Thời tiết "làm khó" nông dân

02:02, 05/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giống úng. Rau màu hư hỏng. Vật nuôi rét lạnh. Đó là những hệ lụy do đợt rét đậm, rét hại gây ra trong thời gian qua. Điều này cũng đã khiến nông dân lao đao…

TIN LIÊN QUAN

Lúa, vật nuôi gặp rét đậm

Trong khi lúa trà chính đã bước vào giai đoạn đẻ nhánh thì hơn 30ha thuộc các vùng trũng của huyện Bình Sơn, Mộ Đức vẫn mênh mông nước. Nông dân vì thế cũng đứng ngồi không yên do chưa gieo sạ được. “Mưa hoài. Vợ chồng tôi đạp nước hôm trước, hôm sau ruộng lại ngập nên phải canh giống cả tuần nay. Giờ giống cũng hư luôn rồi!”, ông Nguyễn Văn Chín, thôn 2, xã Đức Chánh (Mộ Đức) nói buồn. Khi chúng tôi đề cập đến chuyện gieo mạ cấy để kịp lịch thời vụ, ông Chín bảo: “Đất không có. Thôi đợi nước rút. Tới đâu hay tới đó vậy”.

Trời mưa lạnh đột ngột khiến rau màu hư hại, nông dân vì thế cũng đón Tết kém vui.
Trời mưa lạnh đột ngột khiến rau màu hư hại, nông dân vì thế cũng đón Tết kém vui.


 Còn bà con nông dân ở các thôn Thạch Thang, Văn Hà,  Châu Me (Đức Phong) cũng như đang ngồi trên đống lửa khi gần 200ha lúa non bị nước phủ trắng xóa. “Ngỡ năm nay trời nắng ấm, đỡ tốn kém. Ai ngờ mưa lạnh mấy ngày mà lúa chết hết. Giờ phải lo kiếm giống sạ lại”, vừa nói, ông  Nguyễn Văn Bảy, ngụ thôn Thạch Thang vừa chỉ vào 2 sào mạ đang “cúi đầu”, héo rũ. Theo ông Nguyễn Văn Bé - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phong thì tình trạng ngập úng xảy ra trên diện rộng một phần là do trời mưa lạnh đột ngột, nhưng phần chính là vì hệ thống tiêu úng sông Thoa “bất lực” khiến dòng chảy bị cản trở, nước không có lối thoát nên dâng cao.

Về vấn đề trên, ông Đào Minh Hường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị UBND các địa phương nên tập trung chỉ đạo nông dân khẩn trương đắp bờ vùng, nạo vét kênh mương nội đồng, bơm tát nước trên diện tích bị ngập để gieo sạ và cấy hết diện tích theo kế hoạch. “Đặc biệt, phòng nông nghiệp các địa phương phải hướng dẫn nông dân sử dụng nước hợp lý để vừa tránh lãng phí, vừa đảm bảo có nước giữ ấm cho cây lúa trong thời gian nhiệt độ xuống thấp như hiện nay”, ông Hường nhấn mạnh.

Trong khi đó, người chăn nuôi khu vực miền núi cũng lao đao vì tiết trời trở lạnh đột ngột. Tại xã Long Môn (Minh Long), rất nhiều trâu, bò co ro trong giá lạnh vì chuồng trại trống trải, thức ăn thiếu hụt. Thậm chí có nhiều hộ vẫn chủ quan thả rông và để trâu, bò ngủ ngoài rừng. “Mình đi làm keo, nên không mang ba con trâu về nhà. Giờ nắng ấm rồi, cứ để nó trên rẫy tìm cỏ ăn, chứ ở nhà cũng hết rơm rồi”, ông Đinh Văn Hè, thôn Làng Trê phân trần.  

Rau màu thất thu

Bước vào vụ sản xuất rau Tết, người trồng rau khấp khởi mừng vì tiết trời ấm áp, hứa hẹn nhiều thuận lợi. Thế nhưng không ngờ, chỉ sau vài ngày rét đậm rét hại tràn về, hy vọng sắm Tết của người trồng rau dường như tan biến. Bởi, “trời mưa, lại lạnh cắt da cắt thịt nên rau không chết úng cũng dập nát. Số còn lại thì còi cọc, lớn không nổi. Lấy đâu mà bán Tết”, ông Nguyễn Dũng, thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) nói.

Cùng với ông Dũng là hàng trăm hộ dân ở các “vựa” rau của tỉnh như Nghĩa Dũng, Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi); Nghĩa Hiệp, Nghĩa Thương (Tư Nghĩa), Đức Hiệp (Mộ Đức)... cũng đứng trước nguy cơ “Tết kém vui” vì thất thu vụ rau Tết.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, từ nay đến sau Tết Nguyên đán, thời tiết diễn biến theo hướng bất lợi cho cây trồng, vật nuôi. Điều này sẽ tạo điều kiện cho nhiều đối tượng phát sinh gây hại như chuột, sâu bệnh... Do đó, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT các địa phương tập trung tuyên truyền, khuyến khích nông dân thường xuyên thăm đồng, phát hiện và xử lý kịp thời những đối tượng phát sinh gây hại để tránh lây lan trên diện rộng. “Riêng Chi cục Thú y và Chi cục Bảo vệ thực vật phải cử cán bộ trực trong dịp nghỉ Tết nhằm sẵn sàng tiếp nhận thông tin, đề xuất giải pháp ứng phó kịp thời với dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, góp phần hạn chế thấp nhất những thiệt hại”, ông Đào Minh Hường cho biết.

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.