Làm giàu từ cây cà gai leo:
Loài cây dại mang lại thu nhập cao

04:12, 22/12/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Từ một loài cây dại, mọc hoang dại, cây cà gai leo đã mở ra một hướng đi mới cho nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh, giúp họ có nguồn thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên chính quê hương.

Kỳ 1: Loài cây dại mang lại thu nhập cao

Chỉ với 1 sào đất, nhiều gia đình thu về từ 9- 13 triệu đồng sau 1 năm từ cây dược liệu quý cà gai leo. Trồng cây dược liệu này đang được xem là hướng đi mới hiệu quả, giúp nông dân vươn lên thoát nghèo.

TIN LIÊN QUAN

Thu nhập "khủng"

Dưới cơn mưa nặng hạt, cùng cái rét run người, nhưng vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Lâm ở thôn Hiệp Phổ Nam, xã Hành Trung (Nghĩa Hành) vẫn chăm chỉ nhổ từng bụi cỏ cho vườn cà gai leo đang trong thời kỳ xanh tốt. Tận dụng khoảng đất vườn chỉ 150m2 trước hiên nhà để trồng cây dược liệu cà gai leo, vậy mà 1 tháng trước ông bán được 2 tạ, thu về được 3 triệu đồng sau 3 tháng.

“Lúc đầu tôi cũng lo lo, giờ thì rất an tâm bởi trồng ra bao nhiêu bán được bấy nhiêu. Tính kinh tế không cây gì có thể sánh bằng cây này. Trên cùng một sào đất, nếu trồng cây mì, giỏi lắm cũng chỉ lãi được 2,2 triệu đồng/năm”- ông Lâm nói.

Hàng xóm của anh Lâm, ông Nguyễn Thế có 2.500m2 đất trồng cây cà gai leo, 1 năm thu hoạch 3 lứa đưa về cho ông lãi ròng 120 triệu đồng.
 

Nông dân chăm sóc cây cà gai leo.
Nông dân chăm sóc cây cà gai leo.

Hay như anh Đào Quốc Việt, ngụ ở thôn Lệ Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn) vừa thu hơn 40 triệu đồng từ 8 sào đất trồng lứa cà gai leo đầu tiên chỉ sau hơn 2 tháng xuống giống. Trước đây diện tích này anh trồng cây keo. Qua các kênh thông tin thấy hay, anh Việt mạo hiểm phá keo, trồng thử nghiệm cà gai leo và thấy hiệu quả nên mở rộng lên 1ha.

“1ha keo, sau 5 năm có thể thu về từ 100- 120 triệu đồng, còn trồng cây cà gai leo, nếu giá cả ổn định như hiện nay có thể thu về tiền tỷ”- anh Việt nhẩm tính.

Thực tế cho thấy, cây cà gai leo phát triển tốt cả những nơi đất đai nghèo dinh dưỡng lại chỉ cần tưới nước 3 lần/tuần, thỉnh thoảng mới bón phân hóa học, thời gian thu hoạch từ 3-4 tháng, nếu chăm sóc tốt có thể cho thu hoạch trong khoảng thời gian 2,5 tháng.

Một sào đất trồng cây cà gai leo, mỗi năm cho thu hoạch 3 lứa, với giá thu mua từ 14.000-15.000 đồng/kg, một lứa thu về từ 9-13 triệu đồng, tương đương giá trị thu hoạch đạt hơn 200 triệu đồng/ha. Với nông dân thu nhập bấy nhiêu là quá “khủng”.

Toàn tỉnh hiện có 150 hộ nông dân trồng cây cà gai leo, trong đó tập trung nhiều nhất tại huyện Nghĩa Hành với diện tích khoảng 6ha, chủ yếu ở các xã Hành Trung, Hành Thiện, Hành Tín Đông và Hành Dũng và rải rác một số địa phương trong tỉnh.
 

 

Theo ông Đàm Bảng- Trường Phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành, sự thành công của những hộ trồng dược liệu cà gai leo đã giúp các hộ dân có thu nhập ổn định, không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo cho người nông dân mà còn góp phần làm giàu cho họ.

Xua tan những hoài nghi

 
Cà gai leo (tên khoa học: Solanum procumbens), còn có tên khác là cà gai dây, cà vạnh, cà quýnh, cà lù, cà bò, cà Hải Nam, cà quạnh, quánh, gai cườm, là loài thực vật thuộc họ Solanaceae. Loài này phân bố ở nhiều tỉnh tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc (Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam). Loài này được xem là cây thuốc nam có tác dụng giải độc gan tốt nhất hiện nay.
 
Wikipedia

Kỹ sư Nguyễn Đức Tuệ, ngụ ở xã Hành Trung là cái tên khá quen thuộc với người dân trồng cây cà gai leo, vì đã tiên phong tạo dựng mô hình kinh tế độc đáo: trồng, nhân giống cây dược liệu cà gai leo và bao tiêu đầu ra cho cho nông dân.

Có được “quả ngọt” như hôm nay, ít ai biết rằng, dưới con mắt của nhiều người, anh là thằng “khùng”, thậm chí có người nghi ngờ anh lừa người dân trồng cây cà gai leo bán cho Trung Quốc.

Sự hoài nghi của họ không phải không có lý khi ngày ấy (năm 2013), người dân quê anh rủ nhau lùng sục khắp núi rừng, làng xóm “tận diệt” cây cà gai leo bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc.


Tìm hiểu, anh biết có nhiều công trình khoa học nghiên cứu trong nước và cả nước ngoài về giá trị dược liệu của cây cà gai leo. Nhiều công ty dược liệu đang cần nguồn hàng lớn để chế biến thuốc chữa bệnh gan.

Với suy nghĩ có trách nhiệm, anh nghĩ nếu tình trạng này kéo dài, chẳng mấy chốc cây dược liệu quý này sẽ bị “tuyệt chủng” nên anh quyết định lặn lội ra tận Hà Nội đến Công ty TNHH Tuệ Linh- một công ty bào chế cây cà gai leo. Chuyến đi ấy đã mở ra cho anh một sự thành công ngoài mong đợi, khi công ty hứa sẽ thu mua và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nếu đạt chất lượng.

 

Trồng cây dược liệu cà gai leo đang mang lại thu nhập cao cho nông dân.


Anh mang giống cà gai leo về trồng thử nghiệm tại vườn nhà mình thành công. Anh bắt đầu thuê đất ở các khu đất đồi để trồng và phổ biến cho người dân cùng trồng. Công ty đầu tư phân xưởng, máy móc sơ chế sản phẩm, làm ra bao nhiêu, công ty thu mua bấy nhiêu bằng giá thị trường. Rồi từ đó, tiếng lành đồn xa, đã xua tan những hoài nghi.

Hơn 100 hộ dân ở huyện Nghĩa Hành đã cùng anh đồng lòng tạo ra vùng nguyên liệu cà gai leo cho Công ty Tuệ Linh. Cây được trồng và thu hái theo tiêu chuẩn GACP (tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới).

Công ty chủ động cung cấp cây giống, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc, đầu ra của dược liệu không còn là nỗi lo. Những người nông dân chân lấm tay bùn bao đời bỗng chốc am hiểu và thực hành rất tốt về GACP.

Từ thành công ban đầu với mô hình trồng thí điểm cà gai leo tại xã Hành Trung, Tập Đoàn Tuệ Linh đã tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu khác tại xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) và Long Mai (Minh Long).

Kỳ 2:  Xây dựng vùng dược liệu trọng điểm cho cà gai leo



Bài, ảnh: Ái Kiều
 


.