Thị trường trước, trong và sau Tết: Chỉ ổn "hàng bình ổn"

10:02, 20/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giáp Tết giá một số mặt hàng tăng vọt. Sau Tết, giá một số mặt hàng đã xuống, nhưng giá bình ổn vẫn giữ mức "tối đa". Một số địa phương được dự đoán là khả năng giá tăng do thiếu hụt cục bộ, nhưng nhờ chủ động, hàng vẫn đủ, giá vẫn ổn.

TIN LIÊN QUAN


Giá "nhảy múa" trong những ngày Tết

Những ngày Tết Bính Thân đã đi qua, dư âm về giá rau xanh, thịt bò, cá thu vẫn còn râm ran. Giá đậu cô-ve, khổ qua cận Tết đã lên đến 50.000 đồng/kg; dưa leo 35.000 đồng/kg. Nguồn cung khan hiếm do thời tiết khắc nghiệt, vụ rau đông phục vụ Tết chết nhiều; số cây còn sống thì quả không nhiều, dẫn đến sản lượng đậu cô-ve và khổ qua thiếu hụt cục bộ, trong khi đó nhu cầu hai loại rau quả này ngày Tết lại tăng cao.

Rau, củ, quả là mặt hàng tăng giá đột biến dịp Tết Bính Thân.
Rau, củ, quả là mặt hàng tăng giá đột biến dịp Tết Bính Thân.


Những ngày Tết, không khí lạnh tràn về, tàu cá không ra khơi. Việc vận chuyển cá từ nơi khác về Quảng Ngãi cũng chững lại do tiểu thương e ngại thị trường ế ẩm. Vì thế nguồn cung thiếu hụt. Cá thu những ngày giáp Tết đã lên đến 250.000 đồng - 300.000 đồng/kg. Thịt bò loại I, trước Tết chỉ khoảng 220.000 đồng, cận Tết tăng vọt lên 320.000 đồng/kg nhưng nguồn cung tại các chợ cũng không dồi dào. Cảnh tranh mua đã diễn ra tại một số chợ, kể cả chợ vùng nông thôn.

Tại các siêu thị tham gia bình ổn giá Tết, thịt bò loại I dịp Tết vẫn giữ ở mức 246.000 đồng/kg; giá thịt heo 100.000 đồng/kg. Trong khi đó thịt cùng loại giá thị trường cao hơn 20 - 30%. Tuy nhiên, vì đã cam kết đăng ký giá bán bình ổn nên siêu thị không tăng theo giá thị trường.

Theo cam kết, khi giá thị trường thấp hơn mức giá đăng ký thì siêu thị bán theo giá thị trường và khi giá tăng hơn giá bình ổn thì siêu thị chỉ bán ở giá bình ổn đã đăng ký. Song, vào ngày mùng 10 Tết Bính Thân, giá các loại thịt bò, thịt heo tại các chợ đã xuống dưới mức giá bình ổn, nhưng tại Siêu thị Co.op Mart Sài Gòn - Quảng Ngãi, giá bán vẫn là mức "bình ổn". Cụ thể, thịt heo đùi 100.000 đồng/kg; thịt bò loại I giá 246.000 đồng/kg.

Độc đáo cách bình ổn giá ở Lý Sơn

Sau Tết Bính Thân, câu chuyện  ngư dân "đưa cá từ Hoàng Sa, Trường Sa" về đảo Lý Sơn bán cho người dân ăn Tết được nhắc mãi. Ông Mai Giang, thôn Đông, xã An Hải cho biết: "Theo dõi thời tiết biết được những ngày cận Tết biển sẽ động mạnh. Vì thế, trước Tết, huyện đã kêu gọi ngư dân kết thúc phiên biển cuối cùng, khi bán cho đầu nậu thì không bán hết mà để lại một số lượng đáng kể cá ngon đem về đảo bán cho bà con ăn Tết. Giá bán bằng giá bán sỉ cho đầu nậu, tạo điều kiện để người dân đảo, nhất là người nghèo có điều kiện mua cá ngon ăn Tết". Trước Tết giá bán cá thu trực tiếp cho  người dân trên đảo khoảng 60.000 đồng - 70.000 đồng/kg; cá ngừ vi vàng, cá đàng, cá hồng chưa đến 100.000 đồng/kg. Mỗi người dân xuống tàu được mua từ 3 - 5kg cá ngon ăn Tết.

Ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải cho biết: "Cận Tết, Nghiệp đoàn có 3 tàu cá của các chủ tàu Lê Khởi, Nguyễn Chín, Nguyễn Nghiệm chở cá về bán cho dân với giá bằng với giá bán cho đầu nậu. Người dân phấn khởi vì mua được cá ngon, giá rẻ". Ông Nguyễn Quốc Chinh kể lại: "Khi phát động phong trào thi đua năm 2016, huyện đã gợi ý với các đoàn viên Nghiệp đoàn là Tết này có khả năng biển động, việc đáp ứng thực phẩm tươi cho người dân đảo ăn Tết khó khăn. Vì vậy, trong phiên biển cuối cùng, các đoàn viên Nghiệp đoàn dành một phần đưa cá về đảo bán cho bà con ăn Tết".

Những năm trước ngư dân không chở cá về đảo bán Tết. Vì vậy giá cá ở đây nhiều khi lên đến 150.000 đồng - 200.000 đồng/kg. Chủ trương của Nghiệp đoàn và việc làm này của một số ngư dân đã giúp cho người dân trên đảo có điều kiện đón Tết với cá tươi ngon đánh bắt từ Hoàng Sa, Trường Sa, góp phần bình ổn thị trường thực phẩm trên đảo dịp Tết Bính Thân ở Lý Sơn.

Bài, ảnh: THANH HUYỀN

 


.