Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp: Tạo động lực cho phát triển

08:12, 05/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chương trình khoa học công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nâng cao năng lực quản lý, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh đã tạo động lực lớn cho sự phát triển của DN.

Doanh nghiệp tự tin khi được hỗ trợ

Là DN được hỗ trợ từ chương trình quản lý chất lượng ISO 9001-2008, hệ thống quản lý môi trường 14001-2004 và hệ thống quản lý sức khỏe nghề nghiệp OHSAS 18001 – 2007, nên công tác quản lý của Công ty CP Cơ – Điện – Môi trường LILAMA đã thay đổi rõ rệt. Theo ông Huỳnh Vĩnh Phúc - Phó Giám đốc Khu liên hiệp Xử lý và Tái chế chất thải Dung Quất (Công ty CP Cơ – Điện – Môi trường LILAMA EME), sau khi tham gia chương trình công ty đã đổi mới cơ bản, toàn diện về cơ chế quản lý nhờ áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng. Qua đó xây dựng môi trường làm việc ngày càng tốt hơn, rõ ràng, minh bạch...

 Nhờ được hỗ trợ từ chương trình, Công ty CP sản xuất ngói màu AKURA VINA, đã đẩy mạnh đầu tư thiết bị trong hoạt động sản xuất.
Nhờ được hỗ trợ từ chương trình, Công ty CP sản xuất ngói màu AKURA VINA, đã đẩy mạnh đầu tư thiết bị trong hoạt động sản xuất.


Không chỉ LILAMA, mà nhiều DN khác cũng tham gia các chương trình hỗ trợ về quản lý như: Công ty CP Nhiên liệu sinh học dầu khí Miền Trung; Công ty CP phân hữu cơ Humic Quảng Ngãi... Nhờ áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng đã giúp các DN kiểm soát được hoạt động trong nội bộ công ty; hạn chế được nhiều rủi ro, thiệt hại trong sản xuất, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tham gia chương trình và được hỗ trợ 500 triệu đồng, Công ty CP sản xuất ngói màu AKURA VINA, hoạt động tại Cụm công nghiệp Quán Lát, xã Đức Chánh (Mộ Đức) đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm ngói của công ty, gồm các nhãn hiệu AKURA, BOCDO. Không những thế, DN còn tham gia Chương trình với nội dung hỗ trợ đổi mới hệ thống thiết bị và công nghệ sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sản lượng và hạ giá thành sản phẩm, giảm tiêu hao năng lượng, thân thiện môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế.
 

Theo thống kê từ năm 2011 đến nay, đã có 172 bằng chứng nhận do Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho các cá nhân và doanh nghiệp, tập thể tại Quảng Ngãi. Ngoài ra, từ khi Chương trình hỗ trợ DN có hiệu lực đến nay, đã có 32 doanh nghiệp đăng ký đề nghị hỗ trợ với 60 đơn, bao gồm 55 đơn về nhãn hiệu, 2 đơn về kiểu dáng công nghiệp, 3 đơn về giống cây trồng. Kết quả, đã có 41 đơn về nhãn hiệu, 1 đơn về kiểu dáng công nghiệp, 2 đơn về giống cây trồng đã được xét hỗ trợ.

Ông Đỗ Vạn Vũ - Giám đốc Công ty CP sản xuất ngói màu AKURA VINA cho biết, Công ty đã đăng ký tham gia với nội dung đổi mới thiết bị công nghệ thông qua dự án: “Nhà máy sản xuất ngói màu ứng dụng công nghệ không nung”. Nhận được nguồn hỗ trợ từ chương trình, Công ty đã mạnh dạn đầu tư thiết bị và tiếp nhận công nghệ với 3 dây chuyền sản xuất chính, gồm máy trộn, tải nguyên liệu, máy ép định hình, các loại khuôn ngói và một hệ thống sơn tự động với tổng vốn đầu tư phần thiết bị công nghệ khoảng 6 tỷ đồng. “Nguồn hỗ trợ thật sự là động lực giúp cho công ty tự tin đẩy nhanh quá trình đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ” – ông Vũ tâm sự.

Với điều kiện ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp, song việc hỗ trợ cho DN được triển khai thực hiện thời gian qua là một quyết tâm rất cao, có ý nghĩa đột phá trong việc khai thác các nguồn lực khác nhau, góp phần quan trọng trong tiến trình trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Cần bứt phá lớn hơn

Xác lập quyền sở hữu trí tuệ lâu nay được các cấp ngành tuyên truyền mạnh đến các DN, người dân đối với sản phẩm của mình sáng kiến, chế tạo ra. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều đơn vị “quên” không đăng ký và xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Thế nên, ngoài hỗ trợ về tài chính, chương trình hỗ trợ DN còn hỗ trợ cho DN ở nội dung xác lập quyền sở hữu trí tuệ.

 Mặc dù đã có thành công trong việc hỗ trợ, song nhìn vào quy mô đầu tư của các dự án đổi mới công nghệ thiết bị thì vẫn còn những “khoảng trống”, bởi hầu hết là DN vừa và nhỏ, vốn đầu tư cho dự án không quá 15 tỷ đồng, trong đó phần công nghệ thiết bị chỉ từ 1,6-6 tỷ đồng. Lĩnh vực sản xuất chủ yếu của phần lớn DN tham gia cũng chỉ giới hạn ở vật liệu xây dựng, chế biến nông sản. Tất cả các doanh nghiệp đều chưa lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ. Quy mô lao động nhỏ, từ 30 đến dưới 100 người. Độ lan tỏa công nghệ và sản phẩm thấp; thị phần nhỏ, hẹp…

Do đó, để nguồn vốn ngân sách hỗ trợ có địa điểm, có chất lượng chúng ta cần phải có những cú bứt phá trong việc hỗ trợ DN. Ngoài ra, các DN lớn cũng nên chủ động để được hưởng những chính sách hỗ trợ từ tỉnh.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC


 


.