Một năm "vượt khó" của ngành nông nghiệp

07:01, 02/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù bị mưa lũ, hạn hán, dịch bệnh bủa vây, nhưng ngành nông nghiệp và nông dân trong tỉnh vẫn nỗ lực vượt qua, gặt hái thêm thành quả để khẳng định vai trò nền tảng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Chật vật trong sản xuất

Giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp năm 2015 đạt trên 3.500 tỷ đồng. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt gần 483 nghìn tấn. Tổng đàn gia súc hơn 800 nghìn con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt trên 72 nghìn tấn... Những con số trên tuy chưa thể hiện sự đột phá mạnh mẽ, nhưng cũng khắc họa phần nào nỗ lực “vượt khó” của ngành nông nghiệp cũng như nông dân Quảng Ngãi. Bởi trong hai năm 2014 và 2015, ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến mùa mưa kết thúc sớm, lượng mưa bổ sung vào các hồ chứa không nhiều, nên hơn 800ha sản xuất lúa kém hiệu quả được chuyển sang cây trồng cạn…
 

 

Niềm vui được mùa lúa của nông dân.
Niềm vui được mùa lúa của nông dân.

"Biến yếu thế thành lợi thế"


Theo ông Dương Văn Tô - Giám đốc Sở NN&PTNT, dự báo năm 2016 ngành nông nghiệp sẽ gặp không ít khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi bởi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) hiện đã có hiệu lực. Do đó, “để biến yếu thế thành lợi thế, ngành nông nghiệp sẽ tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách tín dụng để người dân biết, tiếp cận vốn vay ưu đãi, mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng tập trung”.

Hơn nữa, những diễn biến thời tiết bất thường kéo theo tình trạng ngập lụt cục bộ, dịch hại hoành hành đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng cây trồng. Nếu như vụ đông xuân 2014 – 2015, toàn tỉnh có hơn 3.000ha lúa bị sụt giảm năng suất từ 30 – 100% do ảnh hưởng của trận lũ bất thường hồi cuối tháng 3.2015, thì vụ hè thu năm 2015, trên 2.700ha lúa cũng rơi vào tình trạng “hạt lép ép hạt chắc” vì “dịch rầy” tấn công. Do đó, năng suất lúa bình quân toàn tỉnh chỉ đạt 56,6 tạ/ha.

Dù năng suất lúa năm 2015 sụt giảm và thấp hơn 1,1 tạ/ha so với năm 2014, nhưng theo đánh giá của ngành nông nghiệp và nông dân trong tỉnh, kết quả này đã quá “ngọt”. Bởi, “vụ lúa hè thu 2015, tôi lo không sạ được vì nắng nóng như đổ lửa. Ruộng khô nứt nẻ. Cũng may sau đó được vài trận mưa, cộng với việc hợp tác xã đắp bờ sông Trà Bồng dẫn nước nên lúa không chết khô, lại được mùa”, ông Lê Văn Chính, thôn Mỹ Huệ 1, xã Bình Dương (Bình Sơn) cho hay.

Trái với nông dân, người chăn nuôi trong tỉnh được một năm nhẹ lòng. Đó là giá bán tương đối cao; dịch bệnh tuy có xuất hiện nhưng được khống chế kịp thời nên không bùng phát, lây lan trên diện rộng. “Năm nay cả heo thịt, heo con đều được giá nên nông dân chúng tôi có thêm thu nhập”, vừa nói, ông Lương Văn Có, thôn Hiệp Phổ Bắc, xã Hành Trung (Nghĩa Hành) vừa chỉ vào đàn heo thịt 5 con vừa được thương lái trả mua với giá 42 nghìn đồng/kg hơi, cao hơn so với cùng kỳ năm 2014 chừng 7 nghìn đồng/kg hơi.

Kém vui hơn người nuôi heo, những chủ gà thịt đang khắc khoải âu lo bởi từ tháng 10 âm lịch đến giờ, giá gà bỗng nhiên sụt giảm. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Quốc Hưng- Chủ nhiệm Câu lạc bộ chăn nuôi gà thôn An Tĩnh, xã Đức Thắng (Mộ Đức) thì: “So với mọi năm, giá gà giảm không đáng kể, thời gian giảm ngắn hơn. Người nuôi gà vì thế cũng không lỗ nhiều”. Bởi thông thường, giá gà bắt đầu sụt giảm từ tháng 4 – 7 âm lịch. Thế nhưng năm nay, giá gà liên tục giữ ổn định ở mức cao từ đầu năm đến tận tháng 10 âm lịch mới hạ nhiệt. “Sắp đến Tết nên giá gà sẽ tăng lại”, ông Hưng nhận định.

Kỳ vọng năm mới

Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ nên nông dân trong tỉnh đã chủ động một phần năng suất lúa. Tuy nhiên, thành – bại trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi dường như vẫn còn phụ thuộc rất lớn vào yếu tố thời tiết, thị trường. Mà cả hai yếu tố này nông dân đều bị động nên họ đành phó mặc năng suất, giá bán sản phẩm của mình cho may rủi.
 

 

   Trang trại nuôi gà đẻ trứng của ông Tạ Công Phi Vũ tại xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa).
Trang trại nuôi gà đẻ trứng của ông Tạ Công Phi Vũ tại xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa).

“Làm lúa bây giờ tuy khỏe hơn xưa nhờ có các loại máy móc hỗ trợ nhưng thời tiết lại khó đoán, nên cũng dễ bị thất thu”, ông Võ Đình Điểu, thôn An Đại 3, xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) chia sẻ. Cũng theo ông Điểu thì ngoài thời tiết, yếu tố chủ quan của con người cũng tác động rất lớn đến năng suất cây trồng và vật nuôi. Ví như chuyện dẫn nước tưới của đội dẫn thủy. Thay vì giai đoạn lúa làm đòng, đứng cái cần nước thì tuyến kênh N12 lại khô quắt. Nhưng khi lúa chín thì kênh đầy nước, khiến lúa ngã đổ. “Nông dân chúng tôi rất mong các vụ tới đội dẫn thủy sẽ tu sửa, nạo vét kênh N12 và điều tiết nước tưới phù hợp để việc sản xuất thuận lợi hơn”, ông Điểu bày tỏ.  

Với người chăn nuôi trong tỉnh, họ kỳ vọng năm mới chỉ đơn giản là “ít dịch bệnh, giá bán cao và không bị thương lái chèn ép”. Tuy nhiên, theo ông Tạ Công Phi Vũ, chủ trang trại nuôi gà đẻ trứng ở thôn Điền An, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) thì để hiện thực hóa được kỳ vọng đơn giản của người chăn nuôi, chính quyền và ngành chức năng phải giải được bài toán không kém phần phức tạp. Đó là tìm và giới thiệu cho người chăn nuôi những địa chỉ tiêu thụ sản phẩm uy tín, giá cả phù hợp. Bởi “nếu sản phẩm có đầu ra ổn định, tất thảy nông dân sẽ mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Vũ đề xuất.

Mong rằng với những định hướng, quyết sách kịp thời của chính quyền và ngành nông nghiệp, năm 2016, nông dân sẽ bớt nhọc nhằn và gặt hái được nhiều “quả ngọt” hơn năm 2015.
 
 
MỸ HOA

 

.