Xưởng may gia đình: Mô hình hiệu quả của phụ nữ Mỹ Tân

01:12, 16/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khi chồng ra khơi bám biển thì ở nhà, chị em phụ nữ cùng nhau đoàn kết để giúp nhau làm ăn, phát triển kinh tế. Bằng cách tự sắm máy rồi nhận hàng từ TP. Hồ Chí Minh về may, chị em ở xóm Mỹ An, thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn) đã có thêm những việc làm ổn định hơn, góp phần phát triển kinh tế gia đình.

TIN LIÊN QUAN

Những năm trước, kinh tế của gia đình chị Nguyễn Thị Út (30 tuổi) luôn gặp khó khăn khi nguồn thu nhập chính của gia đình đều dựa vào việc đi biển của chồng. Nhưng hai năm trở lại đây, cùng với các chị em đầu tư thiết bị máy may, nhận hàng từ TP. Hồ Chí Minh về làm, thu nhập của chị đã có phần ổn định hơn xưa rất nhiều. Chị Út cho biết: “Kinh tế gia đình bây giờ không còn phụ thuộc nhiều vào việc đi biển của chồng nữa. Công việc làm ngay tại nhà nên vừa may vá, vừa có thể chăm sóc con rồi làm các công việc phụ nên mình thấy rất thuận tiện”.

Chị em phụ nữ xóm Mỹ An, thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh giúp nhau phát triển kinh tế.
Chị em phụ nữ xóm Mỹ An, thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh giúp nhau phát triển kinh tế.


Không chỉ có chị Út, mà rất nhiều chị em khác trong xóm chài Mỹ An cũng đã và đang có nguồn thu nhập ổn định từ việc may vá thủ công tại nhà. Những năm trước, khi còn là công nhân may mặc cho một công ty ở TP. Hồ Chí Minh, có thu nhập cao nhưng Võ Thị Ánh Ly (20 tuổi) vẫn không đủ cho chi tiêu hằng ngày của mình. Sau khi quyết định về quê, tham gia may mặc tại nhà với các chị em cùng xóm, tuy nguồn thu nhập không cao, nhưng Ly không còn phải tốn các chi phí khác  nên sau mỗi tháng, em có thể để dành được một ít vốn cho bản thân và phụ giúp gia đình. Ánh Ly cho biết: “Hồi trước làm ở TP. Hồ Chí Minh  rất gò bó về thời gian cũng như phải làm cho đạt chỉ tiêu công ty yêu cầu. Còn bây giờ về đây, các chị em giúp đỡ lẫn nhau cùng làm nên rất thoải mái. Đã vậy các chi phí như tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt hằng ngày... cũng không tốn kém nhiều, nên sau mỗi tháng mình có một số tiền tiết kiệm”.

Theo lãnh đạo địa phương thì mô hình may mặc “tự phát” này của chị em ở xóm Mỹ An đã được thực hiện hơn hai năm trở lại đây, đã giải quyết việc làm cho hơn 100 chị em, với hơn 10 xưởng may gia đình được thành lập. Mỗi xưởng đã tạo việc làm cho 10 – 15 chị và thu nhập của các chị em ổn định từ 3 – 3,5 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Hữu Quân – Bí thư Chi bộ thôn cho biết: “Vì đây là xóm ven biển nên kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào việc đi biển của người đàn ông. Biển giả thì hay mất mùa, nên kinh tế của họ từ đó cũng bấp bênh và hay thiếu thốn. Tuy nhiên, từ khi các chị em thành lập xưởng may gia đình, họ đã tự chủ được nguồn kinh tế của mình. Hơn nữa còn giúp đỡ, tạo công ăn việc làm cho các chị em khác để cùng nhau phát triển kinh tế”.

Chị Phạm Thị Văn – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Mỹ An cho biết: “Mô hình xưởng may gia đình tự phát này còn tạo được mối đoàn kết rất lớn giữa các chị em ở địa phương.  Đây là mô hình đã nhận được sự khích lệ rất lớn không chỉ của những người chồng, người mẹ mà còn nhận được sự quan tâm của các cấp ở địa phương. Chúng tôi luôn khích lệ tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong việc phát triển kinh tế và đoàn kết giữa các chị em phụ nữ ở địa phương”.


Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU



 


.