Hội nghị đánh giá tình hình, kết quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp

10:11, 04/11/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Sáng 4.11, UBND tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tình hình, kết quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (giai đoạn 2015 - 2020), biện pháp triển khai thực hiện Đề án năm 2016. 
 
 
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cùng các địa phương đã tích cực triển khai thực hiện một số nhiệm vụ về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên nhiều lĩnh vực. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng toàn ngành tương đối ổn định. Cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng lâm nghiệp và thủy sản. 
 
Đại biểu báo cáo tham luận tại Hội nghị.
Đại biểu báo cáo tham luận tại Hội nghị.
 
Trong cơ cấu nội bộ nông nghiệp, tỷ trọng trồng trọt giảm, tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ tăng lên. Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng mang lại hiệu quả tích cực. Giá trị sản phẩm thu được tăng dần qua các năm. Sản lượng lương thực tăng ổn định. Lương thực bình quân đầu người luôn ở mức cao. Bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. 
 
Một số sản phẩm nông, lâm, thủy sản hàng hóa phát triển khá nhanh như bò thịt, cây nguyên liệu giấy. Sản lượng khai thác thủy sản đang trở thành hàng hóa chủ lực của tỉnh. Nhiều tiến bộ kỹ thuật về giống mới, quy trình sản xuất tiên tiến được áp dụng vào sản xuất cây trồng, vật nuôi, góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Diện tích rừng trồng tăng hàng năm, độ che phủ của rừng đạt ở mức cao so với các tỉnh trong khu vực. 
 
Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nhất là khâu làm đất, thu hoạch, vận chuyển các cây trồng chính khóa tăng, góp phần giải phóng sức lao động nặng nhọc cho nông dân. Cơ sở hạ tầng thủy lợi, thủy sản được quan tâm đầu tư xây dựng, tu sửa, nâng cấp, thúc đẩy sản xuất phát triển nhanh và ổn định. Bước đầu thu hút một số doanh nghiệp đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu. 
 
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn như: Tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của ngành nông nghiệp chưa tạo được sự chuyển biến chưa thật sự vững chắc, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu, tác động của thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
 
Mặc dù, Trung ương và UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách nhưng nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế nên chưa thu hút các doanh nghiệp, HTX tham gia. Tình trạng “được mùa mất giá” vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, gây thiệt hại cho nông dân. 
 
Trong giai đoạn tới, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục chỉ đạo phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn toàn diện trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới. 
 
Đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng nông nghiệp, giai đoạn 2016 -2020 khoảng 4,1%/năm, nông nghiệp tăng 3,3%, lâm nghiệp tăng 8,7%. Tỷ trọng nông nghiệp chiếm 59,8%, lâm nghiệp chiếm 6,8%, thủy sản chiếm 33,4%, tỷ trọng chăn nuôi đến năm 2020 chiếm 45% trong tổng cơ cấu kinh tế ngành. 
 
Phấn đấu đạt giá trị sản xuất bình quân cây ngắn ngày đến năm 2020 đạt 65 triệu đồng/ha. Giữ ổn định khai thác thủy sản ở mức 150.000 - 160.000 tấn/năm, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường, khắc phục và giảm thiểu thiệt hại do phá rừng tự nhiên và tác động xấu của biến đổi khí hậu.
 
Tại hội nghị, đại diện các sở ban, ngành, địa phương cũng đã báo cáo một số tham luận về thực trạng, các giải pháp thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản; tham luận về phát triển vùng nguyên liệu mía, tín dụng ngân hàng, vai trò của HTX… đối với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
 
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ nhấn mạnh, trong thời gian tới, các địa phương, đơn vị cần tập trung bám sát đề án, xây dựng và phát triển phù hợp với điều kiện, lợi thế của địa phương; huy động mọi nguồn lực triển khai việc thực hiện đồn điển đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; xây dựng những cánh đồng mẫu lớn.
 
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển trang trại, gia trại trên cơ sở chăn nuôi hộ gia đình nhỏ, lẻ, phân tán sang quy mô hợp lý, tập trung, gắn với môi trường. Đẩy mạnh công tác cải tạo, nâng cao chất lượng gia súc. Nhân rộng, phát triển mô hình trồng cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững rừng trồng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh liên kết sản xuất trong nông nghiệp, tuyên truyền và phổ biến rộng rãi các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo sự quyết tâm cao trong nhân dân để thực hiện đề án có hiệu quả.
 
Tin, ảnh: Thiên Hậu
 

.