Dùng phân chuồng tươi trồng rau: Lợi bất cập hại

09:12, 31/12/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Thời điểm này, các vùng chuyên canh rau đang bước vào vụ mới. Trên ruộng rau, đâu đâu cũng thấy phân chuồng tươi, đặc biệt là phân cút chất thành đống, mùi hôi theo gió đi xa đến cả vài cây số.

TIN LIÊN QUAN

Đến người trồng còn không chịu nổi!

Đến vùng chuyên canh rau vào những ngày này, bất kỳ ai cũng không thể chịu nổi mùi hôi thối bốc lên từ phân cút tươi. Trên những bao phân, ruồi muỗi ken đặc. Những người trồng rau cũng là những người phải sống chung với cảnh ô nhiễm, chưa kể những buổi các hộ trồng rau này phun thuốc trừ sâu.

Dạo quanh vùng chuyên canh rau, màu xã Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi) vào thời điểm này, diện tích trồng rau rộng hàng trăm hecta được người dân đang xuống giống vụ rau Tết. Bước vào vụ mới, xe tải nườm nượp chở đầy phân cút tươi đổ về các cánh đồng.

 

Người trồng rau sử dụng phân cút tươi để trồng rau mà không qua khâu ủ.
Người trồng rau sử dụng phân cút tươi để trồng rau mà không qua khâu ủ.

 

Phân chuồng ngày xưa người ta hốt đổ vô hầm che đậy kỹ lưỡng đến hoai mục mới mang bón cho ruộng lúa, trồng rau, màu. Giờ các vùng trồng rau trồng thâm canh, tăng vụ quanh, nhu cầu phân chuồng tăng cao, trong khi chăn nuôi heo bây giờ hầu hết các gia đình xây dựng hệ thống chuồng dội nên lượng phân chuồng trong các gia đình chẳng đáng là bao.

Nguồn phân cút là giải pháp tối ưu cho các vùng trồng rau. Người nuôi cút hàng ngày lấy phân cút đổ ra hầm rồi cho tro trấu vào trộn chung, phân cút được bao nhiêu người trồng rau đến mua mua tới đó. Khi phân về làng cũng là lúc cả làng sống chung với ô nhiễm.

Một sào rau bình thường cần đến 5 bao phân cút, nếu là xà lách, thời hạn thu hoạch ngắn nên nên lượng phân tăng lên gấp đôi. Hàng trăm ha rau màu, lượng phân cút đổ về đồng một lúc cũng đến vài chục tấn.

Một người trồng rau thừa nhận: “Mình trồng còn không chịu nổi, nói chi người lạ đến. Ai mới đến cũng than trời. Mỗi khi bón phân tui phải bịt đến hai lớp khẩu trang, nhưng vẫn khạc nhổ liên tục. Có hôm tối về đâu cả cổ họng. Biết vậy, nhưng ủ phân mất công lắm!”.

Nguồn lây nhiễm ký sinh trùng

Theo ông Đặng Tấn Thương- Phó trưởng Phòng Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản, khi sử dụng phân động vật cần được ủ hoai rồi mới bón cho rau vì quá trình ủ, nhiệt độ cao, thời gian kéo dài sẽ tiêu diệt các ký sinh trùng gây nhiễm cho rau.

 

Nếu ăn rau sống, người dùng rất dễ nhiễm ký sinh trùng.
Với những loại rau ăn sống, nguy cơ nhiễm ký sinh trùng và gây hại cho người dùng càng cao.


Sử dụng phân chuồng tươi lợi bất cập hại. Dễ thấy nhất là ô nhiễm môi trường. Cùng với đó là rau dễ bị nhiễm ký sinh trùng, từ đó lây sang người sử dụng.

Rau bị nhiễm khuẩn do ký sinh trùng, trong quá trình chế biến nếu nấu chín vẫn có thể tiêu diệt được, nhưng với những loại rau ăn sống, nguy cơ nhiễm và gây hại cho người dùng càng cao.

Đó là chưa kể, phân tươi tạo điều kiện cho ruồi, muỗi cư ngụ đậu, chúng bay tìm thức ăn và mang ký sinh trùng, ấu trùng giun sán,… đến bất cứ vị trí nào mà chúng đậu. Nếu chúng đậu vào thức ăn của người, nguy cơ gây ra một số bệnh, nhất là tiêu chảy rất lớn.

Vì vậy, khuyến cáo bà con nên sử dụng cách ủ phân truyền thống đến hoai mục hãy bón cho cây trồng. Nhóm vi sinh vật có lợi trong quá trình ủ phân còn tạo ra một số chất giàu dinh dưỡng tốt cho cây trồng, đồng thời giúp cây kháng được một số bệnh.

Với cách làm này, không chỉ góp phần cải tạo độ phì nhiêu đất, tăng năng suất cây trồng, mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạ giá thành đầu tư.


Bài, ảnh: Ái Kiều
 
 


.