Làng giá đỗ di canh

09:03, 21/03/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Tháng 3 ở sông Trà, từ cầu Trà Khúc nhìn xuống lòng sông, ngay dưới chân cầu bạn sẽ thấy những người làm giá đỗ. Họ đến từ xóm Vạn, một ngôi làng có truyền thống làm nghề giá đỗ cách đó hơn 5km.

TIN LIÊN QUAN

Cát xúc hết rồi

Qua mùa mưa, sông Trà bắt đầu cạn nước, bên cạnh một bãi bồi hoa màu tươi tốt là một dải cát trắng trải dài thoai thoải. Vợ chồng chị Trần Thị Văn và anh Trần Văn Hồng bắt đầu cuộc mưu sinh ở đây khi trời chiều bắt đầu dịu nắng.

Xóm Vạn nay là thôn Thọ Lộc, phường Trương Quang Trọng, TP. Quảng Ngãi ở phía bờ bắc sông Trà. Nơi ấy, có những mùa giá đỗ trong kí ức chị Văn. Chị lớn lên nhờ những vựa giá đỗ của mẹ. Lấy chồng xứ khác, nhưng anh cũng chỉ có nghề phu hồ bấp bênh, chị lại kéo chồng theo nghề giá đỗ.

Ngôi nhà cũ của người mẹ già ở xóm Vạn trở thành trạm dừng chân cho hai vợ chồng trước khi ra bãi cát làm giá, hai đứa con vẫn ở lại quê anh, thôn Ngân Giang ở tít xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh.

 

 Anh Trân Văn Sang làm giá ở bãi cát dưới chân cầu Trà Khúc.
Anh Trần Văn Sang làm giá ở bãi cát dưới chân cầu Trà Khúc.


Nhưng nhiều năm qua, chị Văn và anh Hồng cũng như nhiều người dân làm giá đỗ xóm Vạn khác phải di canh khỏi bãi cát xóm Vạn vì “người ta xúc cát nhiều quá, không còn cát làm giá nữa”. Nghề làm giá nhọc nhằn, lại thêm phần vất vả khi phải di chuyển quãng đường xa sương gió sớm khuya.

Khi chị Văn đang rửa giá, anh Hồng bắt đầu khởi động cái mô tơ nước chạy bằng dầu. Cái mô tơ giá 3 triệu đồng, mỗi tháng chạy nước mất 300 nghìn tiền dầu, đó là giải pháp cho bài toán tưới tiêu để tránh bị phụ thuộc vào nguồn điện mượn từ những chủ quán nhậu bên bờ đê. “Mấy năm trước phải đợi đến 5 giờ chiều họ mới mở điện nên thấy không tiện”.

Những cái mô tơ chạy nước rải rác khắp bãi, là tài sản đầu tư dài hạn cho một cuộc mưu sinh của mấy chục gia đình.

Anh Trần Văn Sang, 48 tuổi, người có thâm niên làm giá đỗ hơn 10 năm tiết lộ, mỗi ngày vợ chồng anh làm được hơn 200kg giá để bán cho chợ đầu mối và các hàng quán.

“Ngày xưa cát trắng và mịn lắm, làm giá đạt hơn. Bãi cát chỗ đây bị lẫn bùn, nước không chảy qua, không trôi cái vỏ đậu cũ là dễ hư giá lắm”, anh Sang tiếc nuối bãi cát xóm Vạn xưa. Nhưng bây giờ, “cát bị xúc hết rồi”.

 

 Chị Văn ở quê chồng tận thôn Ngân Giang, xã Tịnh Hà, đi hàng chục km để đến nơi làm giá.
Chị Văn ở quê chồng tận thôn Ngân Giang, xã Tịnh Hà, đi hàng chục km để đến nơi làm giá.


Giá về đâu?

Tôi đi qua bờ bắc sông Trà tìm về xóm Vạn, trên bãi cát làm giá đỗ chỉ còn hai cụ già ở đó. Vợ chồng cụ Năm Hoàn đã qua tuổi 70 nhưng vẫn làm giá hằng ngày để giữ sức khỏe và tìm niềm vui trong cuộc sống. Mỗi ngày hai cụ chỉ ủ giá với 3kg đỗ xanh để “kiếm mấy chục ngàn mua đồ ăn qua ngày”.

Nhìn về phía cầu Trà Khúc, cụ bà nói: “Con xuống dưới đó mới nhiều, trên này còn mấy người thôi”. Bà bảo người ta xúc cát nhưng dân quyết giữ chỗ này lại để bám nghề. Đó là một cồn cát cao gần bờ diện tích không đáng kể.

Ngoài kia, một dải cát dài bên sông, người người vẫn hì hục hăng say xúc cát lên những chiếc xe tải đem đi bán. Những người xúc cát, không ai khác chính là những người dân xóm Vạn, “có lúc họ xúc cát trong đêm, xúc lộn luôn chỗ mình làm giá”, như lời anh Sang giãi bày về cuộc di canh bất đắc dĩ.

Phương thức mưu sinh bằng việc bán cát, bán tài nguyên từ dòng sông đã đẩy những người làm giá, chọn cách chung sống an hòa cùng dòng sông phải đi xa. Những người làm giá đỗ xóm Vạn, chỉ là một số trong rất nhiều người phải thay đổi phương thức sinh kế theo sự đổi thay của dòng sông. Nhưng sông Trà vẫn còn thương họ để có nơi di canh làm giá.

Cụ bà Năm Hoàn chép miệng tiếc nuối bãi cát ngày xưa, nhưng khi hỏi có lo nghề làm giá mai một, bà nói: “Làm gì có mai một, mấy người già làm không nổi thì lớp trẻ tiếp tục làm”.

Cuộc di canh của những người làm giá xóm Vạn như chứng minh cho niềm tin của bà, rằng dẫu vất vả họ vẫn bám cái nghề truyền thống mà ông bà để lại.
 

Hiền Linh


.