Hướng phát triển mới cho cây chè Minh Long

08:11, 09/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không những giữ vững cây chè bản địa mà những năm trở lại đây, huyện Minh Long đã có những chủ trương, chính sách phát triển diện tích chè; đồng thời có hướng đăng ký thương hiệu để cây chè Minh Long trở thành đặc sản của tỉnh nhà.

TIN LIÊN QUAN

Giữ vững cây chè bản địa

Hơn 2ha chè của gia đình ông Đinh Văn Siêng ở thôn Hà Bôi, xã Long Hiệp là gia tài mà từ đời ông ngoại của ông để lại. Đến giờ, ông Siêng cùng con cháu vẫn chăm sóc và phát triển thêm số lượng chè trong vườn. Bởi nói như ông Siêng thì “hơn 2ha chè đó đã nuôi sống gia đình tôi từ xưa đến giờ. Ngày nào mình cũng hái rồi bán cho thương lái. Họ mua giá cao, ổn định nên mình cũng không lo bị ép giá. Chính vì thế nên mình yên tâm và mở rộng diện tích chè của gia đình hơn”.

Việc giữ gìn và phát triển cây chè ở địa phương đang được chính quyền và người dân Minh Long nhân rộng.
Việc giữ gìn và phát triển cây chè ở địa phương đang được chính quyền và người dân Minh Long nhân rộng.


Còn anh Đinh Văn Phưới, thôn Hà Liệt, xã Long Hiệp hầu như ngày nào cũng vậy, sau mỗi lần đi rẫy về, cũng hái vài chục lọn chè tươi đem về bán. Anh cho biết: Chè trên rẫy nhiều lắm, hái về bán cũng có tiền nữa. Nhưng mình hái có chừng, để nó còn tiếp tục đâm chồi mà lần sau có thu hoạch. Chính quyền cũng đã khuyến cáo, nên chúng tôi sẽ cố gắng giữ gìn và phát triển thêm cây chè ở địa phương mình.

Theo nhận định của Phòng NN&PTNT huyện Minh Long thì hơn hai năm trở lại đây, việc giá chè ổn định, thu nhập của người dân địa phương từ cây chè tươi cũng đều đặn, nên diện tích chè bản địa cũng từ đó được giữ vững. Lãnh đạo địa phương cũng đã có những chủ trương để phát triển mạnh hơn nữa cây chè bản địa, đồng thời đăng ký thương hiệu để nâng tầm cây chè địa phương “sánh bước” cùng những đặc sản khác của tỉnh nhà.

Nhân rộng mô hình chè

Hiện nay, diện tích chè bản địa của huyện Minh Long còn trên 81ha và tập trung nhiều nhất ở các xã Long Hiệp, Thanh An và Long Môn. Việc phát triển, nhân rộng các mô hình chè ở địa phương đã và đang được chính quyền, người dân ở huyện Minh Long chú trọng. Cụ thể, năm 2014 vừa qua, huyện Minh Long đã trồng mới hơn 2ha chè mô hình ở xã Long Mai và trong năm tới sẽ triển khai thêm nhiều mô hình trồng chè ở các địa phương khác. Bà Lê Thị Hường, thôn Mai Lãnh Hữu, xã Long Mai là hộ dân trồng chè theo mô hình của huyện, đến nay hơn 6 sào chè của gia đình bà đang trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển, giờ chỉ cần bón thúc thêm phân, chăm sóc là chờ đến vụ thu hoạch đầu tiên. Bà Hường cho biết: “Hiện chè đang trong giai đoạn làm cỏ, nên phải tranh thủ làm trước mùa mưa. Nếu không cỏ sẽ ăn hết phân và chè không phát triển được. Chúng tôi rất mong diện tích chè trồng theo mô hình sẽ mang lại hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế cũng như phát triển hơn nữa cây chè ở địa phương”.

Ông Đinh Thành Sang – Cán bộ kỹ thuật, Trạm Khuyến nông huyện Minh Long cho biết: “Mô hình chè được thực hiện ở xã Long Mai đang có chuyển biến tích cực. Trước đó, cán bộ của Trạm đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con tham gia  trồng, chăm sóc để cây chè phát triển tốt. Ngoài ra, Nhà nước cũng hỗ trợ vốn, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật nên bà con rất phấn khởi thực hiện”.

Ông Phạm Đăng Đàm – Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Minh Long chia sẻ: Cây chè là một trong các loại cây nông sản chính của huyện, nên việc giữ gìn cũng như phát triển diện tích chè ở địa phương là một việc làm hết sức quan trọng. Theo đó, các diện tích chè bản địa, chè có từ lâu đời sẽ được chú trọng gìn giữ và phát triển, đồng thời nhân rộng hơn nữa mô hình trồng chè ở các địa phương. Cùng với đó, trong thời gian tới chính quyền địa phương sẽ lập kế hoạch để đăng ký thương hiệu cho cây chè Minh Long, nhằm phát triển cây chè thành cây đặc sản của địa phương.
 

Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU
 


.