Quản lý chất cấm trong chăn nuôi: Cần quyết liệt hơn

01:11, 03/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thông tin một số hộ dân sử dụng chất cấm Salbutamol để tạo nạc, tăng trọng cho gia súc, khiến người tiêu dùng hoang mang, còn người chăn nuôi chân chính thì bị vạ lây.

Cùng với Clenbuterol thì Salbutamol là chất độc hại đã bị Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề nghị không sử dụng trong chăn nuôi. Các nhà khoa học cảnh báo, lượng chất này tồn đọng trong thịt gia súc sẽ gây nhiều nguy hại cho người sử dụng, nhẹ là ngộ độc cấp tính khiến chức năng tim, phổi bị rối loạn; nặng có thể tử vong.

Báo động thức ăn “bung đùi, nở mông”

Vào vai người nuôi heo cần vỗ béo nhanh đàn heo lứa 10 con, tôi đến 2 cửa hàng thức ăn chăn nuôi (TĂCN) trên địa bàn huyện Nghĩa Hành và Tư Nghĩa hỏi mua loại cám giúp heo lớn nhanh, nhiều nạc. Sau hồi dò la hỏi chuyện, tôi được hai chủ cửa hàng tư vấn rằng, heo lý tưởng để vỗ béo là 30 – 35kg hơi; nếu sử dụng cám tạo nạc trong thời gian 15 – 20 ngày, heo sẽ nhanh bung đùi, nở mông và trọng lượng mỗi con sẽ tăng đến 15 – 20kg nên bán sẽ rất có lời! Kèm lời giới thiệu rất hấp dẫn ấy, chủ cửa hàng cân cho tôi 5kg cám bảo là đã pha trộn chất tạo nạc với giá “hữu nghị” 400.000 đồng (bình quân mỗi ký cám loại này có giá 80.000 đồng, cao gấp 7 – 10 lần các loại cám tổng hợp khác-PV). Viện cớ “cám không đảm bảo”, tôi đề nghị mua riêng chất tạo nạc để về tự pha trộn thì nhận được cái lắc đầu kèm lời nỉ non “loại này có ít để bán cho người quen thôi. Mà gần đây nó thường bị đứt hàng lắm. Nếu giờ em không mua, vài bữa heo lớn mà thúc cám này cũng chẳng có lời nhiều”!

 

Sản phẩm thịt gia súc tồn dư chất cấm cao sẽ nguy hại cho người tiêu dùng. (Ảnh minh họa)
Sản phẩm thịt gia súc tồn dư chất cấm cao sẽ nguy hại cho người tiêu dùng. (Ảnh minh họa)


Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay muốn mua các loại cám tạo nạc, tăng trọng lượng cho heo không khó. Lui tới cửa hàng bán TĂCN vài lần “làm quen” là muốn mua bao nhiêu cũng có. Nhưng thay vì bán riêng các loại chất tạo nạc, phần lớn chủ cửa hàng thường pha trộn vào cám cho người chăn nuôi khi có nhu cầu. Theo ông Nguyễn Đình Cương - Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT thì: “Đây là cách để các chủ cửa hàng đối phó với lực lượng chức năng vì họ biết, đoàn thanh tra thường lấy mẫu thức ăn sẵn có để phân tích, phát hiện chất cấm Salbutamol”.
 

Thanh tra Sở NN&PTNT vừa tiến hành thanh tra đột xuất và lấy 13 mẫu thịt, TĂCN và nước tiểu của heo chuẩn bị xuất chuồng tại các trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, kinh doanh sản phẩm GSGC trên địa bàn tỉnh phân tích, kiểm nghiệm. Kết quả, mẫu nước tiểu của heo chuẩn bị xuất chuồng ở một trang trại chăn nuôi tại huyện Tư Nghĩa có nồng độ Salbutamol vượt mức cho phép 20 lần. Đây là trang trại chăn nuôi heo đầu tiên trên địa bàn tỉnh bị phát hiện có chất cấm Salbutamol.

Tăng chế tài xử phạt

Thông tin một số hộ sử dụng chất cấm Salbutamol để tạo nạc, tăng trọng lượng cho heo khiến người tiêu dùng hoang mang, còn những người chăn nuôi chân chính thì bị vạ lây. “Từ lúc nuôi heo nhỏ lẻ đến khi mở trang trại, tôi chỉ dùng cám tổng hợp nguyên bao chứ có mua lẻ mấy loại cám vớ vẩn đó đâu. Vậy mà mấy hôm nay nhiều người gặp tôi cứ nói bóng gió là mấy ông chủ trang trại heo toàn sử dụng chất cấm này nọ nên heo mới lớn. Khổ quá!”, ông Nguyễn Văn Thông, thôn Phước Hòa, xã Đức Phú (Mộ Đức) nói buồn.

Trước thực trạng này, ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra đột xuất việc sử dụng chất cấm Salbutamol trong chăn nuôi tại các trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ và kinh doanh sản phẩm gia súc, TĂCN... trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, việc thanh kiểm tra chỉ thực hiện tại những cơ sở, trang trại chăn nuôi gia súc tập trung; trong khi tình trạng sử dụng chất tạo nạc, tăng trọng lượng cho heo đã xuất hiện và len lỏi vào tận các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. “Đối tượng này quá nhiều nên chúng tôi rất khó, thậm chí không thể kiểm soát nếu không có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền cơ sở”, ông Nguyễn Đình Cương - Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT bày tỏ.

Trong khi đó lãnh đạo Phòng NN&PTNT các huyện thì cho rằng, họ cũng khó thực thi nhiệm vụ vì việc phân cấp trách nhiệm chưa rõ ràng! “Thông tư 14 của Bộ NN&PTNT nêu rõ: Huyện chỉ kiểm tra những cơ sở chăn nuôi, kinh doanh sản phẩm thịt gia súc, TĂCN...  do huyện cấp phép. Nghĩa là những điểm kinh doanh nhỏ lẻ mà người dân chưa đăng ký kinh doanh thì huyện cũng không được phép kiểm tra, quản lý”, ông Lê Thanh Tân - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đức Phổ cho biết.  

Tháo gỡ khúc mắc này, ông Võ Văn Kỹ - Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản, Sở NN&PTNT đề xuất trong thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thanh kiểm tra, phân cấp trách nhiệm cụ thể cho chính quyền cơ sở thì UBND tỉnh nghiên cứu tăng chế tài xử phạt các đơn vị, cá nhân vi phạm để ngăn ngừa tình trạng sử dụng chất cấm Salbutamol trong chăn nuôi nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, cũng là đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi.
 

Bài, ảnh: MỸ HOA  

 


.