Tín hiệu vui từ niên vụ mía 2015 – 2016

06:01, 13/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năng suất và giá mía nguyên liệu tăng, nông dân vì thế cũng phấn chấn. Thế nhưng, niềm vui ấy chưa trọn vẹn bởi tình trạng biến động giá, nguồn nguyên liệu bấp bênh đã khiến nông dân và nhà máy  đường cật lực tìm hướng giải quyết...

TIN LIÊN QUAN


Diện tích giảm, giá tăng

“Năm nay giá mía đỡ hơn, được 900.000 đồng/tấn nên cũng không đến nỗi bị thua lỗ”, bà Trần Thị Ngọc, thôn Phước Thuận, xã Đức Phú (Mộ Đức) cho biết. Theo bà Ngọc, vụ này diện tích mía chỉ còn lại 5 sào thay vì 15 sào như những năm trước, nên tiền lãi cũng chẳng nhiều. Còn ông Nguyễn Tiến Sáu, thôn An Lợi, xã Phổ Nhơn (Đức Phổ) cũng không khỏi hối tiếc. Bởi, giá mía nguyên liệu hai năm 2013, 2014 giảm sâu, chỉ ở mức 850.000 đồng loại 10 chữ đường (CCS) khiến nhiều nông dân như ông Sáu thua lỗ. Thế nên bước vào niên vụ mía 2015 – 2016, ông Sáu chỉ sản xuất mía trên những chỗ đất xấu. Diện tích còn lại được chuyển sang trồng các loại cây khác. “Nhưng đất ở đây chỉ hợp với mía. Chứ các loại cây khác cho lãi không cao, mà làm cũng nhọc”, ông Sáu cho hay.  

Thu mua mía tại Nhà máy Đường Phổ Phong.
Thu mua mía tại Nhà máy Đường Phổ Phong.


Không chỉ bà Ngọc, ông Sáu mà hiện giờ người trồng mía trong tỉnh đang hối hả bước vào vụ thu hoạch với tâm trạng phấn chấn xen lẫn tiếc nuối. Ngoài lý do giá mía nguyên liệu tăng 50.000 đồng/tấn, thì việc Nhà máy Đường Phổ Phong cải thiện phương thức thu mua, vận chuyển cũng như thông tin trừ tạp chất, khoan chữ đường đã giúp nông dân phần nào có thiện cảm với loại cây trồng vốn đang bị nhiều người “quay lưng”.

“Mía tôi được khoan lấy chữ đường ngay tại ruộng, nên khá yên tâm. Được 10,1 chữ đường, giá 900.000 đồng/tấn. Với lại mía thu hoạch được xe chở liền nên đỡ hao…”, ông Trần Mười, thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) bày tỏ. Theo ông Nguyễn Xuân Hảo - Phó Giám đốc Nhà máy Đường Phổ Phong thì diện tích mía niên vụ 2015 – 2016 giảm từ 5.000ha chỉ còn 2.700ha. Sản lượng vì thế cũng chỉ đạt 150.000 – 170.000 tấn mía nguyên liệu (MNL), trong khi nhu cầu của Nhà máy lên đến 220.000 – 250.000 tấn MNL. Do đó, để đảm bảo hoạt động, Nhà máy đã chấp nhận bù gần 100.000 đồng/tấn MNL nhằm nâng giá thu mua từ 803.000 đồng/tấn (theo giá thị trường) lên 900.000 đồng/tấn MNL như hiện nay.

Chiến lược “ổn định nguồn nguyên liệu”

Niên vụ 2015 – 2016, đánh dấu bước ngoặt mới trong việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất mía, cũng như chiến lược “ổn định nguồn nguyên liệu” của Nhà máy đường thông qua việc bảo hiểm năng suất. “Hơn 15 năm làm mía. Đây là vụ đầu tiên năng suất mía của tôi đạt đến 98 tấn/ha, gấp đôi mọi lần...”, ông Trần Mười cho biết. Quả thật, năng suất mía bình quân trên địa bàn tỉnh lâu nay chỉ đạt 49 – 50 tấn/ha nên con số 98 tấn/ha sẽ khiến nhiều người bất ngờ. Nhưng đó là sự thật. Thậm chí năng suất ở một số vùng mía như Bình Tân (Bình Sơn), Đức Phú (Mộ Đức) đạt đến 110 – 120 tấn/ha.

Để có được năng suất lý tưởng như thế, Nhà máy đường và nông dân đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ. Với cách sản xuất mía thông thường, nông dân chỉ làm đất, trồng và chăm sóc theo kinh nghiệm, thói quen nên mới có chuyện bón phân không đúng cách, không đủ liều lượng. Điều này khiến mía không đủ “chất” để phát triển. Năng suất mía vì thế chỉ dừng lại ở mức 50 – 55 tấn/ha, cao lắm cũng 65 tấn/ha nên nông dân không có lãi nhiều.

Tuy nhiên, khi ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, tất cả các khâu– từ làm đất, trồng và bón phân chăm sóc đều được máy móc đảm nhận. “Máy làm đất sâu, trồng mía đều tăm tắp. Đặc biệt, máy bón phân đạt hiệu quả hơn mình vì đúng lượng, phân lại được vùi sâu trong đất nên mưa đỡ trôi, nắng đỡ bay”, ông Mười nhận xét. Tham gia quy trình này, Nhà máy bảo hiểm năng suất cho nông dân từ 80 – 100 tấn/ha. Nhưng năng suất thực tế đạt đến 90 – 120 tấn/ha, khiến nhiều người phấn khởi. Bởi, “năng suất như thế thì người trồng mía đảm bảo có lãi từ 30 – 35 triệu đồng/ha”, bà Ngọc cho hay.  

Ngoài chính sách bảo hiểm năng suất, Nhà máy đường còn hỗ trợ chi phí cho nông dân khi ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất như miễn, giảm chi phí vận chuyển phân mùn; hỗ trợ không thu hồi 10% chi phí làm đất... Động thái này nhận được hưởng ứng từ phía nông dân. Vậy nên hiện giờ, từ 106ha mía thí điểm trong niên vụ 2014– 2016 đã nâng lên 500ha trong năm 2015 – 2016.

Theo ông Nguyễn Xuân Hảo- Phó Giám đốc Nhà máy Đường Phổ Phong, khi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, giá đường trong nước sẽ tiếp tục giảm do đường Thái Lan tràn vào. Do vậy, nông dân trồng mía muốn có lãi thì chỉ còn cách tăng năng suất thông qua việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất. Từ thành công bước đầu của phương thức sản xuất này, niên vụ mía 2016 – 2017, Nhà máy sẽ mở rộng diện tích 1.000 – 1.200ha, năng suất 100 – 120 tấn/ha, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất của Nhà máy.   

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.