mong vớt vát lại chút vốn.
 

Theo Quyết định 719 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc gia cầm (GSGC). Theo đó, hỗ trợ trực tiếp cho các chủ chăn nuôi (bao gồm hộ gia đình, cá nhân, trang trại, hợp tác xã, cơ sở chăn nuôi GSGC của Trung ương, địa phương và các đơn vị quân đội) có GSGC phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy với mức tương đương 70% giá trị GSGC thương phẩm của người sản xuất bán trên thị trường. Tuy nhiên, vì không nắm được cơ chế hỗ trợ này nên người dân lại lo “không có gì” nếu thông báo với chính quyền địa phương, nên lén lút buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia súc nhiễm bệnh hoặc chết.

“Tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch”

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Ngãi trước tình trạng buôn bán, vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ bò mắc bệnh như hiện nay. Bởi, các loại bệnh gây hại cho bò như tụ huyết trùng, lở mồm long móng (LMLM) rất dễ bùng phát, lây lan trên diện rộng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Chưa kể tình trạng buôn bán, giết mổ bò chết sẽ gia tăng nguy cơ lây nhiễm một số bệnh từ gia súc qua người. Ngay như hộ ông Nguyễn Đăng Trông, sau khi bò chết, ông mới nghĩ đến “thủ phạm” chính là loại thịt bò giá rẻ (do người dân thị trấn Chợ Chùa giết mổ và bày bán tại ngã tư An Ba, xã Hành Thịnh) mà trước đó gia đình đã mua. Bởi, chỉ sau hai ngày sử dụng loại thịt bò này, bò của ông cũng đổ bệnh rồi chết.

Trước tình trạng này, ông Thuận đề nghị chính quyền cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu tác hại của tình trạng buôn bán, tiêu thụ thịt bò bệnh; đồng thời khi phát hiện bò chết vì bất kỳ lý do gì, cũng phải thông báo với ngành thú y để kịp thời kiểm tra, xử lý và tiêu độc khử trùng môi trường xung quanh khu vực nuôi.

Khi đề cập đến vấn đề vì sao người dân ngại thông báo với chính quyền địa phương tình trạng bò nhiễm bệnh và chết, ông Huỳnh Thanh Long - Phó Chủ tịch UBND xã Hành Thịnh cho rằng: “Người dân lo, nếu báo chính quyền, bò chết sẽ bị tiêu hủy dẫn đến "trắng tay". Tâm lý này xuất phát từ nguyên nhân bà con không nắm được cơ chế hỗ trợ của Nhà nước”. Do đó trong thời tới, ngành thú y tỉnh sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền các chính sách, cơ chế khuyến khích hỗ trợ của Nhà nước để người dân biết quyền và lợi ích của mình, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc nói riêng, ngành chăn nuôi nói chung.
                  

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.