Tiềm ẩn rủi ro trong nuôi thủy sản trái vụ

09:12, 22/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với mong muốn thu lãi cao trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều hộ nuôi thủy sản vùng ven biển đã tiến hành thả nuôi trái vụ hoặc “găm hàng” chờ Tết. Tuy nhiên, cách làm này cũng không tránh khỏi rủi ro...

TIN LIÊN QUAN

Giá hấp dẫn

Những ngày này, hàng chục hộ dân nuôi cá nước lợ ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) tất bật hơn, vì phải ngược xuôi mua đủ thức ăn cho lứa cá phục vụ thị trường Tết. Nguyên nhân là do mấy ngày qua thời tiết trở lạnh, biển động nên tàu thuyền nằm bờ nhiều, khiến thức ăn cho cá cũng trở nên khan hiếm. Theo đó, giá thức ăn cho cá nước lợ cũng tăng lên từ 4 - 6 giá so với trước.

Các hộ nuôi cá ở  xã Phổ Thạnh
Các hộ nuôi cá ở xã Phổ Thạnh "ghim hàng" để bán Tết.


Được xem là một trong những hộ nuôi cá nước lợ lớn nhất ở vùng biển Phổ Thạnh, dịp Tết năm nào ông Cao Nhanh cũng xuất ra thị trường hàng tấn cá đặc sản các loại. Hiện tại, ông đang thả nuôi 8 tạ cá hồng, cá mú và hơn 1 tấn cá bớp. Trung bình một ngày, hơn 2 tấn cá của ông “tiêu thụ” khoảng 1,4 tạ thức ăn từ các loại cá biển tươi. Như vậy, với giá 10 – 12.000 đồng/kg thì mỗi ngày, ông Nhanh phải bỏ ra hơn 1 triệu đồng để mua thức ăn cho cá.
 

Ông Đoàn Tư Hiền – Phó Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản tỉnh cho rằng, thời tiết nắng nóng kéo dài và trở lạnh trong những ngày qua sẽ ảnh hưởng đến việc nuôi thủy sản. Trong đó, tôm sẽ bị một số bệnh như đốm trắng, đỏ thân… Do đó, các hộ nuôi cần kiểm soát chặt chẽ các yếu tố của môi trường nước, đặc biệt là lượng ôxy hòa tan, độ mặn, độ pH và theo dõi chăm sóc tôm nuôi kỹ hơn so với thời điểm nuôi thông thường trong năm, nhất là giảm bớt độ lạnh cho tôm trong những ngày rét…

Ông Cao Nhanh chia sẻ: “Nếu tính theo ngày tuổi, tất cả các loại cá tôi nuôi đều đã đạt trọng lượng xuất bán. Nhưng tôi quyết định để dành bán Tết. So với năm trước thì giá cá năm nay có phần nhỉnh hơn, nhưng do giá thức ăn tăng cao, nên nếu bán cá vào thời điểm này sẽ không lãi bao nhiêu”.

Không riêng gì ông Nhanh mà hàng chục hộ dân nuôi cá nước lợ nơi đây cũng đang thực hiện phương pháp “găm hàng” chờ Tết. Bởi theo kinh nghiệm của họ thì hàng hóa trái vụ bao giờ cũng có giá hơn. Tuy nhiên, vì sợ bão lụt vào thời điểm cuối năm nên các hộ nuôi đang tìm cách neo giữ chặt các bè cá thả nuôi trên sông. Đồng thời gia cố lại lưới chắn, không cho cá thoát ra khỏi lồng.

Hiện tại, cá bớp loại 3kg/con trở lên có giá từ 170 – 180.000 đồng/kg, cá hồng có giá 250.000 đồng/kg; riêng cá mú có giá trị kinh tế cao hơn nên giá luôn nằm ở ngưỡng 350.000 đồng/kg. Như vậy so với thời điểm này năm trước, giá các loại cá đã cao hơn từ 10.000 – 30.000 đồng/kg.

Nhiều rủi ro

Không “găm hàng” giống như những hộ nuôi cá nước lợ, nhưng để gỡ gạc lại mấy vụ tôm thất bát trong năm, nhiều hộ dân ở vùng đất cát ven biển Phổ Quang (Đức Phổ) đã tiến hành nuôi tôm trái vụ, với mong muốn thị trường Tết sẽ giúp giá tôm được đẩy lên. Anh Hoàng Quốc Việt, một trong những hộ gắn bó lâu năm với nghề nuôi tôm cho biết: “Vụ này tôi cùng mấy hộ khác hùn vốn thả nuôi 50 vạn con tôm giống để bán vào dịp Tết. Tuy nhiên, sau một tháng rưỡi thả nuôi, tôm bỗng dưng bỏ ăn rồi chết hàng loạt, thiệt hại khoảng 50 triệu đồng”.

Cách đó không xa là hồ tôm của ông Lê Mười cũng gặp trường hợp tương tự.  “Thời gian đầu, tôm vẫn khỏe mạnh bình thường, nhưng không hiểu sao đến khi hơn một tháng tuổi thì có dấu hiệu bỏ ăn, tôm lờ đờ. Rút kinh nghiệm từ các hồ lân cận, tôi vội vớt bán non nên cũng thu được chút ít, nhưng cũng lỗ trên 15 triệu đồng”, ông Mười cho biết.

Dù biết nuôi tôm trái vụ thường gặp nhiều rủi ro, song đối với những nông hộ nuôi tôm ở vùng đất cát ven biển Phổ Quang thì cái nghề đã gắn với cái nghiệp. Bởi diện tích đất nông nghiệp quá ít, nên nếu không đi biển thì hầu hết những hộ còn lại đều gắn bó với nghề nuôi tôm. Do đó, cứ hết vụ tôm này là họ lại xả nước, vệ sinh hồ và tiếp tục thả nuôi.


 Bài, ảnh: HỒNG HOA  

      
 


.