Các khu, cụm công nghiệp: Cần khai thác hiệu quả quỹ đất

09:11, 20/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo báo cáo của Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh và các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh thì tỷ lệ doanh nghiệp (DN) đăng ký đầu tư đã cơ bản lấp đầy quỹ đất. Tuy nhiên, khảo sát thực tế hiện nay thì rất nhiều nơi DN đóng cửa bỏ lại nhà xưởng hoang vắng, nhiều diện tích đất chưa có DN đầu tư, gây lãng phí quỹ đất.

TIN LIÊN QUAN

Nhiều DN bỏ hoang nhà xưởng

Từ nhiều năm qua, các KCN, CCN được hình thành để thu hút các DN tìm đến đầu tư. Theo thống kê của Ban Quản lý các KCN tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có ba KCN gồm: KCN Tịnh Phong (diện tích 141,72ha); KCN Quảng Phú (diện tích 120,41ha) và KCN Phổ Phong (diện tích 143,7ha). Các KCN đã thu hút được 95 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư lên đến 6.700 tỷ đồng. Trong đó, có 54 DN chính thức đi vào hoạt động.

Tường rào bị đổ ngã của một DN đã đóng cửa bỏ hoang nhiều năm qua tại KCN Tịnh Phong.
Tường rào bị đổ ngã của một DN đã đóng cửa bỏ hoang nhiều năm qua tại KCN Tịnh Phong.


Tuy nhiên, dạo quanh một vòng các KCN, điều dễ nhận thấy là nhiều nhà máy, công ty hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả. Thậm chí, có nhiều DN đóng cửa, bỏ hoang nhà xưởng. Tại KCN Quảng Phú, theo đánh giá là hoạt động có hiệu quả, cũng có không ít DN bỏ hoang nhà xưởng nhiều năm qua. Điển hình như, nhà xưởng của Công ty TNHH An Thuận Phát; Gia Hòa bỏ hoang dầm mưa phơi nắng. Theo ông Phạm Xuân Vinh - Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh, hiện hai DN trên đã bị thu hồi giấy phép đầu tư, nhưng chưa thể thu hồi đất để cấp cho các nhà đầu tư khác. Nguyên nhân là do rắc rối liên quan đến quá trình thi hành án giữa DN với ngân hàng.

Tình trạng một số nhà xưởng “đóng cửa” cũng diễn ra tại KCN Tịnh Phong. Cũng theo ông Vinh, tại KCN Tịnh Phong từ đầu năm 2015 đến nay, Ban đã thu hồi giấy phép đầu tư của ba DN và đã cấp phép đầu tư lại cho hai DN, DN còn lại chưa thể giải quyết được cũng do dính đến vốn vay từ ngân hàng.

Không chỉ tại các KCN mà ở các CCN tình trạng nhà xưởng bỏ hoang cũng khá nhiều. Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 15 cụm, điểm công nghiệp - làng nghề với diện tích 171ha. Tuy nhiên, số lượng DN đầu tư vào lại nhỏ giọt dẫn đến lãng phí quỹ đất.
 

KCN Phổ Phong mới khai thác được 5% quỹ đất

Theo thống kê đến cuối tháng 10.2015, tình hình khai thác quỹ đất tại các KCN là tương đối tốt. Trong đó, KCN Quảng Phú đạt 98%; Tịnh Phong 78%. Riêng KCN Phổ Phong chỉ đạt 5%, với 1 DN đi vào hoạt động dù quỹ đất ở đây lớn nhất trong số 3 KCN.

Cần khai thác hiệu quả

Theo ông Phạm Xuân Vinh, từ năm 2011 đến nay Ban tập trung rà soát, thu hồi một số dự án triển khai chậm tiến độ, hoạt động kém hiệu quả nhằm tránh tình trạng gây lãng phí quỹ đất với 19 dự án. Ngoài ra, Ban cũng đang tập trung rà soát đối với nhiều dự án hoạt động kém hiệu quả. Đó là dự án Nhà máy chế biến lâm sản xuất khẩu Trường Thành, dự án Nhà máy chế biến lâm sản Tam Nguyên, Công ty TNHH Tân Hải…

“Đối với Công ty Cổ phần Khoáng sản Sài Gòn-Quảng Ngãi đã tạm ngừng hoạt động từ năm 2013, hiện DN đang tìm đối tác để chuyển nhượng. Phải nói thật là quỹ đất tại các KCN là khá dồi dào. Tuy nhiên, vấn đề là ngoài những DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài làm ăn hiệu quả, ổn định, còn lại các DN trong nước đầu tư nhỏ lẻ, thiếu quy mô và đặc biệt là nguồn tài chính không đảm bảo nên một khi bị tác động từ thị trường thì không cầm cự nỗi dẫn đến phá sản, hoặc hoạt động cầm chừng. Để khai thác có hiệu quả quỹ đất, thời gian đến Ban sẽ tiếp tục rà soát, nếu DN nào hoạt động không hiệu quả thì sẽ quyết liệt kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý, tập trung thu hồi giấy phép đầu tư để tạo quỹ đất sạch mời gọi DN khác có năng lực vào tiếp nhận để khai thác quỹ đất sao cho hiệu quả nhất” – ông Vinh cho hay.

Riêng đối với các cụm CN, tại huyện Tư Nghĩa, CCN La Hà được xem là điểm nhấn công nghiệp duy nhất của huyện. Thế nhưng, hiện nay tại đây cũng chỉ có khoảng chục DN hoạt động và có đến hai DN ngừng hoạt động từ nhiều năm nay; quỹ đất đang bị lãng phí. Tiếp đến là CCN Đồng Dinh (Nghĩa Hành), dù chỉ cách trung tâm TP. Quảng Ngãi chừng 6km và nằm bên tỉnh lộ 624, được huyện Nghĩa Hành định hướng sẽ là “mỏ vàng công nghiệp” của huyện. Tuy nhiên, đến giờ CCN này vẫn chỉ có vài DN đi vào hoạt động, dù quỹ đất của CCN này không hề nhỏ.
 

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

 


.