Đột phá để trở thành tỉnh công nghiệp

08:01, 01/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dựa vào tiềm năng, lợi thế cùng những chính sách hết sức thuận lợi, thông thoáng trong thu hút đầu tư, Quảng Ngãi đã và đang nỗ lực tạo đột phá trong phát triển công nghiệp để sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

TIN LIÊN QUAN

Công nghiệp đang chiếm 62% tỷ trọng cơ cấu kinh tế của tỉnh với giá trị sản xuất năm 2015 đạt 23.262 tỷ đồng, tăng trên 5.500 tỷ đồng so với năm 2010 (tăng bình quân 5,5%/năm). Đây là nền tảng rất quan trọng và vững chắc để công nghiệp Quảng Ngãi vươn cao trong những năm đến.

Khởi sắc

Nổi bật nhất trong thành tựu của ngành công nghiệp Quảng Ngãi là sản phẩm lọc hóa dầu, với giá trị sản xuất năm 2015 đạt 16.830 tỷ đồng, vượt 6,4% kế hoạch năm và chiếm 72,1% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Các ngành sản xuất khác đạt 6.432 tỷ đồng (27,9%). Phân theo thành phần kinh tế thì kinh tế nhà nước 17.421 tỷ đồng (vượt 6,3% kế hoạch, tăng 12,9% so với năm 2014); kinh tế ngoài nhà nước 5.343 tỷ đồng (tăng 9,9%) và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 497,8 tỷ đồng (vượt 21,4% kế hoạch, tăng 1,4%)...

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng (thứ hai từ trái sang) kiểm tra thực địa tại KKT Dung Quất.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng (thứ hai từ trái sang) kiểm tra thực địa tại KKT Dung Quất.


Ông Trương Quang Dũng-Quyền Giám đốc Sở Công thương cho biết, thu hút đầu tư và giải quyết việc làm cho lao động trong tỉnh đang có những khởi sắc. Đến nay, Khu Kinh tế (KKT) Dung Quất có 128 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 181.900 tỷ đồng, trong đó có 80 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn thực hiện 5 tỷ USD; giải quyết việc làm cho trên 20.000 lao động, đã tạo động lực lớn, trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Cùng với đó là KCN Tịnh Phong (giai đoạn 1) và KCN Quảng Phú đạt tỷ lệ lấp đầy 80-100%, với 95 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đăng ký 6.700 tỷ đồng; giải quyết việc làm trên 14.400 lao động.

Một điều đáng mừng nữa là Quảng Ngãi đã có các sản phẩm mới có hàm lượng giá trị gia tăng cao và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Riêng năm 2015, các mặt hàng truyền thống và thế mạnh của tỉnh tiếp tục có bước tăng trưởng khá như: Tinh bột mì tăng 16%, sữa các loại tăng 26,7%, thủy sản chế biến tăng 8,3%. Bên cạnh đó, thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp cũng đạt kết quả tốt. Trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch chi tiết và hình thành 20 cụm công nghiệp, với tổng diện tích trên 251ha. Trong đó có 15 cụm CN đang trong quá trình hoạt động và hoàn thiện hạ tầng, thu hút 100 dự án (vốn đăng ký 1.494 tỷ đồng); đến nay có 65 dự án đi vào hoạt động, với tổng vốn thực hiện khoảng 608 tỷ đồng; giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 3.600 lao động...
 

Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh xác định phát triển công nghiệp tiếp tục là nhiệm vụ đột phá trong giai đoạn 2015-2020, với giá trị sản xuất đến năm 2020 đạt trên 113.000 tỷ đồng, tăng bình quân 2 - 3%/năm, nếu không tính giá trị sản phẩm Nhà máy lọc dầu thì tăng 14 - 15%/năm. Giá trị công nghiệp tăng thêm (giá so sánh năm 2010) đến năm 2020 khoảng 24.400 tỷ đồng, tăng bình quân 3- 4%/năm. Tỷ lệ lao động công nghiệp - xây dựng trong tổng lao động của tỉnh chiếm 32%.

Kêu gọi đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Quyền Giám đốc Sở Công thương Trương Quang Dũng cho rằng, để sớm đưa Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại theo tinh thần Nghị quyết XIX Đảng bộ tỉnh đề ra, tỉnh cần tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng KKT Dung Quất và các KCN, tạo cơ sở và điều kiện thuận lợi để kêu gọi đầu tư. Đặc biệt là hỗ trợ Công ty TNHH VSIP đầu tư hoàn thành giai đoạn II hạ tầng KCN VSIP Quảng Ngãi. Khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo chiều rộng và chiều sâu. Trong đó, chú trọng phát triển đa dạng các ngành công nghiệp, như công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh đó, phải chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, tăng tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm công nghiệp. Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản; công nghiệp phụ trợ; công nghiệp hóa dầu; các ngành công nghiệp giải quyết nhiều lao động. Đồng thời, kiên quyết từ chối các dự án có công nghệ lạc hậu, có nguy cơ ô nhiễm môi trường; xử lý dứt điểm những dự án kéo dài, kém hiệu quả.

Còn Phó Trưởng Ban quản lý KKT Dung Quất Lê Văn Dũng cho rằng, mặc dù thu hút đầu tư ở Quảng Ngãi trong thời gian qua đạt được những kết quả nhất định. Môi trường đầu tư có chuyển biến tích cực thông qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng lên, tuy nhiên chỉ số này thiếu ổn định. Công tác xúc tiến đầu tư chưa có những giải pháp mạnh mẽ và có tính khả thi; còn trông chờ vào động lực của các dự án trọng điểm tại KKT Dung Quất. Công tác giải phóng mặt bằng và tiếp cận đất đai vẫn còn nhiều vướng mắc. Điều kiện về hạ tầng, tiện ích và cung ứng dịch vụ còn hạn chế.

“Để tạo đột phá về thu hút đầu tư trong giai đoạn 2016-2020, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh. Đồng thời, tập trung xúc tiến các dự án trọng điểm. Chẳng hạn đối với công nghiệp nặng, phải thu hút dự án thép mới thay thế dự án thép Guang Lian và tích cực thu hút các dự án điện khí, làm cơ sở để tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương đối với dự án đưa khí vào bờ từ mỏ Cá Voi Xanh. Xúc tiến các dự án hóa dầu, để sau năm 2020 hình thành tổ hợp hóa dầu đồng bộ với Dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Còn với công nghiệp nhẹ thì tập trung vào các dự án, ngành nghề, lĩnh vực phù hợp điều kiện lợi thế cạnh tranh của tỉnh, vừa có khả năng thu hút đầu tư dựa vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để xúc tiến”, ông Dũng nói.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Bên cạnh việc xúc tiến đầu tư, tỉnh sẽ đẩy mạnh triển khai các công tác khuyến công để hỗ trợ doanh nghiệp. Trước hết là xây dựng các kế hoạch, chính sách, chương trình phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp cụ thể; tư vấn giúp các cơ sở công nghiệp lập dự án đầu tư, thành lập doanh nghiệp và hỗ trợ vốn của Nhà nước giúp doanh nghiệp mua máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất...

Tàu cập cảng Gemadept để xuất-nhập hàng hóa.
Tàu cập cảng Gemadept để xuất-nhập hàng hóa.


Sắp tới, Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ mở ra nhiều cơ hội nhưng cùng với đó sẽ là những thách thức mới cho doanh nghiệp trong nước, cũng như Quảng Ngãi. Trước tình hình đó, tỉnh đã xác định các DN cần chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh, phát triển sản xuất để cạnh tranh với hàng hóa từ các nước trong khu vực ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Khai thác tốt những thế mạnh của mình để tận dụng, như lợi thế về thuế quan và chủ động đón đầu sức ép cạnh tranh. Nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trong nước với hàng ngoại nhập. Tự nỗ lực đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc, thiết bị để tạo bức phá và nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, những dự án CN trọng điểm đã và đang triển khai, cộng với sự liên kết với nhau giữa các DN, chắc chắn trong tương lai gần công nghiệp Quảng Ngãi sẽ phát triển vượt trội, trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững.


PHẠM DANH

 


.