Đóng tàu vỏ thép

02:01, 05/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, đi khắp các làng chài ở Quảng Ngãi, khi bàn về việc đóng tàu thép theo Nghị định 67, ngư dân đều cho rằng “bà con không thể phân biệt được thép tốt để đóng tàu”. Thép đóng tàu trên thị trường hiện nay ra sao? Ngư dân có nên quá lo lắng? Việc chọn thép như thế nào?

TIN LIÊN QUAN

Tiến sĩ Phùng Minh Lộc - Trưởng bộ môn Động lực, Khoa Kỹ thuật Giao thông - Đại học Nha Trang, khẳng định: “Đóng tàu vỏ thép cho ngư dân thì tuyệt đối không sử dụng thép Trung Quốc, vì trong thép còn nhiều tạp chất, tàu nhanh bị thủng. Tốt nhất là chọn thép Nga, sau đó là thép Hàn Quốc. Chu kỳ 1 năm phải sơn bảo dưỡng tàu một lần”.

Chọn thép đóng tàu

Hiện nay, trong các dự toán và thiết kế đóng tàu vỏ thép của ngư dân theo Nghị định 67 đều sử dụng vật liệu là thép của Hàn Quốc. Tiếp xúc với nhiều ngư dân, họ đều tỏ ý băn khoăn: “Nếu mình đóng thép Hàn, nhưng công ty họ đổi thép khác thì mình không thể biết được”.

Kỹ sư Hồ Anh Tuấn - Công ty TNHH MTV đóng tàu Nha Trang cho biết: “Hiện nay, công ty đã đóng nhiều tàu cho ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, thành công nhất là 2 tàu cá của Quỹ Hỗ trợ ngư dân đã hạ thủy vào tháng 5 vừa qua. Về vật liệu thép để đóng tàu thì công ty sử dụng thép Hàn Quốc theo dự toán thiết kế của bà con. Đóng tàu vận tải thì sử dụng đến thép của Nhật, còn đóng tàu cá cho bà con ngư dân và các tàu khác thì sử dụng thép Hàn Quốc”.

Ông Tuấn cũng chia sẻ thêm rằng, có rất ít trường hợp tàu hoạt động trong sông, vùng vịnh nước êm và theo yêu cầu của chủ tàu để hạ giá thành, lúc đó công ty mới sử dụng thép Trung Quốc. Nhưng nói chung là tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân thì không bao giờ sử dụng thép Trung Quốc để đóng, vì nhiều lo ngại.

Tàu Hậu cần nghề cá của Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi đang được đóng mới.
Tàu Hậu cần nghề cá của Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi đang được đóng mới.


Vậy thì ngư dân sử dụng kiến thức của mình như thế nào để phân biệt đâu là thép Hàn Quốc, đâu là thép Trung Quốc, và con tàu của mình có được đóng đúng loại thép tốt hay không? Đối với vấn đề này thì khi thép nhập vào Việt Nam đã có cơ quan kiểm định kiểm tra nguồn gốc và xuất xứ, chứng chỉ thép đóng tàu. Ngư dân có thể kiểm tra phiếu, hóa đơn, lô hàng có dấu hải quan.

Theo hợp đồng, trong quá trình đóng tàu, nếu bà con ngư dân và ngân hàng thấy cần kiểm tra thì có thể yêu cầu các công ty giám định độc lập lấy mẫu thép để gởi đi kiểm nghiệm chất lượng thép. Đó là test report thử kéo (kích thước tiết diện, giới hạn chảy, giới hạn bền kéo, độ giãn dài tương đối), thử uốn (đường kính gối uốn, góc uốn…), thành phần hóa học (cácbon, silicôn, mangan, phốt pho, sunphua). Các chỉ số đó phải bằng hoặc cao hơn chứng chỉ quốc tế quy định đối với thép đóng tàu, nếu thấp hơn là thép không đạt tiêu chuẩn.
 
 

Ông Nguyễn Xuân Huế - Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi, kiến nghị: “Nhà nước nên giao cho từng địa phương thành lập tổ tư vấn xuyên suốt để giúp cho bà con đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67. Để ngư dân tự đi đóng tàu vỏ thép là một lỗ hổng lớn”.  

Lựa chọn nhà thầu đóng tàu

 Suốt 4 tháng qua, ngư dân Phạm Văn Cu (SN 1963), rời quê xã Nghĩa Phú (TP. Quảng Ngãi) để đi khắp nơi trong nước nhằm nghiên cứu về công nghệ đóng tàu vỏ thép. Ông Cu từng là thuyền trưởng của 2 chiếc tàu nhỏ làm nghề giã cào, sau đó nâng cấp thành một đôi tàu lớn hơn có tổng công suất 900 mã lực chuyên làm nghề giã cào khu vực Vịnh Bắc Bộ. Ông Cu khá am hiểu về tàu vỏ gỗ,  chưa biết gì về tàu vỏ thép. Vì thế, ông Cu phải đến nhiều công ty đóng tàu để tìm hiểu tàu vỏ thép mà mình sắp làm chủ. Cuối cùng, ông Cu quyết định lựa chọn Công ty đóng tàu thủy Việt Đức (Nam Định) và ký hợp đồng. Bản thiết kế vẽ con tàu thép có chiều dài 27m, chiều rộng lớn nhất 7,15m, máy Mitsubishi của Nhật có công suất 1.032 mã lực. Tàu trang bị một giàn lưới rê gần 400 tấm, chiều cao của mỗi tấm lưới 53m, dài 45m (lưới cho tàu cũ cao 30m, dài 40m), 5.000 chiếc kết. Tổng giá trị hợp đồng là 14,4 tỷ đồng, so ra rẻ hơn các công ty khác. Nhưng, ngân hàng Vietcombank, chi nhánh Quảng Ngãi thẩm định và đã bác hồ sơ và kết luận, giá thành con tàu này cao hơn thực tế.

Qua tiếp cận với các công ty, bà con cho biết, cùng một bản thiết kế giống nhau, nhưng mỗi công ty lại báo một giá, độ vênh lớn nhất về giá thành lên đến 3,5 tỷ đồng/tàu. Ngư dân thắc mắc về số tiền rẻ hơn một cách đáng ngờ thì nhà thầu cho biết lý do: “Nếu anh ưng tàu gì thì chúng tôi đáp ứng tàu loại đó. Muốn hạ giá thành thì chúng tôi chỉ cần đổi thép, thay đổi thép sống tàu…”.

Các công ty đóng tàu thường giới thiệu về chất lượng tàu đảm bảo, có năng lực tài chính, có đội ngũ kỹ sư giỏi, vốn pháp định cao, không bị nợ nần. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm trong những chuyến đi khảo sát thực tế của bà con ngư dân, thì khi tới công ty nên tìm hiểu diện tích của công ty đóng tàu, lực lượng kỹ sư đóng tàu, thiết bị đóng tàu, nhờ cơ quan tài chính thẩm định vốn pháp định và nợ xấu của công ty…
 
Để đóng tàu thép tiết kiệm

 Phỏng vấn những chủ tàu đã hạ thủy tàu vỏ thép ở các tỉnh lân cận, thuyền trưởng Phan Thu ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) vừa hạ thủy tàu vỏ thép chia sẻ: “Trước tiên ngư dân phải tin vào công ty đóng tàu. Đơn vị tôi đóng tàu hướng dẫn bà con rất tận tình”.

Máy thủy Mitsubishi lắp đặt cho tàu vỏ thép được xem là tạo ra cỗ máy hoàn hảo.
Máy thủy Mitsubishi lắp đặt cho tàu vỏ thép được xem là tạo ra cỗ máy hoàn hảo.


Quá trình đóng tàu, có ngư dân thuê giám sát A độc lập giám sát quá trình đóng tàu, có ngư dân không thuê giám sát A. Nhưng nói chung là tâm lý bà con vẫn chưa thực sự yên tâm và cho rằng, giám sát A cũng là người nhà của công ty đóng tàu. Theo ngư dân, Cục Đăng kiểm mới chính là người nhà và luôn bảo vệ ngư dân, nên đó là chỗ dựa tin cậy nhất của bà con.

Điều mà ngư dân băn khoăn nhất là sợ công ty có sử dụng đúng loại thép A theo thiết kế? Ngư dân có thể kiểm tra sê ri trên thép và kèm thêm ký tự riêng đánh dấu trên thép tấm. Một số ngư dân đang đóng tàu vỏ thép cho biết, “nhìn chung với trình độ của ngư dân thì khó có thể gọi là giám sát được. Ngư dân chủ yếu là trông coi quá trình đóng tàu”.

Hiện nay, 2 tàu cá của Quỹ Hỗ trợ ngư dân (HTND) hoạt động ổn định rất cao. Đó chính là bản sao để bà con ngư dân học tập. Khi tiến hành đóng tàu, chủ tàu được Ban điều hành Quỹ HTND thuê một Công ty thẩm định giá độc lập, tiến hành báo giá từng thiết bị. Đó là cơ sở để đàm phán với nhà thầu để hạ thấp giá thành, áp giá sát và chốt giá. Hợp đồng đóng tàu chia từ 5 đến 7 giai đoạn. Kết thúc mỗi giai đoạn thì tiến hành nghiệm thu, quyết toán kinh phí từng phần. Máy tàu được ký hợp đồng riêng. Việc kiểm tra từng phần có sự tham gia của Trung tâm đăng kiểm tàu cá thuộc Tổng Cục thủy sản. Quỹ HTND mời vài kỹ sư đến tư vấn cho chủ tàu.  

Ngư dân quen với tâm lý tạm bợ là “sắm máy cũ ít tiền”. Ông Nguyễn Xuân Huế- Chủ tịch Quỹ HTND Quảng Ngãi cho biết: “Tôi thuyết phục bà con, nhất định phải dùng máy mới. Vì máy mới vận hành an toàn, rất tiết kiệm nhiên liệu. Và bây giờ họ đã thấy đó là quyết định đúng. Bình quân một phiên biển 20 ngày, ngư dân tàu vỏ thép tiết kiệm khoảng 1.000 lít dầu so với tàu vỏ gỗ có công suất nhỏ hơn, hoạt động cùng thời gian”.

Ông Nguyễn Xuân Huế cho biết thêm, khi đóng tàu thì hồ sơ, thiết kế, bản vẽ phải chi tiết, không thiếu bất cứ một bộ phận nào. Việc thi công từng gói phải được ấn định thời gian hoàn thành, nếu làm chậm thì phải bồi thường. Làm như vậy thì ngư dân mình mới có được chiếc tàu chất lượng thật tốt, còn phía nhà thầu không dám làm dối. Mà khi họ đóng tàu tốt cho mình thì họ có tiếng thơm, thêm nhiều khách hàng. Tốt cho mình và cho cả họ.

Ông Phan Huy Hoàng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNN chia sẻ kinh nghiệm: “Chủ tàu bám công trường thì mới hiểu được van thông thủy, thông gió... nằm chỗ nào; tàu có mấy chục cái bơm được đặt tại đâu, hệ thống điện áp ra sao, dây điện chạy theo hướng nào...? Nhờ nắm được “ruột” con tàu nên khi vận hành bị trục trặc thì biết cách khắc phục.

Bài, ảnh: VĂN CHƯƠNG

 


.