Thu hút đầu tư ở Quảng Ngãi: Những vấn đề đặt ra

09:11, 02/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi trong những năm qua đạt những kết quả quan trọng. Song để giải ngân nguồn vốn thu hút và tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, vẫn còn nhiều việc phải làm.



Trong 5 năm (2010 – 2015), tổng vốn đăng ký đầu tư vào Quảng Ngãi là 3,249 tỷ USD, trong đó Khu Kinh tế (KKT) Dung Quất là 2,55 tỷ USD, các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh 155 triệu USD và ngoài các KCN, KKT Dung Quất là 544 triệu USD. Những con số trên cho thấy Quảng Ngãi đã và đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, nhất là các dự án FDI. Đến năm 2015, toàn tỉnh có 38 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 4,5 tỷ USD, vốn thực hiện 606,5 triệu USD. Hiện có 17 dự án FDI đang hoạt động, tạo 10.000 việc làm cho người lao động.

Cần đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư

Kết quả đạt được trong thu hút đầu tư là điều đáng mừng, song hiện nay việc giải ngân vốn đầu tư vẫn còn thấp và chưa có sự đột phá. Điều này làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Giai đoạn 2010-2015, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân 7,2%/năm, không đạt chỉ tiêu Nghị quyết XVIII. Do đó, vấn đề trước tiên đặt ra trong thu hút đầu tư hiện nay là chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Các dự án đầu tư vào Quảng Ngãi đã tạo đột phá trong phát triển công nghiệp của tỉnh. Trong ảnh: Tàu vào nhận hàng ở Cảng Gemadept                                   Ảnh: P.DANH
Các dự án đầu tư vào Quảng Ngãi đã tạo đột phá trong phát triển công nghiệp của tỉnh. Trong ảnh: Tàu vào nhận hàng ở Cảng Gemadept Ảnh: P.DANH


Theo ông Lê Văn Dũng - Phó trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất thì cần phải sắp xếp bộ máy, nhân sự làm công tác xúc tiến và giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh theo hướng xúc tiến gắn với hỗ trợ. “Phải phát huy và nhân rộng mô hình tổ công tác liên ngành (tổ một cửa) trong giải quyết thủ tục đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư và doanh nghiệp (DN). Qua khảo sát thực tế tại tỉnh Bình Dương cho thấy, chính việc hỗ trợ nhà đầu tư theo mô hình một cửa góp phần rất lớn tạo nên sự thành công của tỉnh Bình Dương trong thu hút đầu tư”, ông Dũng nói. Cùng với đó là tăng cường kiểm soát việc xử lý thủ tục đầu tư qua mạng e’Office và ISO để kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở. Tổ chức trực báo hằng tuần để rà soát việc giải quyết thủ tục, tháo gỡ các vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp...

Tập trung xúc tiến dự án trọng điểm

Cùng với cải thiện môi trường đầu tư là tập trung xúc tiến các dự án trọng điểm, lĩnh vực khả thi và xã hội hóa hoạt động thu hút đầu tư. Đối với công nghiệp nặng thì tập trung thu hút dự án thép mới thay thế Dự án thép Guang Lian (đang làm thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đầu tư), hỗ trợ để sớm triển khai xây dựng, đưa vào vận hành trước năm 2020. Bên cạnh đó, tích cực tìm kiếm và thu hút các dự án điện khí, làm cơ sở để tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương đối với Dự án đưa khí vào bờ, đồng thời, xúc tiến các dự án hóa dầu để sau năm 2020 hình thành tổ hợp hóa dầu đồng bộ với Dự án nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất.

Đối với công nghiệp nhẹ sẽ tiếp tục phối hợp với VSIP trong thu hút đầu tư, trọng tâm là xúc tiến các ngành nghề, lĩnh vực có khả năng thu hút nhờ vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ngoài ra, kêu gọi thêm các nhà đầu tư có năng lực để đầu tư các KCN, bởi thực tế việc “tiếp thị đầu tư” của DN kinh doanh hạ tầng KCN hiệu quả hơn hoạt động “xúc tiến đầu tư” của các cơ quan nhà nước.

Trong 5 năm tới, hoạt động thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất và các KCN của tỉnh tập trung nhiều vào các quốc gia Đông Bắc Á, Singapore, vào dòng vốn chuyển dịch từ Trung Quốc, sau đó là Mỹ và Châu Âu. Mặt khác, sẽ thu hút các DN lớn trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài đang có nhà máy hoặc văn phòng tại 2 khu vực lớn là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội.

 Cải thiện hạ tầng, phát triển dịch vụ tiện ích

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là dự án trọng điểm, kéo theo nhiều dự án lớn đầu tư vào KKT Dung Quất.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là dự án trọng điểm, kéo theo nhiều dự án lớn đầu tư vào KKT Dung Quất.


Hầu hết các nhà đầu tư sản xuất công nghiệp nhẹ hướng đến xuất khẩu đều cho rằng, điểm yếu cơ bản với Quảng Ngãi là chi phí vận chuyển container cao hơn so với 2 đầu đất nước. Do vậy, cần tạo điều kiện để thu hút nhà đầu tư có năng lực đầu tư cụm cảng container để giảm một phần chi phí vận chuyển cho DN, kết hợp với từng bước hoàn thiện hạ tầng cảng biển Dung Quất I. Đồng thời, từng bước đầu tư hạ tầng khung cho Khu Dung Quất II để đáp ứng cho mục tiêu thu hút đầu tư các dự án công nghiệp và các dự án thuộc lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng.

Ngoài KKT Dung Quất thì tiếp tục ổn định phát triển KCN Quảng Phú, Tịnh Phong, tập trung phát triển KCN Phổ Phong và nên hình thành thêm 1 KCN về phía tây TP. Quảng Ngãi (gần đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi). Cùng với đó, phải thực hiện tốt việc giải phóng mặt bằng, hình thành từng bước quỹ đất sạch để cải thiện khả năng, điều kiện tiếp cận đất đai đối với các nhà đầu tư. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh cần quan tâm đôn đốc, kịp thời chấn chỉnh sự chậm trễ về thủ tục, nâng cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu ở các sở, ban, ngành và địa phương liên quan để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các dự án tại Quảng Ngãi.

Phải huy động vốn đầu tư toàn xã hội tối thiểu 90 nghìn tỷ đồng

Trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh đặt ra mục tiêu huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn này tối thiểu 90 nghìn tỷ đồng (tăng gần 1,5 lần với giai đoạn 2010-2015). Trong đó, vốn ngân sách khoảng 17-20% còn lại là huy động từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước. Để huy động và phân bổ hợp lý các nguồn lực đảm bảo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đột phá, trọng tâm giai đoạn 2015-2020, cùng với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chúng ta phải nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đồng thời, phải đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư; tổ chức triển khai có hiệu quả cơ chế đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư (PPP).


Bài, ảnh: PHẠM DANH

 


.