Dồn điền đổi thửa: Thừa quyết tâm, thiếu nguồn lực

10:12, 13/12/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Dồn điền đổi thửa (DĐĐT) để hình thành các vùng chuyên canh tập trung được xem là chìa khóa trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân, song trên thực tế diện tích thực hiện thành công còn quá khiên tốn.

TIN LIÊN QUAN

Hiệu quả lớn

Từ năm 2011-2015, Quảng Ngãi có 14 xã của 5 huyện, thành phố là Bình Sơn, TP. Quảng Ngãi, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành và Mộ Đức xây dựng và phê duyệt xong phương án DĐĐT trên 300 ha. Trong đó, có 5 xã là Bình Dương, Bình Thới (Bình Sơn); Tịnh Trà (Sơn Tịnh) và Đức Phú, Đức Hiệp (Mộ Đức) triển khai thực hiện hoàn thành với tổng diện tích khoảng 230ha.

Ngoài ra, chính quyền những địa phương này cũng linh hoạt lồng ghép nhiều nguồn vốn để đầu tư bê tông, cứng hóa đường giao thông nội đồng và kiên cố hóa kênh mương trên các cánh đồng đã DĐĐT. Bên cạnh đó, nhân dân nhiều nơi cũng tự nguyện hiến đất và đóng góp ngày công lao động để xây dựng bờ vùng, bờ thửa, chỉnh trang đồng ruộng…

Đã 3 năm qua, bà con nông dân xã Bình Dương và Bình Thới (Bình Sơn) đã được hưởng “quả ngọt” nhờ canh tác trên cánh đồng DĐĐT. Về Bình Dương, Bình Thới dễ dàng nhận thấy hệ thống thủy lợi kiên cố giữa những cánh đồng mênh mông hút tầm mắt, nông dân phấn khởi vì lợi ích thiết thực mà nó mang lại.

Không vui sao được khi mỗi gia đình từ chỗ sở hữu 4-6 mảnh ruộng manh mún, nhỏ lẻ, chỗ cao chỗ thấp, giờ đây đã được thay thế bằng 1 thửa ruộng bằng phẳng. Các cánh đồng sau “cải tổ”, bờ vùng, bờ thửa đắp to rộng, mương máng thông thoáng.

 

DĐĐT mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân.
DĐĐT mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân.


Sau khi DĐĐT, các địa phương đã nhanh chóng bắt tay vào xây dựng mô hình sản xuất cánh đồng lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nâng cao hiệu quả sản xuất lúa trên đất DĐĐT, nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ sản xuất lúa cho bà con nông dân.

Qua DĐĐT đã tạo nên những cánh đồng mẫu lớn, ruộng được sạ cùng loại giống, cùng quy trình chăm sóc. Nhờ giao thông nội đồng thuận tiện nên khâu làm đất, thu hoạch đều sử dụng máy móc, qua đó góp phần giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích.

Kết quả là năng suất lúa lai ở các địa phương đều đạt bình quân trên 75 tạ/ha, lúa thuần đạt trên 63 tạ/ha, cao hơn năng suất lúa đại trà 2-15 tạ/ha.

Nói như ông Nguyễn Văn Ngọc- Chủ tịch UBND xã Bình Thới: DĐĐT đã tạo nên một cuộc “cách mạng” về ruộng đất mạnh mẽ, khí thế trong nhân dân, tạo động lực lớn cho xây dựng nông thôn mới. Giờ đây nông dân rất hào hứng khi nói về DĐĐT. Nếu kinh phí cấp đủ, địa phương sẽ mạnh dạn DĐĐT trên cả diện tích đất hoa màu, chứ không chỉ dừng lại ở đất lúa.

…nhưng chính quyền ngại

Lợi ích của việc DĐĐT thì ai cũng thấy, thế nhưng khi đi vào triển khai gặp rất nhiều rào cản. Rào cản đầu tiên chính từ nông dân khi họ đã quen với lề lối cũ, không dễ gì thay đổi một sớm một chiều.

Vượt qua rào cản từ sự bảo thủ cố hữu của người nông dân không dễ, nhưng bằng sự quyết tâm cao của các chính quyền địa phương, chỉ sau một vụ sản xuất, thấy được cái lợi mà nó mang lại, ý thức của người nông dân đã thay đổi.

Mặc dù một số địa phương đã DĐĐT thành công, nhưng trong công tác DĐĐT, thuyết phục người dân đồng thuận đã khó, tìm nguồn kinh phí để thực hiện lại càng khó hơn. DĐĐT là một khâu phức tạp, công phu, khối lượng công việc rất lớn trong khi nguồn vốn hỗ trợ hạn hẹp.

 

Không chỉ đất lúa, đất trồng rau màu cũng cần DĐĐT.
Không chỉ đất lúa, nhiều diện tích đất nông nghiệp cũng cần DĐĐT để nâng cao giá trị sản xuất.


Một số địa phương vẫn còn “ôm nợ” vì mạnh dạn kêu gọi các đơn vị tư nhân ký hợp đồng thực hiện trước, trả tiền sau. Một số địa phương khác thì tận dụng từ tiền tận thu đất sét cải tạo đồng ruộng cùng với tiền của ngân sách các cấp hỗ trợ để thực hiện. Kinh phí đã eo hẹp lại còn phân bổ chậm nên nhiều địa phương còn ngại, chưa dám làm.

Thế mới có chuyện, người dân đốc thúc còn chính quyền ngại, nên việc triển khai DĐĐT ở các địa phương rất chậm, nếu không nói là ì ạch. So với các địa phương trong cả nước, diện tích DĐĐT của Quảng Ngãi quá khiếm tốn. Tại địa phương lân cận là Quảng Nam đã DĐĐT được gần 18.000 ha (gấp hơn 78 lần Quảng Ngãi).

Cũng theo ông Ngọc, mức hỗ trợ DĐĐT theo Quyết định 34 của UBND tỉnh là 7 triệu đồng/ha đất trồng lúa, 5 triệu đồng/ha đất trồng các loại cây trồng cạn là quá thấp so với chi phí thực tế, nặng nhất là đổ bờ vùng. 


Tính ra chi phí phải đến 14 triệu đồng/ha mới đủ, mà đó là diện tích bằng phẳng, chưa nói đến các diện tích đồi dốc. Do đó, Quyết định 34 cần tách và hỗ trợ theo các hạng mục như: đường nội đồng, hệ thống thủy lợi, đồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng,

Cũng liên quan đến DĐĐT, ông Trần Công Hiệp- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sơn Tịnh than phiền: Phần lớn diện tích đất lúa của huyện bây giờ là ruộng bậc thang, nên rất khó thực hiện. Có những nơi phải bóc đi 50-70cm, phải dùng đến cơ giới nên giá thành đội lên, vì thế mà khoản kinh phí hỗ trợ như trên là quá khó.

Mới đây, tại hội nghị tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016, nhiều đại biểu cho rằng muốn đẩy nhanh tiến độ DĐĐT, trước tiên phải nâng mức hỗ trợ theo Quyết định 34. Cùng với đó, Nhà nước phải hỗ trợ các địa phương trong việc định hướng liên kết với các doanh nghiệp để xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, xây dựng  vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Có như vậy thì DĐĐT mới phát huy được hiệu quả thiết thực.


Bài, ảnh: Ái Kiều

 


.