Quảng Ngãi: Phát triển thuỷ sản là ngành kinh tế mũi nhọn

09:12, 28/12/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Quảng Ngãi có 5 huyện ven biển trải dài khoảng 130km, với 6 cửa biển lớn và 1 huyện đảo. Bao đời nay, ngư dân Quảng Ngãi luôn có truyền thống gắn liền với nghề khai thác và nuôi trồng thuỷ hải sản. Do vậy, trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Quảng Ngãi, kinh tế thuỷ sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn; trong đó, việc đánh bắt thuỷ hải sản theo hướng hiện đại, bền vững gắn liền với bảo vệ chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ trọng tâm.
 
Hiện đại hoá đội tàu 
 
Trước đây, đội tàu cá tỉnh Quảng Ngãi có công suất thấp, tàu vỏ gỗ, thiếu các trang thiết bị an toàn, hệ thống bảo quản sản phẩm chủ yếu sử dụng đá lạnh, tỷ lệ tổn thất lớn, chất lượng sản phẩm không cao, số sản phẩm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu không nhiều. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Chính phủ, sự đầu tư đúng mực của tỉnh, Quảng Ngãi trở thành một trong các tỉnh có số lượng đội tàu nhiều nhất.
 
Trong giai đoạn hiện nay, đội tàu Quảng Ngãi đang phát triển theo hướng giảm dần các tàu có công suất nhỏ, tăng dần số tàu có công suất lớn. Chất lượng tàu được kiểm soát bắt đầu từ khâu thiết kế đến đóng mới và khi đưa vào khai thác. Trên tàu đã được trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn như hệ thống thông tin liên lạc tầm xa, định vị vệ tinh, phao cứu sinh... Nhiều phương pháp bảo quản sản phẩm mới đã được áp dụng, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm được tổn thất sau thu hoạch.
 
Quảng Ngãi đang hiện đại hóa tàu để vươn khơi xa
Quảng Ngãi đang hiện đại hóa tàu để vươn khơi xa (ảnh: Minh Toàn/Báo Quảng Ngãi)
 
Theo ông Ngô Văn Hưng- Chi cục Phó Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Quảng Ngãi, Sự phát triển của đội tàu theo hướng giảm số tàu công suất nhỏ, tăng số tàu có công suất lớn sẽ làm giảm áp lực khai thác thủy sản vùng biển ven bờ, một trong những yếu tố quan trọng để phục hồi nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, số tàu vỏ gỗ vẫn chiếm tỷ lệ rất lớn nhưng đã được gia cố thép tại các vị trí thiết yếu, bọc composit vỏ tàu, boong tàu nên đã nâng cao sức chịu sóng của con tàu, bảo đảm khả năng hoạt động trên tất cả các ngư trường thuộc vùng biển Việt Nam.
 
Riêng Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường truyền thống của các nghề câu, rê, vây khơi, lặn, luôn luôn có sự hiện diện của đội tàu Quảng Ngãi, ngoài mục đích khai thác hải sản còn góp phần cực kỳ quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển. Tổng sản lượng khai thác năm 2014 của tỉnh khoảng 150.000 tấn và năm 2015 ước đạt trên 160.000 tấn, chủ yếu tại các ngư trường thuộc vùng biển khơi.
 
Chủ trương hiện đại hóa bước đầu đã đem lại hiệu quả và nhờ có chủ trương này, nhiều ngư dân có điều kiện tiếp cận và trang bị cho con tàu các trang thiết bị hiện đại, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi hoạt động, khai thác trên biển. Các tổ đội sản xuất được thành lập giúp ngư dân trao đổi thông tin về ngư trường, thời tiết, các rủi ro khác từ đó đã nâng cao được hiệu quả hoạt động, giảm thiểu tổn thất khi xảy ra rủi ro.
 
Các chính sách hỗ trợ giúp ngư dân yên tâm bám biển trong điều kiện thị trường luôn có sự biến động khó lường. Chính sách hỗ trợ khắc phục hậu quả do thiên tai là nguồn động viên to lớn giúp ngư dân phục hồi sản xuất. Đặc biệt, Nghị định 67 đã góp phần từng bước làm thay đổi tư duy của ngư dân, họ đã mạnh dạn suy nghĩ đến những dự án tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới với các trang thiết bị, nghề khai thác và phương pháp khai thác đạt trình độ của các nước có nền công nghiệp khai thác hiện đại.
 
Ông Huỳnh Luận, một ngư dân được vay vốn đóng tàu vỏ thép đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thông qua nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ để đóng tàu vỏ thép, tàu của chúng tôi đã mạnh dạn vươn khơi xa để khai thác thuỷ sản. Từ khi đưa tàu vào sử dụng, sản lượng khai thác trong mỗi chuyến đi biển được tăng lên đáng kể và đặc biệt anh em bạn tàu thấy yên tâm hơn trong mỗi chuyến đi biển.
 
Nâng cao giá trị gia tăng
 
Ngành nông nghiệp Quảng Ngãi đã  xác định việc tái cơ cấu ngành thuỷ sản là phát triển ngành thuỷ sản theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường. Trong giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất thuỷ sản đạt 4,6% /năm, chiếm 33,4% tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp. Đến năm 2020 giữ ổn định sản lượng khai thác thuỷ sản ở mức 150.000 - 160.000 tấn/năm; số lượng tàu thuyền giảm; giảm dần tàu cá có công suất nhỏ dưới 90CV và tăng dần tàu có công suất 400CV trở lên.
 
Để phát triển và khai thác thuỷ sản bền vững, ngoài việc giảm khai thác thuỷ sản mang tính huỷ diệt và khai thác thuỷ sản gần bờ, ngành thuỷ sản Quảng Ngãi cũng tập trung phát triển đầu tư công nghệ, hiện đại hoá các tàu thuyền và xác định tăng tỷ lệ nuôi trồng thuỷ sản. Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2020, diện tích nuôi thuỷ sản đạt 2.500 ha, với sản lượng nuôi trồng đạt 10.000 tấn/năm.
 
Ông Ngô Văn Hưng- Chi cục Phó Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cho biết thêm, tỉnh Quảng Ngãi cũng tập trung tuyên truyền, vận động người dân để hạn chế các nghề không thân thiện với môi trường. Cụ thể, ngành thuỷ sản quyết tâm hạn chế nghề lặn và giảm nghề lưới kéo từ 25-30% đến năm 2020; đồng thời xây dựng các cơ cấu nghề khai thác thuỷ sản một cách thích hợp như phát triển nghề lưới rê từ 26% - 35% và nghề câu lên 18%, nghề lưới vây lên 13%.

 

Với đội tàu lớn nhất nhì cả nước, kinh tế thủy sản được xác định là kinh tế mũi nhọn của Quảng Ngãi (Ảnh: Minh Toàn/Báo Quảng Ngãi)
Với đội tàu lớn nhất nhì cả nước, đánh bắt thủy sản trở thành thế mạnh của Quảng Ngãi (Ảnh: Minh Toàn/Báo Quảng Ngãi)
 
Khai thác thuỷ sản luôn được xem là thế mạnh của tỉnh Quảng Ngãi, sản lượng thuỷ sản khai thác cả năm 2015 ước đạt trên 160.000 nghìn tấn. Diện tích thả nuôi hiện chỉ có gần 1.300 ha với sản lượng thu hoạch ước đạt trên 5.800 tấn. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã xây dựng nhiều giải pháp cụ thể trong đó xem việc phát triển khai thác thuỷ sản theo hướng hiện đại và gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ chủ chốt.
 
Trước mắt, Quảng Ngãi tiến hành điều tra, khảo sát cơ bản điều kiện tự nhiên phát triển thuỷ sản trong khai thác và nuôi trồng; từ đó nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý. Tổ chức tốt công tác tuyên truyền vận đồng ngư dân bám biển, bám ngư trường truyền thống cùng với đó xây dựng các chính sách ưu đãi cho ngư dân, nhất là trong công tác vay vốn để hiện đại hoá đội tàu đánh bắt; vay vốn đầu tư cơ sở hậu cần nghề cá.
 
Tại đề án tái cơ cấu ngành thuỷ sản, tỉnh Quảng Ngãi đã lựa chọn một số công trình có tính chất trọng điểm ở các trung tâm nghề cá lớn của tỉnh như: Sa Huỳnh, Cửa Đại, Sa Kỳ, Sa Cần, Lý Sơn để xây dựng các danh mục dự án đầu tư như: cảng cá và khu neo đậu trú bão cho tàu cá, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá lớn đáp ứng cơ bản nhu cầu phục vụ đánh bắt xa bờ của như dân cũng như đảm bảo cung ứng vật tư, nhiên liệu đi biển, chế biến, tiêu thụ. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi cũng tiếp tục tổ chức các mô hình khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản theo mô hình đồng quản lý nhất là những ngư trường ven bờ, nhằm đảm bảo quyền lợi cho những ngư dân nghèo và khai thác, bảo vệ bền vững nguồn lợi thuỷ sản ven bờ.
 
Trong nuôi trồng thuỷ sản cũng cần tổ chức sản xuất lại với sự hình thành các chi hội, Hợp tác xã nuôi trồng thuỷ sản, tổ đội tự quản vùng nuôi thuỷ sản từ đó mới thống nhất phương thức quản lý sản xuất cũng như hỗ trợ cho người sản xuất hạn chế ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh và đạt hiệu quả kinh tế cao.
 
Sỹ Thắng
 

.