Bình Sơn: Mía tồn, nông dân thiệt

02:03, 25/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với lý do chất lượng mía quá thấp và mía không nằm trong hợp đồng đầu tư... nên Nhà máy Đường Phổ Phong đã từ chối mua mía của một số hộ dân ở xã Bình Trung (Bình Sơn). Không bán được, người trồng mía đành phá bỏ để lấy đất trồng cây hoa màu khác.

TIN LIÊN QUAN

Phá bỏ cả trăm tấn mía

Chỉ vào những đống mía bị đốt cháy đen, bà Bùi Thị Hường, thôn Phú Lễ 1 nói: “Mía đốn đưa lên tới đường lớn rồi vẫn không bán được. Làm vất vả cả năm, gần chục triệu đồng đầu tư vào ba sào mía vậy mà đành phải đốt bỏ”. Theo bà Hường thì trước đó, mía không bán được cho nhà máy, nên bà chạy vạy đi kiếm các thương lái bên ngoài để bán. Cuối cùng bà cũng bán ba sào mía với giá 1,7 triệu đồng. Tuy nhiên, khi mía đốn xong đưa ra chất đống ngoài đường, thương lái cũng không xin được phiếu của nhà máy. Vì vậy, ba sào mía của bà Hường đành phải đốt bỏ.

Mía không bán được, nông dân xã Bình Trung đành bỏ khô ngoài đồng.
Mía không bán được, nông dân xã Bình Trung đành bỏ khô ngoài đồng.


Cùng chung cảnh ngộ với bà Hường, chị Nguyễn Thị Sỹ, thôn Tiên Đào cũng đành nhìn gần hai sào mía khô quắp ngoài ruộng đợi ngày đốt dọn để trồng bắp. Chị Sỹ chia sẻ: “Mía kêu bán từ hồi trước Tết mà đến giờ vẫn không có người mua. Tôi cũng đã kêu Trạm nguyên liệu mía mua giúp, nhưng họ bảo họ sẽ mua với điều kiện vụ tiếp theo phải ký hợp đồng nhận đầu tư của nhà máy đường và liên kết lâu dài với nhà máy. Nhưng tôi không dám vì làm mía bây giờ đầu tư nhiều, chắc gì có lãi”.

Theo ông Võ Hùng Trí – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Trung, niên vụ 2015 – 2016, toàn xã trồng trên 130ha mía. Trong đó, số diện tích người dân trồng trái vụ để bán ép lấy nước giải khát chiếm khoảng 60ha và phần lớn đã được người dân bán trước đó với giá 2 - 2,2 triệu đồng/tấn. Số còn lại khoảng 2ha (trên 160 tấn mía) không bán được mới kêu nhà máy đường mua, nhưng họ không mua nên người dân đành đốt hoặc bỏ khô ngoài ruộng.

Cần có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ    
                  
Trao đổi về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Nhà máy Đường Phổ Phong thừa nhận: Việc đơn vị từ chối thu mua mía của một số hộ dân ở Bình Trung là có thật. Và hiện nhà máy cũng đã có văn bản trả lời UBND huyện Bình Sơn nguyên nhân không mua mía của các hộ dân ở xã Bình Trung, là do từ năm 2013 đến nay, phần lớn nông dân không nhận vốn đầu tư của nhà máy mà tự trồng để bán cho tư thương làm nước giải khát. Trong đó, nhiều hộ đã nhận hợp đồng đầu tư của nhà máy, nhưng vì lợi ích trước mắt đã bán toàn bộ mía nhà máy đầu tư cho thương lái và chiếm dụng vốn, gây rất nhiều khó khăn trong quản lý vùng nguyên liệu và vốn đầu tư của nhà máy. Vấn đề này đơn vị đã có văn bản gửi UBND huyện Bình Sơn và xã Bình Trung, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được.

Ngoài ra, theo thống kê của Trạm Nguyên liệu mía Bình Sơn thì toàn bộ diện tích mía của các hộ nông dân trồng tự phát ở xã Bình Trung trong niên vụ qua không đạt tiêu chuẩn theo quy chuẩn quốc gia QCVN 01-98/2012 của Bộ NN&PTNT nên Nhà máy không thể thu mua.

Ông Võ Hùng Trí – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Trung cho biết: “Bình Trung là xã có lợi thế trồng mía đạt nhất toàn huyện Bình Sơn. Do đó, để việc sản xuất mía trên địa bàn xã được bền vững, trong thời gian tới, địa phương sẽ hướng đến quy hoạch vùng nguyên liệu mía; đồng thời ký kết với nhà máy đường trên tinh thần đảm bảo lợi ích giữa nhà nông và doanh nghiệp”.

Tâm lý của người nông dân khi làm ra bất kỳ sản phẩm gì đều mong muốn được mùa, được giá nên chỉ cần chỗ nào mua giá cao là sẽ bán. Còn doanh nghiệp thì luôn dựa trên hợp đồng đã thỏa thuận trước đó. Chính sự bất đồng giữa doanh nghiệp và người nông dân, nhất là tập quán sản xuất theo kiểu manh mún nhỏ lẻ, tự phát lâu nay của bà con đã dẫn đến những thiệt hại đáng tiếc. Và thực tế, nếu người nông dân  vẫn giữ phương thức làm ăn “được chăng hay chớ” thì sẽ không tránh khỏi điệp khúc “được mùa mất giá”. Thậm chí là nhiều hộ mất trắng giống như niên vụ mía vừa qua.

Bài, ảnh: HỒNG HOA
 


.