Phòng ngừa dịch bệnh cho gia súc, gia cầm: Không thể chủ quan

09:01, 27/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước, trong và sau Tết Nguyên đán là thời điểm dễ phát sinh dịch bệnh gia súc, gia cầm (GSGC). Vậy nên, công tác phòng ngừa dịch bệnh GSGC đang được ngành chức năng, chính quyền các địa phương và người dân tích cực thực hiện.
 

Dịch bệnh rình rập

Đầu tháng 1.2016, một nghìn con gà (trọng lượng bình quân 1kg/con) của hộ ông Phan Thanh Vũ, thôn Trà Bình, xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) bị nhiễm vi rút cúm A/H5N6, phải tiêu hủy. Chi cục Thú y cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức khử trùng toàn bộ khu vực ổ dịch để tránh lây lan. Trước đó, trong hai tháng 11 – 12.2015, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 ổ dịch cúm A/H5N6 tại 3 xã Tịnh Giang, Tịnh Hiệp và Tịnh Trà (Sơn Tịnh) khiến hơn 6.000 con gia cầm bị chết, tiêu hủy.

Đề phòng ngừa dịch bệnh bùng phát, người dân không nên thả rông gia súc ngoài đồng khi trời rét.
Đề phòng ngừa dịch bệnh bùng phát, người dân không nên thả rông gia súc ngoài đồng khi trời rét.


Cùng với dịch cúm, bệnh lở mồm long móng (LMLM) cũng xuất hiện ở hai xã Sơn Dung, Sơn Mùa (Sơn Tây) làm 11 con trâu bò mắc bệnh. Ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho rằng, trong khi thời tiết diễn biến phức tạp, rét đậm, rét hại kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh, thì nhu cầu tiêu thụ thịt GSGC tăng cao vào dịp Tết lại gia tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh. Trong khi đó, điều kiện nhân lực ngành thú y hạn chế, không thể kiểm soát 445 điểm giết mổ GSGC nhỏ lẻ trong toàn tỉnh nên thịt GSGC mắc bệnh rất dễ “lọt” ra chợ, rồi đến tay người tiêu dùng.

Ngoài ra, điều khiến ngành thú y và chính quyền các địa phương lo ngại chính là vi rút cúm A/H5N6 đã xuất hiện ở chim cút, chim yến – đối tượng vốn khó được ngành chức năng kiểm soát, trong khi nguy cơ lây lan dịch bệnh lại rất cao. Bởi, chim cút, chim yến không thuộc diện được tiêm chủng ngừa vắc xin cúm mở rộng (chỉ khi nào phát hiện dịch bệnh thì mới tiêm phòng bao vây). Hơn nữa, nhiều hộ dân chăn nuôi đối tượng này không khai báo hoặc khai báo không đúng số lượng với chính quyền địa phương; rồi khi phát hiện chúng có dấu hiệu nhiễm bệnh, có người lại lén bán, dịch bệnh vì thế sẽ rất dễ lây lan ra diện rộng. Ngay trong năm 2015, Chi cục Thú y cũng phát hiện hàng nghìn con chim cút bị nhiễm vi rút cúm A/H5N6 ở xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) nhờ tin báo của người dân!

Chủ động phòng ngừa

Phần lớn những trường hợp gia cầm mắc bệnh chưa được chủng ngừa với vắcxin cúm; trong khi chuồng trại và khu vực chăn nuôi lại nhếch nhác, mất vệ sinh. Như trường hợp hộ ông Phan Thanh Vũ, dù gà đã 75 ngày tuổi, trọng lượng 1kg/con nhưng vẫn không được ông Vũ tiêm phòng vắcxin cúm. Không những thế, khi gà có triệu chứng “gật gù”, rồi chết, ông Vũ cũng không thông báo sớm với cán bộ thú y xã mà tự ý mua thuốc về điều trị. Đến khi số gà chết lên đến 454 con, ông Vũ mới “cầu cứu” chính quyền địa phương.

Trong khi đó, tình trạng giết mổ gia cầm nhỏ lẻ ở các chợ lại diễn ra rầm rộ. Tại Chợ Chùa, thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành), số lượng gia cầm giết mổ tại đây tăng đột biến. Lượng chất thải, nước thải vì thế cũng rất lớn nhưng người dân lại đổ vứt bừa bãi, vừa gây mất vệ sinh, vừa tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Dù UBND thị trấn Chợ Chùa đã yêu cầu các hộ giết mổ gia cầm tại chợ phải thu gom chất thải và nước thải mang về, đổ ở nơi tập trung nhưng rồi, đâu vẫn vào đấy.

Hiện nay, Chi cục Thú y đề nghị chính quyền các địa phương chỉ đạo cán bộ thú y cơ sở rà soát, nắm chắc danh sách số lượng gia cầm; khẩn trương tổ chức tiêu độc khử trùng môi trường và tiêm nhắc đối với số gia cầm chưa được tiêm phòng vắcxin cúm. Bởi, tỷ lệ tiêm phòng cúm gia cầm đợt 2/2015 trên địa bàn toàn tỉnh chỉ đạt 71%. Ngoài ra, “chúng tôi tập trung tuyên truyền, động viên người dân che chắn chuồng trại, dự trữ thức ăn và tuyệt đối không thả gia súc ngoài đồng vào ban đêm để tránh nguy cơ bị chết do đói, rét.


Bài, ảnh: MỸ HOA



 


.