Ngành nông nghiệp: Tiềm năng dồi dào, phát triển ì ạch (kỳ 2)

09:12, 20/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong khi hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đơn lẻ, thiếu đồng bộ thì mối liên kết “4 nhà” lại lỏng lẻo khiến hiệu quả sản xuất chưa cao. Vì thế, thu nhập và chất lượng cuộc sống của nông dân vẫn còn bấp bênh.


Kỳ 2: Hạ tầng thiếu, liên kết yếu

TIN LIÊN QUAN



Từ bất cập đầu tư hạ tầng…

Thủy lợi Thạch Nham được xem là “công trình thế kỷ” của Quảng Ngãi sau ngày chia tách tỉnh. Nhờ công trình ấy mà hàng năm, gần 40 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp (SXNN) được cung cấp nước tưới. Cuộc sống của nông dân Quảng Ngãi vì thế cũng đủ đầy hơn. Nhưng trải qua 25 năm thăng trầm, “công trình thế kỷ” rồi cũng xuống cấp, với hệ thống kênh mương sạt lở, bồi lấp; nhiều cống, đập bị hư hỏng nặng… gây thất thoát, lãng phí nước tưới.

Hạ tầng nghề cá chậm đầu tư, ảnh hưởng đến sự phát triển lĩnh vực thủy sản của Quảng Ngãi vốn nhiều tiềm năng.                          Ảnh: H.T
Hạ tầng nghề cá chậm đầu tư, ảnh hưởng đến sự phát triển lĩnh vực thủy sản của Quảng Ngãi vốn nhiều tiềm năng. Ảnh: H.T


Lẽ ra, với sự xuống sức này, đại công trình thủy lợi Thạch Nham phải được nâng cấp, tu sửa đồng bộ. Nhưng đằng này, việc sửa chữa thực hiện theo kiểu “chắp vá”; nguồn vốn bố trí đã ít (năm 2015 chỉ 1,5 tỷ đồng) lại gián đoạn nên không ít tuyến kênh làm trước, hỏng sau. “Thủy lợi Thạch Nham hiện như cơ thể đang bị… đa chấn thương, cần phải được phẫu thuật và chữa trị kịp thời nếu không muốn nó chết dần chết mòn”, ông Nguyễn Lập, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi ví von.
 

Theo Sở KH&ĐT, năm 2015, toàn tỉnh mới có 3 Dự án thực hiện đầu tư vào nông nghiệp gồm: Trang trại chăn nuôi heo Đức Hòa có tổng vốn đầu tư 26,5 tỷ đồng; Dự án Bò sữa của Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) dự kiến có tổng vốn đầu tư 300 - 350 tỷ đồng và Dự án trồng rau sạch của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Qnasafe.

Trong khi đó, thủy sản được đánh giá là “động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp…”, nhưng hạ tầng phục vụ chưa tương xứng. Toàn tỉnh có đến 5.400 chiếc tàu nhưng năng lực thiết kế nơi neo đậu hiện chỉ đáp ứng cho 1.750 chiếc! Mặt khác, các cảng cá đầu tư dàn trải, thi công ì ạch, chậm tiến độ; rồi một số cửa biển thường xuyên bị bồi lấp... đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động sản xuất của ngư dân. Đơn cử như Dự án Cảng cá và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ, xã Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi). Với tổng mức đầu tư gần 83 tỷ đồng, Dự án hứa hẹn sẽ đảm bảo nơi neo đậu cho 500 tàu thuyền, thu hút và thúc đẩy lĩnh vực chế biến thủy sản trong vùng. Tuy nhiên, dù đã khởi công xây dựng từ năm 2009, kế hoạch là cuối tháng 6.2014 hoàn thành, nhưng đến nay dự án này vẫn đang giai đoạn xây dựng, trong khi nguồn kinh phí đầu tư có nguy cơ đội vốn thêm 28 tỷ đồng!

Còn ở lĩnh vực chăn nuôi, Quảng Ngãi là tỉnh có số lượng đàn bò cao nhất khu vực miền Trung-Tây Nguyên, với 276.000 con; trong đó bò lai chiếm 58%. Đây là tín hiệu vui bởi con bò có nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh, nhất là khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Song, tín hiệu trên vẫn chưa đủ hấp dẫn để người dân mạnh dạn mở rộng quy mô cũng như thay đổi thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung. Bởi, dù số lượng đàn bò lớn, nhưng Quảng Ngãi lại chưa có cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi và trại giống gia súc.

… đến lỏng lẻo “liên kết 4 nhà”

Thủy sản là mặt hàng mang lại giá trị kinh tế cao nhất trong SXNN nhưng hiện giờ vẫn thiếu sự vào cuộc của DN nên năng lực chế biến, sơ chế chỉ đạt 10 nghìn tấn, mới chỉ bằng 6,25% sản lượng đánh bắt, nuôi trồng. Vì sao lại xảy ra thực trạng trên? Phải chăng DN “chê” lĩnh vực thủy sản kém hấp dẫn?

Dồn điền đổi thửa
Dồn điền đổi thửa "vướng" sẽ cản trở quá trình áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.


“Chúng tôi không chê mà ngược lại, rất muốn mở rộng quy mô sản xuất các mặt hàng thủy sản vì thị trường tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu đều rộng. Nhưng chúng tôi ngại vì điều kiện hạ tầng chưa đáp ứng”, bà Lê Thị Mai, Công ty Chế biến thủy sản xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) giãi bày. Nỗi niềm của bà Mai xuất phát từ việc cảng biển Sa Huỳnh, Mỹ Á thường xuyên bị bồi lấp nên ngày càng ít tàu thuyền cập cảng. Điều này khiến bà Mai cũng như nhiều cơ sở chế biến thủy sản nơi đây rơi vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì tốn”. “Tàu địa phương không về, chúng tôi phải ra tận cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu (Bình Sơn) hoặc Thọ Quang (Đà Nẵng) đặt mua nguyên liệu. Chi phí sản xuất vì thế tăng cao trong khi giá bán lại không đổi”, bà Mai cho hay.

Ngoài ra, lý do khiến khoảng cách giữa DN và “3 nhà” còn xa là vì chất lượng sản phẩm nông sản không đồng đều; vùng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, khó áp dụng cơ giới hóa; các ban ngành chưa tích cực hỗ trợ DN trong quá trình tiêu thụ sản phẩm... Ví dụ, để đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị, DN không chỉ đảm nhận tất cả các khâu chuyển giao kỹ thuật, đầu tư sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm mà còn trải qua quá nhiều thủ tục hành chính. “Thành công của DN là tận dụng kịp thời cơ. Do đó, nếu thủ tục hành chính rườm rà, thời gian giải quyết kéo dài sẽ khiến DN e ngại vì lo hiệu quả đầu tư thấp, sản phẩm rơi vào cảnh... đi trước về sau”, ông Trần Ngọc Âu - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Qnasafe bày tỏ.

Trong khi đó, chính quyền các địa phương cho rằng, mối “liên kết 4 nhà” lỏng lẻo là do “DN chưa bao giờ đặt hàng nông dân sản xuất sản phẩm mà DN cần”. Theo ông Trần Thiên Thanh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa thì, chỉ có DN mới biết thị trường cần sản phẩm gì, chất lượng đến đâu. Do đó, nếu DN chủ động đặt hàng sản phẩm với sản lượng, giá cả hợp lý thì ngành nông nghiệp và nông dân sẵn sàng đáp ứng. “Đằng này DN chỉ hợp tác khi thấy có lợi ích, còn không thì giãn ra. Mối quan hệ này bất bình đẳng với nông dân”, ông Thanh khẳng định.

Theo phản ánh của các chủ trang trại, Công ty CP chăn nuôi CP Vina cung ứng giống, thức ăn, thuốc và đảm bảo đầu ra nên họ tự cho mình “quyền” quyết định giá cả, thời gian thu mua sản phẩm. Hơn nữa, dù là đối tác làm ăn, chủ trang trại phải bỏ ra cả tỷ đồng để xây dựng chuồng, hệ thống xử lý chất thải, trả công cho lao động… nhưng họ lại được DN này chia lợi nhuận bằng cách… trả công trên đầu con heo với giá 3.000 - 3.500 đồng/kg! Đã thế hợp đồng ký 3 - 5 năm/lần. Sau đó DN có thể chấm dứt hợp đồng vì lo môi trường xung quanh bão hòa, dịch bệnh có nguy cơ xuất hiện. “Nếu làm ăn thuận lợi, 3 - 5 năm đầu chúng tôi chỉ mới hòa vốn. Nếu không được công ty tiếp tục gia hạn hợp đồng, xem như thời gian đó chúng tôi làm không công cho họ”, ông Nguyễn Văn Thông-chủ trang trại heo ở thôn Phước Hòa, xã Đức Phú (Mộ Đức) cho biết.


Bài, ảnh: MỸ HOA


-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Kỳ 3: Nông dân bị động, chính quyền loay hoay







 


.