Giá xăng liên tục giảm, cước vận tải và hàng hoá vẫn "bất động"

10:02, 20/02/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Từ đầu năm đến nay, xăng đã giảm tới 4 lần. Giá bán lẻ xăng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2009 đến nay, thế nhưng điều khiến dư luận khó hiểu là giá cả các mặt hàng cũng như cước vận tải giảm lại không giảm một cách tương ứng.
 
Theo Bộ KH&ĐT, xăng dầu giảm 10% sẽ giúp chi phí sản xuất của các doanh nghiệp giảm khoảng 0,57%, CPI giảm được 0,55% và GDP sẽ tăng được 0,91%. Với mức giảm giá xăng dầu trong nước được gần 30% như trong gần 4 tháng qua, tác động đối với nền kinh tế sẽ tương đối tốt nếu giá cả các mặt hàng cũng như cước vận tải giảm tương ứng.
 

 

 

Như vậy, giá xăng đã giảm gần 15% trong chưa đầy 2 tháng. Nhiều chuyên gia dự báo, với đà giảm này, giá cước vận tải có thể giảm trung bình 5%. Cụ thể, giá taxi có thể giảm gần 600 đồng/km. Các chuyên gia xăng dầu nhận định, vấn đề quan trọng là làm thế nào để kéo giá cước vận tải giảm tương ứng với việc giảm giá xăng dầu và từ đó mới tác động tích cực lên nền kinh tế.

 
Lâu nay, chúng ta không có một khung cơ cấu chi phí giá xăng dầu trong giá cước vận tải, quy định rõ nhiêu phần trăm là giá xăng dầu, bao nhiêu phần trăm là giá các chi phí khác. Nếu có công thức tính rõ ràng thì cơ quan chức năng buộc các doanh nghiệp điều tiết giá cước vận tải sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
 
Từ góc độ chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh phân tích về vấn đề này trên báo Tiền phong:  Việc giá nguyên liệu đầu vào như xăng, dầu khi giảm giá mạnh sẽ kéo theo các mặt hàng khác giảm theo. Tuy nhiên, thực tế việc giá cước vận tải cũng như các mặt hàng khác có giảm theo hay không lại là chuyện khác. Nếu giảm được sẽ giúp ích rất nhiều cho nền kinh tế. “Việc giá cước vận tải và nhiều mặt hàng khác không giảm giá theo giá xăng dầu thể hiện sự bất lực trong quản lý của cơ quan chức năng. Trong đó, sự can thiệp của cơ quan nhà nước dường như đang thiếu công cụ để thực hiện một cách hiệu quả”, ông Ánh cho biết.
 
Trước đó, nhiều lần giá xăng giảm khá mạnh trong năm 2015, tuy nhiên, cước vận tải cũng như giá cả hàng hóa vẫn “chây ỳ”, đứng yên không chịu giảm. Để giải quyết vấn đề này, ngày 22-12, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu sở GTVT các địa phương tăng cường kiểm soát giá cước vận tải, đảm bảo giá cước vận tải điều chỉnh phù hợp với mức giảm của giá nhiên liệu.
 
Cụ thể, sở GTVT phải yêu cầu doanh nghiệp vận tải kê khai lại giá cước, đặc biệt là các chi phí cấu thành giá cước. Đặc biệt, sở GTVT phải phối hợp với sở tài chính kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai và niêm yết giá cước vận tải, nếu phát hiện vi phạm phải kiên quyết xử lý nghiêm, thậm chí có thể bị rút giấy phép.
 
Từ 15h ngày 18/2, giá xăng đã giảm tới gần 1.000 đồng/lít. Cụ thể, sau khi giảm, giá xăng RON 92 ở mức 13.752 đồng một lít; giá xăng E5 ở mức 13.321 đồng. Như vậy, giá xăng đã giảm 961 đồng/lít. Đây là mức giảm mạnh nhất từ đầu năm 2016 và đưa giá xăng về mức thấp kỷ lục sau 7 năm (dưới 14.000 đồng/lít), tính từ tháng 7/2009.
 
Mặc dù đã có thông tin giá xăng giảm rất mạnh, nhưng cho đến thời điểm này, các doanh nghiệp vận tải lớn, nhỏ vẫn chưa có động thái nào mạnh mẽ về về giảm giá cước.
 
Q.Nhi
 
 

.