Hối hả lo đón Tết

02:01, 24/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chuẩn bị đón Tết Bính Thân 2016 sắp đến, ở nhiều nơi, người dân tất bật “thay áo mới” cho những tuyến đường giao thông nông thôn nền đất trước đây bằng bê tông kiên cố. Còn với nhiều nông dân họ đang hòan tất vụ mùa để an tâm đón Tết.

TIN LIÊN QUAN

Làm đường đón Tết

Về thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn) trong những ngày này, mọi người đang tất bật thi công bê tông các tuyến đường liên xóm, liên thôn. Chỉ tay về đoạn đường vừa làm xong, anh Nguyễn Văn Luyến ở xóm Hải Thạnh cho hay, từ khi phát động làm đường bê tông ở thôn, không kể già trẻ, nhà nào cũng huy động nhân lực góp công góp sức hăng say làm đường. Đường bê tông tới đâu, bộ mặt xóm làng thêm phần khang trang, sạch sẽ đến đó.

Nông dân chăm sóc vườn rau chuẩn bị cung cấp cho thị trường Tết.
Nông dân chăm sóc vườn rau chuẩn bị cung cấp cho thị trường Tết.


Thôn Thanh Thủy hiện có 538 hộ dân, trong đó 80% hộ dân làm nông là chính, số ít làm nghề biển nên đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Vấn đề giao thông nông thôn luôn khiến địa phương trăn trở. Kể từ khi phong trào làm đường giao thông xây dựng nông thôn mới triển khai tại địa phương được người dân luôn đồng tình ủng hộ. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 1.2016, phát huy sức mạnh đoàn kết trong nhân dân, thôn Thanh Thủy đã đóng góp hơn 200 triệu đồng, gần 300 ngày công, thi công hơn 550m đường.

Theo dự kiến, đến quý II/2016, người dân mới làm đường và mặc dù nguồn xi măng hỗ trợ chưa về, người dân Thanh Thủy vẫn quyết định làm đường sớm để mọi người đi lại thuận tiện, vận chuyển hàng hóa trong dịp Tết dễ dàng hơn. Trong đó, ưu tiên những đoạn lầy lội, khó đi, xa xôi nhất, kể cả những hộ dân đã thi công đường xong cũng chung tay chia sẻ với những tổ, xóm chưa làm.

Hoàn tất mùa vụ

Những ngày này, rảo bước khắp các cánh đồng lúa, đồng rau ở các địa phương rất dễ bắt gặp những người nông dân cần mẫn chăm lo cho vụ mới. Với lão nông Võ Quyền (80 tuổi) ở thôn An Lộc, xã Tịnh Long (TP. Quảng Ngãi) thì thời điểm này ông không thể “ngưng tay, nghỉ chân” được. Bởi vụ lúa đông – xuân vừa gieo sạ xong là gia đình ông phải lo tiến hành vỡ đất, bón phân trồng rau trên cánh đồng hơn 2ha của mình. Vừa khuân bao phân chuồng trên vai, ông Quyền vừa nói: “Lúa được hơn 10 ngày tuổi, dặm xong thì lo vỡ đất trồng rau. Chờ mùa mưa vừa qua, nắng ráo lên là vào vụ rau vậy mới có thu nhập mà lo Tết. Bây giờ ai cũng cặm cụi từ sớm đến tối ở ngoài đồng. Có hôm còn mang theo cơm ăn để làm cho kịp ngày”.

Không chỉ ông Quyền mà ông Nguyễn Cung ở xóm 1A, thôn Mỹ Huệ 1, xã Bình Dương (Bình Sơn) cũng đang tất bật thu hoạch và xuống giống vụ dưa leo mới của mình. Kết thúc vụ vừa rồi, gần 2 sào dưa leo của ông cũng cho thu nhập kha khá, vì thế đầu tháng Chạp, vợ chồng ông lại vun đất, cắm choái để trồng tiếp vụ mới để bán trong những ngày Tết. “Vợ thì lo dặm cho xong mấy sào lúa, còn tôi thì lo thu hoạch cho xong vụ dưa này rồi dọn đất để trồng vụ mới. Vụ này công việc nhiều không thể nghỉ tay được. Nào là sạ, dặm lúa, bón phân, phun thuốc, rồi lo trồng hoa màu để bán cho các tiểu thương, rồi lo chuẩn bị nhà cửa, mua sắm đồ đạc đón Tết. Công việc nhiều nên phải chia ra làm cho kịp”, ông Cung  chia sẻ.


Bài, ảnh: B.HÒA-Đ.DIỆU



 


.