Ngành nông nghiệp: Tiềm năng dồi dào, phát triển ì ạch (kỳ 3)

09:12, 22/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nguồn vốn đầu tư không ngừng nâng lên, chính sách khuyến khích luôn được hoạch định và thực thi như tiếp thêm năng lượng để ngành nông nghiệp đủ sức làm “bà đỡ” của nền kinh tế. Tuy nhiên, cốt lõi của vấn đề là “chất lượng và đầu ra của sản phẩm” thì vẫn chưa được giải quyết triệt để.


Kỳ 3: Nông dân bị động, chính quyền loay hoay

TIN LIÊN QUAN


Thành bại tại tư duy quản lý và sản xuất

“Muốn thành công, phải làm ngược thiên hạ”, chủ trang trại Nguyễn Chừ, thôn Phong Niên Thượng, xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) chia sẻ bí quyết làm ăn một cách ngắn gọn. Từ năm 2003, khi con bò bắt đầu có giá, ông Chừ mạnh dạn thuê đất đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi bò kết hợp trồng keo. Khi con bò hết thời hoàng kim, ông chuyển sang nuôi gà thịt với số lượng 25.000 – 30.000 con/năm. Rồi tận dụng thời gian keo còn nhỏ, ông lại trồng xen khổ qua và bí đao chanh. Với diện tích gần 3ha liên tục được ông xen canh như thế nên hàng năm, doanh thu của trang trại đạt tiền tỷ cũng là điều dễ hiểu. Có điều lạ là với lượng lớn sản phẩm sản xuất, ông tiêu thụ bằng cách nào? “Tôi tìm bạn hàng trong và ngoài tỉnh, ký hợp đồng rõ ràng về giá cả, chất lượng”, ông Chừ tiết lộ.

Với tiềm năng thủy sản, nếu cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá được đầu tư thì giá trị kinh tế lĩnh vực thủy sản sẽ tăng mạnh.
Với tiềm năng thủy sản, nếu cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá được đầu tư thì giá trị kinh tế lĩnh vực thủy sản sẽ tăng mạnh.


Nhưng điều khiến nhiều người nể phục là giá bán các mặt hàng sản xuất tại trang trại ông Chừ luôn cao hơn thị trường 1 – 2 giá. Có thời điểm giá gà trên thị trường chỉ còn 60.000 – 70.000 đồng/kg, nhưng ông vẫn bán được với giá 85.000 – 90.000 đồng/kg. “Đó là do kỹ thuật nuôi. Thay vì dùng thức ăn tổng hợp, tôi cho gà ăn bánh dầu, bắp, rau bèo, rau giá và… lá dâu! Những loại này rẻ, dễ mua mà gà ăn vào lại ít bệnh, lông đẹp, thịt chắc, thơm ngon”, ông Chừ chia sẻ.
 

“Cách tốt nhất để chúng ta giải quyết vấn nạn mất an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp là người sản xuất thay đổi thói quen canh tác như không dùng thuốc diệt cỏ, hóa chất độc hại hay chất kích thích; còn người tiêu dùng mạnh dạn tự đấu tranh và kiên quyết không sử dụng sản phẩm của các cơ sở kém chất lượng, ủng hộ các đơn vị làm ăn chân chính. Do đó, để các sản phẩm nông sản sạch, an toàn có mặt rộng rãi trên thị trường thì trước hết, chính quyền phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức cho người sản xuất và tiêu dùng; chú trọng quy hoạch vùng sản xuất tập trung và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Sắp tới, Tỉnh ủy cũng sẽ chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng và triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất sản phẩm nông sản sạch trên địa bàn toàn tỉnh”, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Viết Chữ khẳng định.

Cũng tư duy “làm những thứ thiên hạ… chê” mà ông Trần Ngọc Diễn, thôn Phước Xã, xã Đức Hòa (Mộ Đức) thành công với cây chùm ngây – loại rau được ví như “sữa thực vật”. Năm 2015, thửa đất 1.000m2 thay vì trồng bắp như mọi lần, ông Diễn trồng thử cây chùm ngây. Sau một năm bén duyên với loại rau này, ông Diễn kết luận: Giá trị sản xuất của cây chùm ngây mang lại cao gấp 10 lần lúa, 8 lần bắp trên cùng diện tích. Bởi với chi phí đầu tư thấp, giá bán cao (60.000 đồng/kg) thì mỗi năm, nông dân cũng bỏ túi 250 triệu đồng/ha. Do đó, từ diện tích 1.000m2 ban đầu, ông Diễn mạnh dạn thuê đất, mở rộng quy mô sản xuất chùm ngây ở các xã Đức Thắng và Đức Lân.

Tuy nhiên, không phải nông dân nào cũng mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất như ông Chừ, ông Diễn. Bởi đại đa số nông dân trong tỉnh đều quen  sản xuất với một loại cây trồng, dù nó kém hiệu quả! Không những thế, khi có sự thay đổi theo chiều hướng có lợi, ví như thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc DN đề nghị hợp tác sản xuất, họ lại sợ bị… thua thiệt!

Theo ông Trần Ngọc Âu - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Qnasafe thì dẫu hợp tác với đơn vị, nông dân sẽ được hưởng “2 lương” gồm tiền cho thuê đất và làm công cho doanh nghiệp, nhưng bà con vẫn bất hợp tác. “Họ bảo rằng, làm công cho doanh nghiệp phải tuân thủ giờ giấc, quy trình kỹ thuật chứ không được tự do, thoải mái”, ông Âu cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Lộc - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng: “Đây chính là lý do khiến ngành nông nghiệp cũng như nông dân trong tỉnh đánh mất nhiều cơ hội “vàng” để đổi đời”. Ví dụ như Dự án bò sữa của Vinamik. Dự án này được xem là cú huých cho ngành nông nghiệp, nông dân trong tỉnh nhưng việc triển khai thực hiện lại vướng mặt bằng. Với diện tích đất mà Vinamilk đề nghị thuê là 300 – 500ha thật không dễ đáp ứng, nhưng cũng không quá khó nếu người dân, chính quyền và ngành nông nghiệp quyết tâm.

 Trong khi người dân bị động với chuỗi sản xuất, tiêu thụ và lẩn quẩn với điệp khúc “được mùa rớt giá, được giá mất mùa” thì chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp cũng loay hoay với việc tìm cây gì, con gì để “nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh”. Điều đáng buồn  nữa là, dù Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được xây dựng chi tiết, nhưng việc thực thi vẫn còn lúng túng. Thậm chí, cán bộ một số địa phương còn chưa nắm bắt được ý nghĩa, mục tiêu của Đề án nên cũng không biết triển khai thực hiện từ đâu.  

Chưa chú trọng an toàn thực phẩm

Hàng loạt sản phẩm nông, lâm, thủy sản bị nhiễm khuẩn, tồn dư hóa chất độc hại do sử dụng chất cấm đã khiến người tiêu dùng hoang mang, uy tín ngành chăn nuôi suy giảm. Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định: “Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là tội ác. Mà đã là tội ác thì phải xử lý hình sự các cá nhân, tổ chức vi phạm”. Quả thật, với mức xử phạt 5 – 10 triệu đồng với hộ gia đình và 10 – 20 triệu đồng với trang trại vi phạm như hiện nay là không đủ sức răn đe. Bởi lợi nhuận bất chính thu được khi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi rất lớn. Tại Quảng Ngãi, Thanh tra Sở NN&PTNT cũng đã phát hiện mẫu nước tiểu của heo chuẩn bị xuất chuồng ở một trang trại chăn nuôi tại huyện Tư Nghĩa có nồng độ Salbutamol vượt mức cho phép 20 lần. Với kết quả này, lẽ ra chủ trang trại phải bị ngành chức năng xử lý nghiêm nhưng rồi đối tượng này vẫn bình yên vô sự, còn đàn heo thì được xuất bán ngay khi có kết quả phân tích!

  Cây chùm ngây mang về cho ông Trần Ngọc Diễn, ở Đức Hòa (Mộ Đức) doanh thu 250 triệu đồng/ha/năm.
Cây chùm ngây mang về cho ông Trần Ngọc Diễn, ở Đức Hòa (Mộ Đức) doanh thu 250 triệu đồng/ha/năm.


Vụ việc này được ngành chức năng giải thích là do quy trình thu mẫu xảy ra sai sót, kết quả kiểm tra giữa các đơn vị phân tích bất nhất nên không đủ cơ sở để xử phạt! Câu trả lời trên vấp phải sự phản ứng của dư luận, bởi họ cho rằng ngành chức năng “bao che, sai phạm”. Ông Dương Văn Tô - Giám đốc Sở NN&PTNT cũng thừa nhận: “Cách xử lý của đoàn thanh tra không hợp lòng dân, gây hoang mang dư luận”.

Không chỉ vụ việc trên mà suốt 4 năm qua, Thanh tra Sở NN&PTNT đã xử phạt hành chính 179 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP), nhưng chưa có cơ sở nào bị công khai danh tính, sản phẩm và mức độ vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. “Điều này khiến người tiêu dùng thất vọng; còn các cơ sở sản xuất kinh doanh thì “nhờn” luật. Theo đó, mức độ mất ATTP nông, lâm, thủy sản vì thế cũng sẽ gia tăng”, ông Trần Em - Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ khẳng định.

Trên địa bàn tỉnh không thiếu những mô hình sản xuất nông sản sạch, an toàn nhưng vì khâu quản lý nhập nhằng, thiếu đồng bộ nên sản phẩm chưa được người tiêu dùng tin tưởng.


          Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.