Tạo việc làm cho người dân có đất bị thu hồi: Cần giải pháp căn cơ

01:12, 24/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị thu hồi đất và người dân khu tái định cư (TĐC) là “bài toán” khó đối với các cấp chính quyền, các ngành của tỉnh. Chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất nông nghiệp được quy định tại Quyết định số 52/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 52), thực hiện từ năm 2012. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện quy định này ở Quảng Ngãi nơi làm tốt, chỗ vẫn chưa được quan tâm.

Liên kết sản xuất nấm...

Chúng tôi ghé thăm nhà chị Trần Thị Kim Hoanh (28 tuổi) ở khu TĐC Tây sông Trà Bồng, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) vào một ngày mưa phùn. Tiết trời mùa này ẩm và hơi se lạnh rất thích hợp để hàng nghìn bịch phôi nấm bào ngư (còn gọi nấm sò) của gia đình chị Hoanh đua nhau nở rộ. Chị Hoanh cho hay: Gia đình chị TĐC từ năm 2009, thuộc diện di dời đầu tiên để nhường đất cho các dự án lớn ở KKT Dung Quất và được cấp 260m2 đất. Những năm đầu công việc không ổn định nên cuộc sống hết sức chật vật. Đến năm 2013, học được kinh nghiệm trồng nấm từ một người bạn, tôi mạnh dạn bỏ ra 40 triệu đồng đầu tư làm dàn trại trồng nấm trên diện tích 160m2 cạnh nhà.

 

Người dân bị thu hồi đất sẽ có việc làm ổn định, nếu được đào tạo bài bản và hỗ trợ việc làm.                                                                                                                                                                             Ảnh: THANH NHỊ
Người dân bị thu hồi đất sẽ có việc làm ổn định, nếu được đào tạo bài bản và hỗ trợ việc làm. Ảnh: THANH NHỊ


Hiện nay, với 4.000 bịch phôi nấm, mỗi ngày chị Hoanh thu về từ 20-30kg, với giá bán sỉ 40.000 đồng/kg, tính ra mỗi tháng chị thu về trên dưới 30 triệu đồng. Mới đây, gia đình chị Hoanh đã cùng với 6 hộ khác thành lập nhóm cùng chung sở thích làm nấm và triển khai xây dựng một lò hấp các bịch phôi nấm, đồng thời được Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp (HTKTNLN) Quất hỗ trợ 30% chi phí xây dựng lò hấp, các hộ hùn vốn 70%. Nhờ 7 hộ cùng liên kết với nhau nên việc sản xuất và đầu ra cũng thuận lợi hơn.

 

“Hiện Trung tâm đã liên kết với Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao QNASAFE ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm rau sạch sản xuất theo quy trình VietGAP. Sắp đến, Trung tâm sẽ thực hiện chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp gồm trồng nấm, rau sạch và nuôi gà an toàn, để chuyển đổi ngành nghề cho người dân trong diện thu hồi đất để thực hiện Dự án mở rộng NMLD Dung Quất. Đồng thời, khảo sát tất cả các bếp ăn tập thể tại các doanh nghiệp ở KKT Dung Quất, kể cả khu VSIP để có kế hoạch sản xuất và ký hợp đồng cung ứng toàn bộ sản phẩm rau sạch cho các nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn, sau đó hướng đến thị trường trong, ngoài tỉnh”, ông Hoàng Công Luyện- Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm HTKTNLN Dung Quất.

Tạo việc làm tại chỗ cho dân

Theo chân cán bộ Trung tâm HTKTNLN Dung Quất, chúng tôi cùng với một số hộ dân ở các xã khu đông Bình Sơn tham quan những mô hình trồng rau sạch trên địa bàn xã Bình Trị. Đây là mô hình liên kết hộ trồng rau an toàn áp dụng công nghệ mới, phát triển theo chuỗi sản phẩm.

Ông Nguyễn Hai, thôn Phước Hòa (Bình Trị), thực hiện mô hình trồng 1.400m2 rau cải, súp lơ và hoa theo quy trình rau an toàn. Nhờ cán bộ kỹ thuật của Trung tâm chuyển giao khoa học công nghệ mới vào sản xuất nên đạt năng suất, sản lượng cao hơn cách trồng truyền thống. Bản thân ông rút được nhiều kinh nghiệm để áp dụng và mở rộng mô hình trồng rau an toàn theo quy trình VietGAP; đồng thời hướng dẫn cho bà con địa phương tham gia nhân rộng mô hình nhằm cải thiện thu nhập, nhất là các hộ dân thuộc diện di dời, TĐC trong giai đoạn sắp tới.

 Anh Đỗ Kim Sơn - Trưởng Phòng kỹ thuật Trung tâm HTKTNLN Dung Quất cho biết: Trong năm 2015, đơn vị đã triển khai tổ chức thực hiện 4 thực nghiệm. Ngoài ra, trung tâm còn triển khai thực hiện 5 mô hình trình diễn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. “Ở các khu TĐC đất đai hạn hẹp, chúng tôi phải hết sức cân nhắc lựa chọn thực hiện các mô hình không gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với điều kiện đời sống sinh hoạt và sản xuất nhằm tạo việc làm tại chỗ ổn định cho người dân TĐC”, anh Sơn nói.

Giải quyết việc làm vẫn còn ít

Mô hình trồng rau an toàn theo quy trình VietGAP của người dân, với sự hỗ trợ của Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Dung Quất.
Mô hình trồng rau an toàn theo quy trình VietGAP của người dân, với sự hỗ trợ của Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Dung Quất.


Theo số liệu của Đoàn giám sát HĐND tỉnh về công tác giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất phục vụ dự án, sau 3 năm thực hiện Quyết định 52, toàn tỉnh mới đào tạo nghề cho 138 lao động, giải quyết việc làm cho 150 lao động thuộc hộ bị thu hồi đất tại Bình Sơn, Sơn Tịnh - nơi có hai khu công nghiệp lớn là KKT Dung Quất và VSIP.

Con số này vẫn còn quá thấp nếu so mỗi năm trung bình toàn tỉnh có khoảng 2.500 - 3.000 lao động bị mất việc làm. Trong đó ước tính số người dân bị thu hồi đất, dẫn đến mất việc làm chiếm khoảng 50%. Những năm gần đây, việc thu hồi đất nông nghiệp ở Quảng Ngãi ngày càng gia tăng do phục vụ mục tiêu phát triển đô thị, công nghiệp. Bình quân mỗi năm thu hồi hơn 1.500ha đất, trong đó đất nông nghiệp chiếm khoảng 50 - 60%. Do vậy, việc tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, có điều kiện, cơ hội học nghề, tạo việc làm và xuất khẩu lao động là hết sức cần thiết, nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững, góp phần giảm nghèo ở địa phương.

Từ 1.2.2016, việc thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất sẽ được áp dụng theo Quyết định 63/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa mới ban hành. Đây là chính sách có nhiều điểm mới vượt trội. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất khi họ có nhu cầu trong khoảng thời gian 5 năm kể từ ngày có quyết định thu hồi đất. Kinh phí hỗ trợ lấy từ kinh phí đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm và được tính trong tổng kinh phí của dự án đầu tư hoặc phương án bối thường, hỗ trợ tái định cư được duyệt. Ngoài ra, người lao động còn được vay vốn theo quy định của chính sách tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên...

 


P.DANH - T.NHỊ



 


.