Lò gạch thủ công gia tăng cường độ hoạt động

09:01, 25/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù đã có chủ trương xóa bỏ nhưng hiện hàng chục lò gạch thủ công nằm trong các khu dân cư ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã tái hoạt động với cường độ cao, xả khói mù mịt và tiếp tục là nỗi ám ảnh của người dân.

Nghẹt thở vì lò gạch

Những ngày này, đi về các vùng quê của thôn Thuận Hòa, xã Hành Phước (Nghĩa Hành), xã Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa)... từ xa đã thấy khói bay lên mịt mù. Ông Nguyễn Hồng Thái, thôn Thuận Hòa, xã Hành Phước bức xúc nói: “Nhà tôi ở sát mấy lò gạch thủ công nên ngày nào cũng phải "sống chung" với khói bụi. Mấy đứa nhỏ thì thường xuyên bị viêm đường hô hấp nên tôi phải gửi đi nơi khác ở. Lần tiếp xúc cử tri nào chúng tôi cũng ý kiến, nhưng đợi mãi mà chẳng thấy ai giải quyết”. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà theo ông Thái thì hầu hết cây cối, hoa màu nằm cạnh lò gạch hoặc bị khói lò gạch “quét” qua đều bị khô lá, rụng trái; đồng thời còn ảnh hưởng đến việc chăn nuôi gia súc.     
    

Nhiều lò gạch thủ công vẫn đang hoạt động hết công suất.
Nhiều lò gạch thủ công vẫn đang hoạt động hết công suất.


 Là một trong những địa phương có số lượng lò gạch thủ công lớn nhất nhì tỉnh, xã Nghĩa Mỹ đang có trên 50 lò gạch đang ngày đêm hoạt động. Nhiều nhà dân ở cách lò gạch 5 – 10m buộc phải thường xuyên cửa đóng then cài. Nhưng khổ nhất là hàng trăm học sinh của Trường Tiểu học Nghĩa Mỹ phải luôn chịu cảnh tra tấn bởi khói lò gạch. Ông Nguyễn Văn Ca, thôn Mỹ Hòa, xã Nghĩa Mỹ kêu ca: “Tôi có 2 đứa cháu đang học Trường Tiểu học Nghĩa Mỹ và thường xuyên chứng kiến các cháu bị ho, đau đầu, khó thở. Chỉ vì phát triển kinh tế mà gây hại cho bao nhiêu người khác thì Nhà nước nên xử lý dứt điểm”.
 

Một số tỉnh đã xóa lò gạch thủ công


Ở một số tỉnh thành như Quảng Nam, Bình Định, Bình Dương… đã cơ bản xóa được tình trạng hoạt động của các lò gạch thủ công và tìm hướng đi khác cho người dân làm gạch.  Đây là điều mà chính quyền các địa phương trong tỉnh cần học tập.

Chính quyền chưa thể xử lý

Ông Võ Công Thành – Chủ tịch UBND xã Hành Phước cho biết: “Trên địa bàn xã Hành Phước hiện có 39 lò gạch thủ công đang hoạt động. Trong đó chủ yếu tập trung ở thôn Thuận Hòa. Mặc dù địa phương rất muốn xóa bỏ lò gạch thủ công theo quy định của Chính phủ, nhưng do chưa có hướng dẫn xử lý cụ thể nên xã không thể giải quyết dứt điểm được”.

Cũng theo ông Thành thì một trong những nguyên nhân khiến các lò gạch thủ công “tái xuất” là do nhu cầu của thị trường. Bởi trên thực tế năm 2013, số lò gạch thủ công ngừng hoạt động rất nhiều. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2014, nhất là trong 2015, khi dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1 được thi công và thị trường xây dựng phát triển thì các lò gạch thủ công bắt đầu hoạt động với cường độ ngày một cao hơn. “Thực chất số lượng lò gạch không tăng, nhưng để đáp ứng nhu cầu của thị trường, hầu hết các lò gạch đều nâng công suất lên từ 1 – 2 lần so với trước đây”, ông Thành lý giải.

Theo Quyết định 567/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến cuối năm 2010 toàn bộ lò gạch thủ công trên cả nước phải được xóa bỏ để chuyển sang công nghệ tuynel. Tuy nhiên, do chưa dứt khoát trong xử lý nên các địa phương đã xin gia hạn lộ trình đến năm 2020. Điều này đã khiến cho các lò gạch thủ công có cớ để tiếp tục hoạt động!


Bài, ảnh: HỒNG HOA


 


.