Phát triển thương mại-dịch vụ: Thời cơ và vận hội mới

04:01, 04/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tình hình phát triển thương mại - dịch vụ của Quảng Ngãi năm 2015 không đạt kết quả như mong muốn. Song với việc nhận diện nguyên nhân, đề ra giải pháp tháo gỡ, tạo môi trường thông thoáng, chủ động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế... hy vọng năm 2016 sẽ mở ra nhiều triển vọng cho lĩnh vực này.

TIN LIÊN QUAN

Nền tảng...
 

Cơ hội mới cho doanh nghiệp

Ông Trần Phước Hiền - Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng: Hiệp định TPP đã mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp của tỉnh. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng hợp tác làm ăn với các nước trong khu vực và trên thế giới. Các cơ quan chức năng của tỉnh, nhất là Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đã và đang chủ động sẵn sàng sát cánh cùng doanh nghiệp hội nhập và phát triển.

Năm 2015, tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh ít có biến động. Giá các mặt hàng thiết yếu được giữ vững, đặc biệt là mặt hàng chủ lực như xăng dầu, lương thực, thực phẩm... Về cung - cầu, lưu thông hàng hóa diễn ra bình thường, không xảy ra tình trạng khan hiếm hoặc đầu cơ, găm hàng gây bất ổn thị trường. Các chương trình hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến mại, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi và hải đảo triển khai theo đúng kế hoạch. Công tác bình ổn thị trường đã đem lại kết quả tốt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và tạo được sự ổn định cho thị trường hàng hóa...

Ngoài những tác động của ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường trong tỉnh ổn định còn do những giải pháp quản lý nhà nước của tỉnh đã và đang sát thực, phù hợp, hiệu quả. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2015 ước đạt gần 40 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ 2014.

Hoạt động kinh doanh - dịch vụ trên địa bàn tỉnh mặc dù chưa tạo ra điểm nhấn, nhưng so với những năm trước đã có sự mở rộng hơn về chất lượng, quy mô. Từ tác động của bình ổn giá xăng dầu, giá dịch vụ vận tải trong năm đã được 19 doanh nghiệp giảm, tạo điều kiện cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa. Thời gian gần đây, Quảng Ngãi có thêm nhiều doanh nghiệp mới ngoài tỉnh đầu tư kinh doanh dịch vụ taxi, thậm chí là đưa dịch vụ taxi ra huyện đảo Lý Sơn phục vụ nhu cầu khách du lịch.

 Sản phẩm Inox Phước An tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu trong năm 2016.
Sản phẩm Inox Phước An tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu trong năm 2016.


Đảo Lý Sơn sau hơn một năm có điện đã thu hút khá nhiều khách du lịch đến tham quan, kéo theo hoạt động dịch vụ trên đảo không ngừng phát triển. Đến nay lượng nhà nghỉ, khách sạn ở Lý Sơn đã tăng gần 4 lần so với khi Lý Sơn chưa có điện. Hiện có khoảng 10 nhà nghỉ, khách sạn đang thi công và sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác đầu năm 2016. Trong số này có khách sạn Mường Thanh Lý Sơn, quy mô 7 tầng, 150 phòng tiện nghi cao cấp, dự kiến đầu năm 2016 sẽ đưa vào khai thác.

Năm qua,  dịch vụ hậu cần nghề cá  trên địa bàn tỉnh cũng phát triển mạnh mẽ. Sự gia tăng của hoạt động đánh bắt xa bờ đã kéo theo dịch vụ phục vụ trên bờ ngày thêm sôi động. Những cơ sở đóng sửa tàu thuyền; dịch vụ cung ứng nhiên liệu, lương thực, thực phẩm; cơ sở thu mua hải sản, đá lạnh... liên tục mở rộng quy mô, đáp ứng nhu cầu của các chủ tàu cá. Số lao động phục vụ trong lĩnh vực này ngày càng đông, thu nhập tăng cao so với năm 2014.

... và thời cơ, vận hội mới

Năm 2015, được xem là năm bản lề trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Đây cũng là năm khởi đầu của lộ trình cắt giảm thuế quan ở mức cao nhất và tiến tới thực hiện cam kết cuối cùng về xóa bỏ thuế suất thuế nhập khẩu trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Bên cạnh đó, Việt Nam vừa ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việc ký kết hiệp định này mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam xâm nhập thị trường khu vực và thế giới.

Hiệp định TPP được coi là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu thế kỷ XXI, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các nước đã ký hiệp định này. Một trong những tác động tích cực của TPP là tạo việc làm, giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân; thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh; thúc đẩy minh bạch hóa và quản trị tốt; đồng thời củng cố các tiêu chuẩn về lao động và môi trường.

Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định TPP đồng ý xóa bỏ gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; xóa bỏ thuế xuất khẩu hoặc chỉ duy trì ở mức hạn chế, không mở rộng thêm thuế xuất khẩu trong tương lai; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật nước sở tại... từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên.


Thanh Huyền


 


.