Thị trường rộng mở, sức cạnh tranh tăng

09:11, 19/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thị trường xuất khẩu đối với doanh nghiệp trong nước sẽ rộng mở khi Việt Nam ký kết các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới. Nhưng sức cạnh tranh vì thế cũng tăng lên.

Toàn văn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được công bố (ở Việt Nam là tại địa chỉ  http://tpp.moit.gov.vn). Tiếp sau đó, 12 nước tham gia TPP gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Mỹ, Singapore, Nhật Bản và Việt Nam sẽ sớm hoàn tất thủ tục pháp lý và dự kiến trong quý I năm 2016, Hiệp định TPP sẽ chính thức được ký kết. Với 12 nước tham gia TPP, hàng hóa Việt Nam sẽ tiếp cận thị trường rộng lớn hơn 600 triệu người, chiếm 40% GDP và 26% giá trị hàng hóa toàn cầu. Đây sẽ là cơ hội lớn để sản phẩm “made in” Việt Nam mở rộng thị trường.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu của Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Tổng hợp Kim Thành Lưu có cơ hội phát triển tại thị trường Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc khi TPP chính thức ký kết.                   Ảnh: H.T
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu của Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Tổng hợp Kim Thành Lưu có cơ hội phát triển tại thị trường Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc khi TPP chính thức ký kết. Ảnh: H.T


Theo ông Nguyễn An-Phó Giám đốc Sở Công thương thì, với việc Việt Nam tham gia Hiệp định TPP thì cơ hội xuất khẩu đối với doanh nghiệp trong nước nói chung và doanh nghiệp Quảng Ngãi nói riêng sẽ được rộng mở. Dù vậy, việc xuất khẩu sẽ không dễ dàng, vì sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật hết sức khắt khe. Do vậy, doanh nghiệp xuất khẩu nên mạnh dạn đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại để sản phẩm làm ra đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật.
 

Nhiều mặt hàng thuế suất về 0%

Bộ Tài chính vừa có thông tin liên quan đến thuế theo TPP. Theo đó, về thuế nhập khẩu, trên 65% dòng thuế được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực (cuối năm 2017 - PV)  và gần 98% số dòng thuế sau 10 năm. Các mặt hàng còn lại có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan. Về thuế xuất khẩu, Việt Nam xóa thuế xuất khẩu phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu theo lộ trình từ 5 - 15 năm sau khi TPP có hiệu lực. Một số nhóm mặt hàng quan trọng được tiếp tục duy trì thuế xuất khẩu.

TPP được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam cân bằng quan hệ thương mại, cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, cũng như giúp doanh nghiệp trong nước linh hoạt hơn trong xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường nhất định. Ông Vi Nhất Trường-Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Tổng hợp Kim Thành Lưu cho hay, sản phẩm đồ gỗ chế biến của công ty hiện đã có mặt tại thị trường Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn còn khiêm tốn. Thế nên, với Hiệp định mới, công ty sẽ an tâm đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để phát triển tại các thị trường này.

Một trong những điểm vượt trội của TPP là Hiệp định này hướng tới tạo lập một sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp và người lao động của mỗi nước thành viên trên thị trường các nước thành viên khác. Bằng việc xóa bỏ thuế nhập khẩu và xuất khẩu (hoặc cắt giảm theo lộ trình) cho các hàng hóa lưu thông giữa các nước thành viên, TPP sẽ đảm bảo mọi chủ thể kinh tế từ nông dân đến chủ trang trại, nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ và các doanh nghiệp nhỏ ở mỗi quốc gia thành viên đều có cơ hội cạnh tranh bình đẳng với các đối thủ ở các nước thành viên khác trên một thị trường cực kỳ rộng lớn của khu vực kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương đầy năng động. Vì thế, bên cạnh những cơ hội được mở ra thì thách thức cũng sẽ rất lớn.

Ông Nguyễn An cho biết, đối với thị trường trong nước, người tiêu dùng sẽ có lợi khi sẽ được tiếp cận với hàng hóa dồi dào, sản phẩm chất lượng, với giá cạnh tranh. Tuy nhiên, sản xuất trong nước, nhất là các hộ gia đình, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, chế biến nông sản... nếu không có sự chuẩn bị sớm và căn cơ thì hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bất lợi.

Hiệp định TPP mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu, nhưng ngược lại một số lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp, sẽ chịu sức ép cạnh tranh rất lớn khi nước ta mở cửa thị trường. Đó là chuyện của một vài năm nữa, còn trước mắt, chỉ còn hơn một tháng nữa Việt Nam sẽ bắt đầu tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Và theo cam kết, đến năm 2018 sẽ chỉ còn vài chục sản phẩm từ khu vực này vào nước ta chịu thuế 5%, còn lại 0%. Do đó, doanh nghiệp trong tỉnh cần sớm tính toán các bài toán đầu tư, bởi cạnh tranh trong thị trường AEC ngày càng hội nhập sâu cũng chẳng phải là điều dễ dàng. Thực tế hiện nay, rất nhiều sản phẩm của các nước trong khu vực có chất lượng hơn, giá cả cạnh tranh hơn so với mặt hàng cùng loại sản xuất trong tỉnh, trong nước.


LINH KHA



 


.