Hướng mới trong thú chơi cây cảnh nghệ thuật

07:02, 27/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian gần đây, xu hướng chơi cây cảnh cỡ đại không còn thịnh hành. Thay vào đó, nghệ nhân Quảng Ngãi chuyển hướng sang thú chơi cây cảnh nghệ thuật cỡ nhỏ, cây bon sai như là một sự giữ lửa nghệ thuật.

TIN LIÊN QUAN


Cây cỡ đại khá lớn, trồng phối đá trong chậu to, muốn di chuyển phải dùng palăng, nhiều người khiêng hoặc xe cẩu. Còn cây cỡ trung chiều cao cây hơn 1,2m chỉ cần vài người khi vận chuyển. Còn cây cỡ nhỏ chỉ một người bưng, được trồng trong chậu nhỏ. Rất nhiều loại cây trong thiên nhiên được sử dụng để tạo thế như: Mai, me, dâu, ngũ sắc, dương liễu… Trên cơ sở các thế hoành, trực, huyền, phục, xuy phong, tam giác liên hoàn, phụ tử… cây cỡ nhỏ căn bản tùy vào thực tế cây mà tạo dáng thế linh hoạt sao cho đạt các yêu cầu: Cổ, kỳ, mỹ. Ba yêu cầu cổ, kỳ, mỹ của cây cảnh nghệ thuật cỡ nhỏ là thị hiếu hiện nay của giới chơi cây và người thưởng ngoạn. Hướng chơi cây cảnh nghệ thuật cỡ nhỏ là đạt yêu cầu cây bon sai.

Cây cảnh nghệ thuật cỡ nhỏ đang là lựa chọn của nhiều người.
Cây cảnh nghệ thuật cỡ nhỏ đang là lựa chọn của nhiều người.


Nguồn gốc cây bon sai, người ta chọn những cây rất nhỏ sống được trên núi nhiều năm, thế dáng đẹp, sự thu hẹp tự nhiên đến tối đa, đem về trồng trong chậu nhỏ, tiếp tục cắt tỉa, tạo dáng thế thành một tác phẩm nghệ thuật sống. Một cây cảnh nghệ thuật cỡ nhỏ đạt yêu cầu khi nó mô phỏng được một thiên nhiên nào đó. Vẻ đẹp hòa quyện cổ, kỳ, mỹ của cây phải đưa người thưởng ngoạn đến một suy nghĩ về cuộc sống, một nét văn hóa, thi họa, triết lý nhân sinh, âm dương...

Trong thú chơi cây cảnh nghệ thuật cỡ nhỏ, cây bon sai người ta tận dụng những cây bị bong tróc một phần vỏ ở cành (gọi là Jin) hoặc đoạn thân (gọi là Shari) để lộ gỗ lõi mộc bên trong gọi chung là lũa. Do tác động thiên nhiên đẽo gọt phần gỗ đó làm nên hình dáng, đường nét thẩm mỹ như dòng nước chảy, nét huyền mái tóc... Qua đó làm cho ta thấy được sức sống mãnh liệt của cây.  Không phải thiên nhiên hoàn toàn, có khi nghệ nhân tạo ra vết như thế trên cây để năm tháng, nắng mưa tự nhiên hóa đường nét đẹp là lũa nhân tạo. Khi phần lũa tự nhiên hay nhân tạo đẹp đến độ ý muốn người ta bôi vào phần ấy một loại thuốc chống mục để nắng mưa không làm hỏng cây. Tuy không lạm dụng nhưng các nghệ nhân cũng đã sử dụng đá thiên nhiên vào tạo cảnh cho cây nghệ thuật, cây bon sai.

 Hiện tại, nhiều nơi trong nước đã đi sâu vào khai thác nguồn thiên nhiên được cho phép hay trồng tạo cây bon sai. Nghệ nhân Quảng Ngãi cũng đã tiếp cận nhanh với loại hình này. Ông Lê Trọng Thắng - ủy viên BCH Hội Sinh vật cảnh tỉnh Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Tư Nghĩa cho biết: Cây nghệ thuật cỡ nhỏ, cây bon sai, các nghệ nhân Quảng Ngãi đã tìm trong thiên nhiên, trồng hoặc mua các nơi khác về chơi, rút tỉa kinh nghiệm, quảng bá nghệ thuật. Đến nay Hội Sinh vật cảnh tỉnh đã tổ chức được 3 lần thi cây cảnh nghệ thuật, nhiều hội thi cấp huyện cũng đã được tổ chức ở Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Bình Sơn... Nhiều nghệ nhân đã gặt hái thành công trong trồng, tạo thế loại hình cây này như Nguyễn Tấn Minh ở Bình Sơn, Nguyễn Thận ở TP. Quảng Ngãi…

Tại Hội Hoa xuân TP. Quảng Ngãi hằng năm đều có trưng bày, bán cây cảnh nghệ thuật, cây bon sai. Về giá trị kinh tế, thời điểm hiện tại một cây cảnh nghệ thuật cỡ nhỏ khoảng 1 - 4 triệu đồng, nếu đạt yêu cầu cây bon sai có thể đạt hàng chục triệu đồng.

Trong điều kiện đô thị hóa, khuôn viên sân vườn của mỗi gia đình không rộng, nhưng được xây dựng ngăn nắp thì sử dụng cây cảnh nghệ thuật cỡ nhỏ là rất phù hợp. Sự chuyển thể từ chơi cây cảnh cỡ đại, trung sang cây cỡ nhỏ, cây bon sai là nét mới trong đời sống văn hóa, thân thiện với môi trường thiên nhiên, đem về lợi nhuận kinh tế và giữ lửa cho nghệ thuật hoa kiểng quê hương!

Bùi Văn Tạo


 


.