Bảo tồn cây lúa rẫy

04:01, 18/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều tập tục, nghi lễ từ rất lâu đời của đồng bào dân tộc Cor ở Trà Bồng gắn với cây lúa rẫy. Để giữ bản sắc văn hóa của người Cor, huyện Trà Bồng có hướng bảo tồn loại cây trồng truyền thống này.
 
Trong chuyến công tác mới đây tại Trà Bồng, cùng đi với chúng tôi có vị khách đến từ Hà Nội. Anh ta ngỏ ý lần này lên Trà Bồng nhất định phải thưởng thức cơm lúa rẫy của đồng bào Cor. Một số bạn bè của anh ta cho biết cơm lúa rẫy của người Cor ăn với muối mè rất ngon, nên muốn dùng thử. Xong việc, món cơm lúa rẫy cùng với muối mè đã đặt sẵn trên bàn ăn, không chỉ có vị khách ở Hà Nội mà cả đoàn cùng thưởng thức món cơm truyền thống của đồng bào Cor, ai nấy cũng đều tấm tắc khen ngon. Nhiều người tìm mua gạo lúa rẫy của người Cor về làm quà. Gần đây, nhiều người biết đến món cơm lúa rẫy của đồng bào Cor, hạt gạo lúa rẫy đã “vượt” khỏi đại ngàn, đến với người  dân phương xa.  

Đồng bào dân tộc Cor rất quý hạt giống lúa rẫy.                                                    Ảnh: THÚY HẰNG
Đồng bào dân tộc Cor rất quý hạt giống lúa rẫy. Ảnh: THÚY HẰNG


Đối với người Cor, hạt cơm lúa rẫy cũng giống như tiếng chiêng, tiếng trống, không thể thiếu trong đời sống. Mùa lúa rẫy đã đi vào trong ký ức của mỗi đứa trẻ người Cor từ khi còn trên lưng mẹ. Hạt cơm lúa rẫy không chỉ nuôi sống lớp lớp thế hệ người Cor mà còn nuôi dưỡng tâm hồn, tạo nên bản sắc văn hóa riêng có của đồng bào dân tộc Cor qua các mùa lễ hội. Để đảm bảo lương thực, nâng cao đời sống, đồng bào dân tộc Cor đã phát triển cây lúa nước theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Dẫu thế, trên rẻo cao người Cor vẫn lom khom tỉa lúa rẫy. Trong mỗi nóc nhà vẫn luôn có những bữa cơm lúa rẫy thơm lừng.  

Già làng Hồ Văn Thuận (90 tuổi), ở thôn 2, xã Trà Thủy bảo rằng, giữ cây lúa rẫy cũng là giữ linh hồn của người Cor, những ai là con cháu người Cor phải có trách nhiệm giữ loại cây trồng truyền thống này, người dân trong làng rất quý giống lúa rẫy, nhất là người cao tuổi.

Cứ vào tháng năm âm lịch hàng năm, đồng bào dân tộc Cor lại bắt đầu tỉa hạt lúa rẫy. Trước ngày tỉa hạt, dân làng làm lễ cúng ma lúa. Theo quan niệm của người Cor, ma lúa giữ cho cây lúa rẫy tốt tươi, nhiều hạt. Cây lúa sinh trưởng và phát triển theo lẽ tự nhiên của đất trời, mà không hề sử dụng phân, thuốc. Vào mùa thu hoạch lúa rẫy cũng là thời điểm đồng bào dân tộc Cor mong đợi nhất trong năm. Đồng bào dân tộc Cor vui đón Tết Ngã rạ. Dân làng quây quần bên nhau thực hiện các nghi lễ cúng tạ ơn thần sau một vụ mùa. Trong ngày vui của làng, đàn ông trổ tài đấu chiêng, phụ nữ uyển chuyển trong điệu múa cà đáo… Tiếng trống, tiếng chiêng vang vọng khắp núi rừng. Cứ thế, từ rất lâu đời đồng bào dân tộc Cor giữ gìn các  giá trị văn hóa truyền thống gắn với cây lúa rẫy.

 Ông Võ Sỹ Phi -Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trà Bồng cho biết, toàn huyện Trà Bồng hiện duy trì khoảng 252ha lúa rẫy. Đồng bào không còn phá rừng để trồng lúa rẫy như trước đây, trên cùng một diện tích trồng quế, keo, bà con trồng xen canh cây lúa rẫy, mè đen… Để giữ tập quán canh tác lúa rẫy, tận dụng diện tích đất ven rừng hay những khoảng đất còn trống nơi hóc đá… đồng bào dân tộc Cor tỉa hạt lúa rẫy.

Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Trà Bồng đề ra hướng duy trì các loại cây trồng truyền thống, trong đó có cây lúa rẫy. “Không có cây lúa rẫy người Cor sẽ không còn Tết Ngã rạ và cũng sẽ mất đi nhiều giá trị văn hóa vốn có từ xa xưa của đồng bào. Giữ cây lúa rẫy cũng là cách để bảo tồn các giá trị văn hóa của người Cor và phục vụ cho phát triển du lịch”, ông Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng Phòng VH-TT huyện Trà Bồng nhấn mạnh.  


PHƯƠNG LÝ


  
 


.