Nông dân "bó tay" với chuột: Vì đâu nên nỗi?

02:02, 28/02/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Không chỉ thiếu nước, vụ đông xuân đang gặp nhiều khó khăn khi lúa, hoa màu đã và đang bị chuột hoành hành, cắn phá, không ít diện tích đã phải cắt lúa cho bò ăn. Nông dân đang “bó tay” với nạn chuột!

TIN LIÊN QUAN

Trên khắp các cánh đồng, câu chuyên thời sự lúc này của nông dân là chuột. Nhà nhà, người người đang tìm hang đào chuột cứu lúa, bã chuột đặt chi chít khắp bờ ruộng, lối đi, đâu cũng thấy cờ, bù nhìn đuổi chuột bay phần phật trong gió.
 
Dẫn theo ba chú chó, lão nông Nguyễn Văn Tâm ở thôn Độc lập, xã Tịnh Ấn Tây (TP. Quảng Ngãi) đang hì hục đào hang chuột. Ông Tâm cho biết: “Chiều nào cũng đánh bã, từ đầu vụ đến nay, chuột sinh sôi nhiều vô kể, đào hang nào cũng thấy vài chục con chạy đầy đồng diệt không xuể. Ba sào lúa của tôi sát bờ mương bị phá nát”.
 
Nông dân đang vất vả vì suốt ngày đào hang tìm chuột.
Nông dân đang vất vả vì suốt ngày đào hang tìm chuột.
 
Trên khắp các cánh đồng, nhiều diện tích lúa bị khô nước, nhiễm đạo ôn cháy lá đỏ hoe, bị chuột tàn phá tơi tả. Người dân đã diệt chuột bằng nhiều cách như dẫn cho đi săn bắt, đánh bã thuốc kẽm, bã sinh học, đổ nhớt, thậm chí là rải vôi… nhưng không mấy hiệu quả. 
 
“Chưa bao giờ thấy chuột xuất hiện nhiều như hiện nay. Đã thiếu nước còn bị đạo ôn, chuột hoành hành. Nông dân bó tay! Nhiều đám ruộng đã phải cắt cho bò ăn!”- lão nông Trần Đình Hương ở đội 15, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) lắc đầu ngao ngán.
 
Từ đồng bằng đến miền núi, nông dân đang “điên đầu” vì chuột. Hơn 110ha lúa ở xã vùng cao Ba Xa (Ba Tơ) cũng đang đối mặt với nguy cơ thất thu nặng. Địa phương đã trích ngân sách mua bã diệt chuột về hỗ trợ cho bà con, nhưng không phát huy hiệu quả là bao, chúng càng sinh sôi cắn phá dữ dội hơn.
 
Ông Phạm Văn Tim- Chủ tịch UBND xã Ba Xa cho hay: “Tuần nào họp giao ban với thôn cũng nghe nông dân ca thán về chuột mà không có cách nào diệt chúng hiệu quả.  Có hang đánh bã rồi tháng sau đào lên lại thấy nó đẻ ra mấy chục con. Chúng tôi rất mong ngành nông nghiệp có sáng kiến gì hữu hiệu để giúp nông dân?”.
 
 
Diện tích lúa vì chuột cắn phá tơi tả ngày một tăng.
Diện tích lúa vì chuột cắn phá ngày một tăng.
 
Chuột là động vật sinh sản rất nhanh. Chuột đồng sinh sản từ 2- 3 lứa/năm, mỗi lứa từ 2- 20 con. Chuột con sinh ra sau 60 ngày là có khả năng sinh sản. Trong vòng đời của mình, 1 con chuột có thể sinh sản vài trăm con.
 
Chuột vốn dĩ là loài sinh đẻ “siêu”, lại càng sinh sôi nảy nở nhanh như hiện nay có rất nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến là do các loài thiên địch của chuột như rắn, mèo… bị săn bắt quá mức làm suy giảm giảm nghiêm trọng, không đủ khả năng khống chế sự gia tăng số lượng chuột. 
 
Việc thâm canh tăng vụ cũng là điều kiện thuận lợi gia tăng cường độ sinh sôi nảy nở của chuột nhờ thức ăn dồi dào. Và một nguyên nhân “muôn thuở” là do ít lũ lụt.
 
Theo ông Nguyễn Hữu Hạ- Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật Miền Trung (Cục Bảo vệ thực vật- Bộ NN&PTNT), với đặc điểm sinh học như thế, việc chuột sinh sôi nảy nở, “tha hồ” hoành hành là điều không thể tránh khỏi, nhất là trong điều kiện khô hạn, thiếu nước như hiện nay.
 
 
Bã sinh học ít phát huy hiệu quả diệt chuột trong mùa vụ.
Bã sinh học ít phát huy hiệu quả diệt chuột trong mùa vụ do lượng thức ăn dồi dào.
 
Mặc khác, chuột là loài cực kỳ “đa nghi”, dè chừng do thính giác, xúc giác, khứu giác và vị giác rất phát triển, nếu thấy “đồng đội” thử ăn bã bị ngộ độc, lập tức cả đàn sẽ chẳng bao giờ ăn bã.
 
Cũng theo nhận định của ông Hạ, đây là giai đoạn cuối chuột cắn phá, nhất là chúng sẽ “nhắm” vào trà lúa sớm đang đẻ nhánh trước khi vào hang đẻ, biện pháp đặt bã lúc này không còn hiệu quả, bởi lượng thức ngoài đồng dồi dào.
 
Vì thế, mất mùa do chuột không còn là nguy cơ mà là điều hiển nhiên! Tại sao chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn đến mức thấp nhất khả năng gây hại của chuột đến mùa màng, đến lợi ích kinh tế mà không thực hiện để đến giờ đành “bó tay”? 
 
Và bài học rút ra là công tác phòng trừ chuột của ngành chức năng, địa phương và bà con nông dân không chỉ nên dừng lại ở "hô hào" mà phải đi vào thực chất, đồng loạt nhiều biện pháp, thường xuyên, liên tục, mang tính cộng đồng cao, đặc biệt là thực hiện ngay từ đầu vụ, khi ấy, lượng thức ăn chưa có trên đồng ruộng, chuột đói thì công tác diệt chuột mới mang lại hiệu quả thiết thực!
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 

.