Quản lý sản xuất gỗ dăm: Chính sách và thực thi "vênh" nhau

08:01, 10/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, những năm gần đây, gỗ dăm là mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh. Điều này không nhất quán với chính sách quản lý sản xuất gỗ dăm, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này tại các địa phương.

Chủ trương hạn chế, thực tế lại... tăng!

Đầu tháng 12.2014, Bộ NN&PTNT đã ban hành  quyết định phê duyệt phương án quản lý sản xuất gỗ dăm. Trải qua một năm thực hiện phương án này, đáng lẽ tình hình sản xuất gỗ dăm ở Quảng Ngãi phải có chiều hướng giảm đúng như chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, song thực tế hoạt động sản xuất và xuất khẩu gỗ dăm lại tiếp tục tăng. Kim ngạch xuất khẩu năm 2015 của tỉnh Quảng Ngãi ước giảm 34%, nhưng mặt hàng gỗ dăm lại tăng 9% so cùng kỳ năm 2014.

Gỗ dăm tại cảng Dung Quất chờ nhập hàng xuất bán ra nước ngoài.
Gỗ dăm tại cảng Dung Quất chờ nhập hàng xuất bán ra nước ngoài.


Quyết định của Bộ NN&PTNT ra đời nhằm quản lý chặt chẽ việc sản xuất, chế biến gỗ dăm xuất khẩu, hạn chế tối đa việc sử dụng nguyên liệu gỗ khai thác từ rừng trồng để sản xuất gỗ dăm, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng khai thác trong nước, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng...

Cụ thể hóa quyết định của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh đã quán triệt, không xem xét đầu tư đối với các dự án mới về xây dựng cơ sở sản xuất gỗ dăm xuất khẩu không có hợp phần đầu tư chế biến, chế tạo sản phẩm từ dăm gỗ do dự án tạo ra. Từ năm 2014 đến nay, tỉnh không cho đầu tư mới cơ sở sản xuất gỗ dăm, khuyến khích các nhà đầu tư sản xuất sản phẩm từ gỗ có giá trị gia tăng tăng cao. Song trong thực tế tỉnh lại cho thành lập các trạm thu mua gỗ keo rừng trồng trên địa bàn, gây khó quản lý gỗ keo rừng trồng cho địa phương.

Tỉnh cho phép, huyện phản ứng

Khoảng giữa năm 2015, Văn phòng Đăng ký Kinh doanh Sở KH&ĐT đã cấp phép cho Công ty TNHH MTV Hào Hưng và Công ty TNHH MTV Đạt Thành Danh được phép thành lập các trạm thu mua gỗ keo rừng trồng ở các huyện miền núi Sơn Hà, Trà Bồng, Ba Tơ.

Khi vừa nhận được giấy phép, Công ty Hào Hưng đã tự ý chuyển nhượng đất để lập trạm thu mua mà không có thỏa thuận với chính quyền địa phương. Các huyện Sơn Hà, Trà Bồng đã phản ứng, không chấp nhận việc làm này của Công ty Hào Hưng.

 Ngày 15.8.2015, sau khi tổ chức kiểm tra, UBND huyện Sơn Hà đã họp và thống nhất không đồng ý cho công ty này lập trạm thu mua gỗ keo rừng trồng trên địa bàn. Lý do là nguồn nguyên liệu gỗ keo thực tế chỉ đủ cho một doanh nghiệp đang hoạt động và 3 doanh nghiệp sắp đi vào hoạt động.

Tại huyện Trà Bồng, Công ty Hào Hưng khi tiến hành lập trạm thu mua gỗ keo rừng trồng cũng tiến hành tương tự như ở Sơn Hà và cũng bị UBND huyện không chấp thuận. Thời điểm này, Sở Công thương đã kịp thời có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh với nội dung "hiện nay, hầu hết các địa phương có ý kiến không ủng hộ việc lập các trạm thu mua gỗ keo nguyên liệu rừng trồng trên địa bàn". Việc lập trạm thu mua keo sau đấy của Công ty Hào Hưng và Đại Thành Danh tạm dừng lại.

Cần có giải pháp đồng bộ

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có đến 21 nhà máy chế biến dăm gỗ, trong đó Khu Kinh tế Dung Quất chiếm hơn 50%. Tổng công suất chế biến của các nhà máy này là 1,5 triệu tấn gỗ tươi/năm. Trong đăng ký kinh doanh, các doanh nghiệp đăng ký sản xuất chế biến nhiều sản phẩm trong quá trình hoạt động như gỗ dăm, gỗ xẻ, viên nén... Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động, các doanh nghiệp này chỉ tập trung sản xuất duy nhất một mặt hàng là gỗ dăm để xuất thô sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Còn sản phẩm chế biến khác từ gỗ đều bị... lờ đi. Đây chính là lý do đẩy tình trạng "xuất thô" sản phẩm nông lâm sản ra nước ngoài, để rồi sau đó Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng lại phải nhập mặt hàng giấy chế biến từ gỗ dăm này có giá trị cao gấp chục lần giá trị gỗ dăm từ trong nước xuất khẩu.  

Đơn cử như nhà máy chế biến dăm gỗ của Công ty TNHH MTV Nhất Hưng (Sơn Hà) đăng ký chế biến gỗ dăm, gỗ xẻ và gỗ ghép thành. Tuy nhiên, kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, doanh nghiệp này chỉ sản xuất gỗ dăm, với sản lượng khoảng 70 - 80 nghìn tấn khô/năm. Sơn Hà đang kỳ vọng, trong năm 2016, hai nhà máy sản xuất viên nén sinh học của Công ty Sơn Hà Xanh và Công ty TNHH Năng lượng Thảo Nguyên sẽ đáp ứng yêu cầu nâng cao giá trị gỗ keo rừng trồng, tăng thu nhập cho người trồng rừng Sơn Hà.

Để hạn chế tình trạng "chảy máu" nguyên liệu thô, ngày 6.4.2015, Bộ NN&PTNT đã ban hành văn bản hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố thẩm định điều kiện hình thành các dự án mới về sản xuất gỗ dăm. Theo đó, không cho phép đầu tư mới nhà máy chế biến gỗ dăm, chỉ chấp thuận cho thành lập mới khi nhà máy chế biến sâu. Việc cho phép thành lập đối với các nhà máy này sẽ được kiểm soát chặt chẽ, theo hướng tỉnh cho phép, nhưng phải có ý kiến của Bộ NN&PTNT trước khi cấp phép.

Năm 2015,  tỉnh Quảng Ngãi cũng đã thẳng thừng từ chối nhiều nhà đầu tư khi đặt vấn đề "chế biến gỗ dăm" dù hoạt động thu hút đầu tư đang được "trải thảm đỏ". Hy vọng những giải pháp đồng bộ sẽ được thực thi để người trồng keo có cuộc sống khá hơn từ phát triển kinh tế rừng.

 

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.