Kiếm tiền lo Tết từ cua đồng

02:01, 30/01/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Ít ai ngờ rằng, những con cua đồng bò lổn ngổn ở khắp các chân ruộng cũng có ngày mang lại tiền triệu cho nhiều nông dân. Nhất là thời điểm cận Tết, khi nông vụ đã nhàn, càng có nhiều người tranh thủ đi bắt cua bán cho các thương lái để kiếm thêm thu nhập lo Tết.
5 giờ sáng, khi mặt đất còn ẩn mình trong sương lạnh, thì điểm thu mua cua đồng của bà Nguyễn Thị Kim tại thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành đã tấp nập người vào ra. Nhiều túi cua to nặng từ 20-50kg được hàng chục người chuyên làm nghề bắt cua ở khắp các huyện Sơn Hà, Sơn Tây hay Bình Sơn, Mộ Đức… tập trung về đây để bán cho thương lái.
 
Anh Trần Tiến Độ ngụ ở thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà cùng với em trai cũng vừa xách bao cua đồng nặng hơn 30kg đến bán. “Đây là thành quả đánh rập mồi cua của hai anh em tôi. Đi từ 6 giờ chiều đến 12 giờ đêm, với giá cua hôm nay là 27 nghìn đồng một ký thì mỗi người cũng bỏ túi hơn 400 nghìn đồng”- anh Độ hồ hởi cho biết.

 

Nhờ vào nghề bắt cua, một người có thể kiếm được 200-500 nghìn đồng/ngày
Nhờ vào nghề bắt cua, một người có thể kiếm được 200-500 nghìn đồng/ngày
 
Hơn một tuần qua, ngày nào anh Độ cũng tranh thủ đi dò bắt cua bằng đèn pin và đánh rập rồi chạy về điểm thu mua ở Nghĩa Hành để bán và lấy tiền “tươi”. Cứ như vậy, mỗi ngày anh có thu khoảng 200-500 nghìn đồng từ nghề bắt cua đồng. “So với nhiều nghề khác thì nghề cua đồng vất vả vì phải đi bắt vào ban đêm. Nhưng nhờ có thu nhập cao nên tôi cũng cố kiếm vài triệu trước khi nghỉ Tết để đưa cho vợ mua sắm nhiều thứ trong nhà”- anh Độ chia sẻ thêm.
 
Tại điểm thu mua của bà Nguyễn Thị Kim, mỗi ngày có 150-300kg cua được thu gom từ khắp nơi trong tỉnh để gửi đi khắp nơi trong nước. Cảnh mua bán cua nhộn nhịp chỉ diễn ra trong khoảng 2 tiếng đồng hồ. Sau đó là công việc rửa cua sạch sẽ, dồn vào các bao lưới và ngâm cua vào nước đá trước khi cho lên các chuyến xe hàng chở đi ngoại tỉnh.
 
Bà Kim cho biết: Phải ngâm cua vào nước đá trước khi cho lên xe chở đi để cua ngủ trên đoạn đường dài và ít có nguy cơ chết trong bao lưới. Cua được thu mua chở đi các tỉnh và nhập vào các nhà hàng phục vụ các món lẩu cua, riêu cua, cua rang muối, rang me… đây đều là những đặc sản đồng quê nên có rất nhiều thực khách ưa chuộng. Do đó, nghề bắt cua và mua bán cua cũng nhờ thế “phất” lên.

 

Món cua đồng rất được ưa chuộng ở các nhà hàng
Món cua đồng rất được ưa chuộng ở các nhà hàng
 
Đúng 10 giờ sáng mỗi ngày, anh Hồ Bảo Quốc Dương (quê ở Kiên Giang) là đầu nậu thu mua cua lớn nhất Quảng Ngãi sẽ đến kiểm hàng và mang cua đi. “Riêng ở Nghĩa Hành thì tôi có 4 điểm thu mua cua. Rồi hàng chục điểm thu mua khác ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Mỗi ngày tôi thu được khoảng 5-7 tấn cua đồng để chở đi bán ở Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng”- anh Dương cho biết.
 
Năm nay, do các tỉnh miền Tây Nam Bộ đang hạn nên sản lượng cua đồng giảm mạnh. Nhưng theo anh Dương, bù lại là sản lượng cua đồng bắt được ở các tỉnh miền Trung lại tăng lên đáng kể. Như các điểm thu mua ở Quảng Ngãi, một đầu nậu đã có thể thu mua khoảng 2-3 tấn mỗi ngày. Cua đồng xuất hiện quanh năm, nhưng thời gian cao điểm vẫn là trước và sau Tết.
 
Việc thu mua cua đồng đã xuất hiện từ 2-3 năm nay, nhưng 1 năm trở lại đây mới rầm rộ vì thu nhập ngày càng cao. Do đó, chỉ riêng ở tỉnh Quảng Ngãi cũng có đội quân hành nghề bắt cua đồng lên đến hơn 100 người. Với thu nhập từ 200-500 nghìn đồng/ngày từ nghề này, nhiều nông dân đã có một số tiền lớn đủ trang trải cho Tết.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương
 

 


.