Nông dân hối hả vào vụ mới

09:12, 23/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lịch gieo sạ lúa vụ đông xuân 2015 – 2016 bắt đầu từ ngày 20.12.2015 đến 10.1.2016. Do đó, nông dân khắp nơi trong tỉnh đang hối hả xuống đồng để dọn vệ sinh, làm đất nhằm đảm bảo tiến độ xuống giống…

TIN LIÊN QUAN

Tranh thủ vệ sinh đồng ruộng

 “Ruộng có nước nên mình phải tranh thủ dọn cỏ, đắp bờ, cuốc gốc rạ để mấy ngày nữa máy băm tới làm đất cho dễ”, ông Nguyễn Lời, thôn Hiệp Phổ Tây, xã Hành Trung (Nghĩa Hành) vừa nói, vừa hì hục khuân từng vạt cỏ dại chất lên bờ trước khi cuốc ải. Lý giải sự cẩn trọng này, ông Lời cho rằng, từ khi kết thúc vụ sản xuất hè thu 2015 đến nay, ruộng bị bỏ không gần 4 tháng nên cỏ dại mọc đầy và nó trở thành nơi trú ẩn của rất nhiều chuột, sâu bệnh.

Nông dân xã Thanh An (Minh Long) khẩn trương xuống giống vụ đông xuân 2015 – 2016
Nông dân xã Thanh An (Minh Long) khẩn trương xuống giống vụ đông xuân 2015 – 2016


Trái với cách làm truyền thống của ông Lời, hộ Nguyễn Chín, thôn Thạch Trụ, xã Đức Lân (Mộ Đức) lại chọn thuốc diệt cỏ để làm sạch 2 sào ruộng của mình. Dù phương thức này không được ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương khuyến khích nhưng ông Chín lập luận rằng: “Nhà neo người, ruộng lại dày cỏ nên phải dùng thuốc diệt cỏ...”.

Không chỉ ông Chín mà rất nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh cũng lựa chọn thuốc diệt cỏ để vệ sinh đồng ruộng vì nhanh, rẻ, tiết kiệm công. Thực trạng này xuất phát từ việc thiếu lao động sản xuất nông nghiệp. Bởi, phần lớn đối tượng trong độ tuổi lao động ly hương đi làm ăn xa, việc đồng áng giao lại cho người thân, hàng xóm. Thậm chí có người còn bỏ ruộng hoang. Do đó, dù rất muốn “cày dầm, cuốc ải” để ruộng sạch, lại đảm bảo sức khỏe nhưng nhiều nông dân như ông Chín cũng đành chịu, vì họ không tìm đâu ra người để thuê.

Với người dân miền núi, dù đã có máy băm đất hỗ trợ nhưng vẫn có nhiều nông dân lựa chọn biện pháp “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Theo ông Đinh Pha Răng, thôn Mai Lãnh Thượng, xã Long Mai (Minh Long) thì: “Không phải bà con mình lạc hậu, mà là vì nhà sẵn có trâu nên họ tận dụng cho nó cày, bừa để vừa tiết kiệm tiền băm đất, vừa tốt ruộng”. Do vậy, vụ sản xuất lúa đông xuân 2015 – 2016 này, 4 sào ruộng nhà ông Đinh Pha Răng đã được hai đôi trâu làm xong đất và hoàn thành việc gieo sạ cách đây một tuần.

Giá giống, phân bón đều giảm

Theo ngành nông nghiệp, diện tích gieo sạ toàn tỉnh ước 39.000ha, lượng lúa giống cần cung ứng trên 3.100 tấn. Điều đáng mừng là qua khảo sát, hiện giá bán các loại giống, phân bón trên thị trường đều giảm. Theo Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi tỉnh (Sở NN&PTNT) thì hiện giờ, giá bán các loại giống bằng hoặc thấp hơn năm 2014. Những giống như VTNA2, VN121 nguyên chủng… hiện có giá bán 20.000-24.000 đồng/kg, thấp hơn năm ngoái 1.000 đồng/kg; còn các giống như KD đột biến, OM6976 nguyên chủng vẫn bình ổn với giá 17.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo phản ánh của ông Nguyễn Chín, thôn Thạch Trụ, xã Đức Lân (Mộ Đức) thì: “Tôi nghe giá giống giảm nhưng đại lý họ vẫn bán cao. Như giống Khang dân đột biến, họ bán tới 18.000 đồng/kg, cao hơn năm ngoái 500 đồng/kg”.

Trong khi giá giống giảm nhẹ, thì giá phân bón các loại giảm mạnh. So với vụ hè thu 2015, giá urê giảm 70.000 đồng/bao 50kg, NPK giảm 30.000 đồng/bao 50 kg, kali giảm 20.000 đồng/bao... Theo ông Ngô Đình Nhung - Giám đốc Công ty Cổ phần Vật tư kỹ thuật Nông lâm Quảng Ngãi thì, để giúp nông dân tránh mua phải hàng dỏm giá cao, Công ty đã niêm yết công khai danh mục, xuất xứ và giá bán các loại sản phẩm phân bón – vật tư tại các cửa hàng của đơn vị trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, “Công ty cũng phối hợp với Hội Nông dân tỉnh triển khai thực hiện chương trình bán hàng trước, trả tiền sau cho nông dân để giảm áp lực chi phí đầu vụ cho bà con”, ông Nhung khẳng định.    

Kiểm soát giống, phân bón


Nỗi lo thường trực của nông dân mỗi khi bước vào vụ sản xuất mới chính là chất lượng giống và phân bón. Vì thế, vừa qua Sở NN&PTNT đã thành lập đoàn thanh tra việc sản xuất, kinh doanh phân bón, giống lúa vụ đông xuân năm 2015 – 2016 tại một số đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh; các cửa hàng, đại lý mua bán giống trên địa bàn các huyện Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Bình Sơn, Sơn Tịnh và TP. Quảng Ngãi.

Theo đánh giá của ông Trần Tuấn Khanh - Trưởng Đoàn Thanh tra thì, nhìn chung các đơn vị, cơ sở chấp hành nghiêm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh giống lúa vụ đông xuân 2015 – 2016. Hầu hết các loại giống đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và nằm trong danh mục cơ cấu của ngành nông nghiệp.

 


Bài, ảnh: MỸ HOA


 


.