Nhiều rào cản trong phát triển cây đậu nành

01:01, 19/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi có Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) tiêu thụ gần 20.000 tấn đậu nành/năm đứng chân và có Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng đậu nành Vinasoy (VSAC) lớn nhất cả nước. Thế nhưng, hiện tại Quảng Ngãi vẫn chưa có vùng nguyên liệu đậu nành. Đây là một sự thiệt thòi với cả Vinasoy và nông dân trong tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Rào cản từ giống, diện tích

“Trồng đậu nành cũng được. Nhưng đậu nành sẻ của mình bị sâu quá, năng suất chỉ 50 – 70kg/sào không đủ tiền công”, bà Trần Thị Xanh, thôn 2, xã Đức Tân (Mộ Đức) giãi bày lý do bỏ đậu nành, trồng đậu xanh xen bắp lai của mình. Không chỉ bà Xanh, mà thực tế nông dân trên địa bàn tỉnh không chú ý đến cây đậu nành. Nếu có cũng chỉ là trồng xen canh với bắp, đậu phụng để sử dụng trong gia đình. Thế nên, khi chúng tôi đặt vấn đề “trồng đậu nành bán cho Vinasoy”, nhiều hộ nói thẳng: "Muốn có đậu để bán phải tìm giống nào ít sâu bệnh. Chứ đậu nành sẻ thì chịu, không ai dám làm!".

Dù có Công ty Vinasoy tiêu thụ gần 20.000 tấn đậu nành mỗi năm đóng chân trên địa bàn, nhưng cây đậu nành vẫn chưa  phát triển tại Quảng Ngãi.
Dù có Công ty Vinasoy tiêu thụ gần 20.000 tấn đậu nành mỗi năm đóng chân trên địa bàn, nhưng cây đậu nành vẫn chưa phát triển tại Quảng Ngãi.


 Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đào Minh Hường: “Cây đậu nành chưa hấp dẫn nông dân là do năng suất thấp, dễ nhiễm sâu bệnh”. Thực tế không chỉ riêng Quảng Ngãi mà trong cả nước, chưa có giống đậu nành nào cho năng suất trên 2 tấn/ha. Điều này khiến đậu nành khó cạnh tranh với các loại cây trồng khác, đặc biệt là bắp lai. Bởi, năng suất bắp lai hiện đạt 6 – 8 tấn/ha, thu nhập của nông dân vì thế cũng được 36 – 48 triệu đồng/ha. Trong khi đó, với cùng diện tích nhưng năng suất đậu nành chỉ 1 – 1,5 tấn/ha, với giá do Vinasoy thu mua là 18.000 đồng/kg (loại 1) thì thu nhập của nông dân cũng chỉ 18-27 triệu đồng/ha.

Ngoài giống thì diện tích nhỏ lẻ cũng "cản bước tiến" của đậu nành. Bởi, trong xu thế hội nhập, muốn giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập thì chỉ còn cách ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất. Song, với bình quân diện tích đất nông nghiệp 2.000m2/hộ nên rất khó thực hiện việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ. Đã thế, quan điểm của nông dân trong tỉnh thì lúa vẫn là chính, còn các loại khác – trong đó có đậu nành chỉ là phụ nên “được thì làm, không được thì thôi”. Và, “chính tư duy sản xuất này đã tạo khoảng cách giữa doanh nghiệp và nông dân; đồng thời cản trở cơ hội phát triển của một số loại cây trồng vốn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn lúa”, ông Trần Thiên Thanh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa nhìn nhận.

Cần có "cái bắt tay giữa 3 nhà”  

Mỗi năm, Vinasoy tiêu thụ gần 20.000 tấn đậu nành nguyên liệu, trong đó sản lượng nhập khẩu chiếm 20%. Tuy nhiên, với mong muốn tạo dựng vùng nguyên liệu tại chỗ, giảm áp lực thời gian và chi phí vận chuyển cũng như đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm đậu nành, Vinasoy đã thành lập Trung tâm VSAC nhằm nghiên cứu, lai tạo cho ra đời những giống đậu nành có năng suất cao, phẩm chất tốt; đồng thời phục tráng các đặc tính tốt của giống đậu nành địa phương. Bởi, “đậu nành địa phương thơm, ngon hơn so với loại nhập khẩu; lại phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng Việt Nam nên sẽ không "làm khó" nông dân. Vì vậy, nếu công tác phục tráng thành công, sẽ góp phần rất lớn vào việc phát triển vùng nguyên liệu bền vững cho Công ty”, ông Ngô Văn Tụ- Giám đốc Công ty Vinasoy khẳng định.

Với mục tiêu trên, VSAC hứa hẹn sẽ cho ra đời các giống đậu nành năng suất cao, kháng bệnh tốt để trong vòng 3 – 5 năm tới thu hút đông đảo nông dân trong tỉnh tham gia trồng đậu nành. Điều này đồng nghĩa với "rào cản" về giống đã được Vinasoy tháo gỡ. Nhưng, cản trở về phía diện tích thì lại cần cái “bắt tay” hợp tác giữa chính quyền, nông dân và Vinasoy. Bởi, Công ty có thể hỗ trợ nông dân máy móc, kỹ thuật ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất đến thu hoạch, nhưng muốn hình thành vùng sản xuất tập trung thì yếu tố tiên quyết là phải tích tụ ruộng đất, thực hiện dồn điền đổi thửa.

Điều này, theo ông Trần Thiên Thanh - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa là: "Do đậu nành dễ nhiễm sâu bệnh nên muốn hạn chế khiếm khuyết này, nông dân cần phải ứng dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cùng một diện tích tập trung. Hơn nữa, thời gian thu hoạch đậu nành rất ngắn, chỉ từ 7 – 10 ngày sau khi chín. Vì vậy, nếu không ứng dụng cơ giới hóa, sẽ không nâng cao được hiệu quả sản xuất cũng như thu nhập cho nông dân. Biết thế nhưng hiện giờ, tiến độ thực hiện dồn điền đổi thửa trên địa bàn tỉnh quá chậm vì kinh phí thiếu, chính quyền cơ sở cũng thiếu quyết tâm".

Vì những rào cản trên, nên dù rất muốn tạo dựng vùng nguyên liệu tại chỗ nhưng Vinasoy đành xếp việc này vào diện “khó, để sau”, còn việc “dễ” cần thực hiện trước là tập trung xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông để sớm vượt con số 8.000ha.

Từ cây đậu nành, những bất cập mang tính trầm kha trong sản xuất nông nghiệp trên địa tỉnh càng hiện rõ. Đó là những loại cây trồng có đầu ra ổn định thì không được chính quyền quy hoạch, nông dân ủng hộ; còn các loại phụ thuộc vào thương lái, đầu ra bấp bênh bà con lại ồ ạt trồng. Đây cũng là thực trạng chung của toàn ngành nông nghiệp hiện nay.

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.