Trợ lực cho sự phát triển

03:10, 21/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)-  Chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN),  tiếp vốn cho người dân, doanh nghiệp (DN) vùng nông thôn đầu tư làm ăn; áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào trong sản xuất, cải cách hành chính... đã tạo ra những bước chuyển mới cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh trong thời gian qua.

TIN LIÊN QUAN

Khoa học đi vào thực tiễn

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII xác định, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KHCN phục vụ phát triển KT-XH, vực dậy khu vực nông thôn, miền núi. Trong 5 năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào thực tiễn có địa chỉ, có đối tượng thụ hưởng rõ ràng, mà trọng tâm là phục vụ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Ngân hàng đang là “bà đỡ” thực sự cho người dân, doanh nghiệp.
Ngân hàng đang là “bà đỡ” thực sự cho người dân, doanh nghiệp.


 Đất đảo Lý Sơn từ lâu nguồn nước ngầm để sinh hoạt và tưới tiêu cho các cánh đồng luôn là vấn đề nóng. Đồng thời, nguồn gen quý hiếm của giống tỏi có nguy cơ bị mất. Vì thế, đầu năm 2012, Sở KH&CN phối hợp với UBND huyện Lý Sơn triển khai Dự án “Giải pháp kỹ thuật tăng năng suất, chất lượng tỏi ở huyện Lý Sơn”. Từ kết quả đề tài nghiên cứu phục tráng giống tỏi Lý Sơn, Sở KH&CN triển khai tiếp Dự án “Hệ thống tưới phun bán tự động trên ruộng tỏi”. Kết quả mang lại rất khả quan, khi năng suất tỏi tăng 16% so với canh tác truyền thống. Ngoài ra, kỹ thuật mới đã tiết kiệm gần 50% lượng nước, giảm 20% công lao động và chi phí đầu tư.

Hay như Dự án “Hỗ trợ áp dụng tiến bộ KH&CN phát triển sản xuất nông nghiệp phục vụ xây dựng nông thôn mới tại xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành” đã hỗ trợ cho người dân các tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật truyền tinh nhân tạo, chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt... Sau hơn một năm triển khai, dự án mang lại hiệu quả rõ rệt khi đàn bò của xã Hành Dũng tăng từ 2.000 lên hơn 3.000 con và bò lai chiếm hơn 82%.

Theo ông Trần Chấn Diệp - Giám đốc Sở KH&CN, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KHCN vào thực tiễn trong 5 năm qua đã có nhiều đổi mới, mang lại hiệu quả lớn, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, có sức lan tỏa và được nhân rộng, góp phần quan trọng vào chỉ tiêu phát triển KT-XH của tỉnh.

Đưa vốn vào nông nghiệp, nông thôn

Đi đầu trong việc cung ứng vốn cho nông nghiệp, nông thôn (NNNT) và DN là Ngân hàng NN&PTNT-Chi nhánh Quảng Ngãi (Agribank Quảng Ngãi). Theo ông Nguyễn Thiên Phiến - Phó Giám đốc Agribank Quảng Ngãi, thực hiện  Nghị định số  41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển NNNT, Agribank đã thực hiện đúng chính sách cho vay, tích cực tiếp vốn cho cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại và các DN trên địa bàn tỉnh. Đến 31.8.2015, ở lĩnh vực NNNT đã có trên 51.000 khách hàng vay trên 4.300 tỷ đồng, chiếm 88%/tổng dư nợ. Trong đó, số hộ vay sản xuất kinh doanh, nông, lâm, ngư… lên đến hơn 3.450 tỷ đồng, chiếm 80%/tổng dư nợ NNNT. Cùng thời điểm này đã có 147 khách hàng DN vay 855 tỷ đồng, chiếm 20%/ tổng dư nợ cho vay.

Người dân đến giải quyết công việc tại bộ phận “một cửa hiện đại” của UBND TP. Quảng Ngãi.                                                     Ảnh: TL
Người dân đến giải quyết công việc tại bộ phận “một cửa hiện đại” của UBND TP. Quảng Ngãi. Ảnh: TL


Không riêng Agribank, mà trong 5 năm qua, các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn tỉnh đã có những chính sách thiết thực, hướng nguồn vốn về lĩnh vực NNNT. Ông Nguyễn Hữu Thành - Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội, cho biết, để dòng tiền thật sự về tận tay người dân, DN, ngay từ đầu ngân hàng đã đẩy mạnh tiếp vốn ra thị trường. Ngoài việc hạ lãi suất, đơn vị còn tiến hành phân loại và triển khai ba phân khúc khách hàng, mỗi phân khúc đều có người phụ trách. Với chiến lược kinh doanh “3 trụ cột, 2 nền tảng”, trong những năm qua ngân hàng lưu thông nguồn vốn huy động ra thị trường khá tốt, với số dư nợ đến 30.8 trên 900 tỷ đồng, huy động trên 950 tỷ đồng.
 

Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam năm 2014 do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Hội Tin học Việt Nam tổ chức, năm 2014 Quảng Ngãi được đánh giá có chỉ số thuộc nhóm trung bình khá, đứng vị thứ 37/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Là DN luôn được tiếp vốn từ ngân hàng để đẩy mạnh hoạt động sản xuất nên ông Trần Đức Dũng - Giám đốc Công ty CP Phân hữu cơ Humic bảo, nếu không có ngân hàng thì DN sẽ không thể “sống” được trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt. “Nhờ nguồn vốn vay mỗi năm 8 tỷ đồng của Agribank Quảng Ngãi, công ty có điều kiện nâng công suất sản xuất từ 5.000 lên 10.000 tấn phân các loại/năm, đáp ứng khoảng 10% thị phần tiêu thụ phân bón trên thị trường. Hoạt động hiệu quả, nên có năm công ty đạt doanh thu tăng khoảng 25%. Trong thời gian đến, công ty sẽ tiếp tục vay vốn, mở rộng dây chuyền sản xuất, tăng về số lượng lẫn chất lượng để đáp ứng nhu cầu của thị trường, tăng sức cạnh tranh”, ông Dũng chia sẻ.

 Sức bật mới từ CNTT

Phát huy vai trò của CNTT, hầu hết các lĩnh vực đã ứng dụng rộng rãi công cụ này để phục vụ cho sự phát triển. Đặc biệt, việc ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính, phục vụ công tác quản lý hành chính được tỉnh quan tâm đầu tư mạnh mẽ. Tính đến nay, 100% các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh đã triển khai thực hiện ứng dụng hệ thống điều hành tác nghiệp văn bản trong công việc.

Ứng dụng KHCN canh tác hành, tỏi đã giúp người dân Lý Sơn tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư.
Ứng dụng KHCN canh tác hành, tỏi đã giúp người dân Lý Sơn tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư.


Nhờ ứng dụng CNTT trong phục vụ công tác quản lý hành chính, mà nhiều dịch vụ hành chính công đã từng bước được xác lập, góp phần tạo sự minh bạch, dân chủ, công bằng trong tiếp cận thông tin và thực hiện các dịch vụ hành chính đối với người dân, DN. Nổi bật trong việc áp dụng CNTT là hệ thống một cửa được triển khai xây dựng và ứng dụng tại UBND TP. Quảng Ngãi, các huyện Sơn Hà, Đức Phổ, Bình Sơn và 2 cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân.

Cũng thông qua cổng thông tin điện tử tỉnh có 1.168 dịch vụ hành chính công ở mức độ 2, 19 dịch vụ công trực tuyến đạt ở mức độ 3 và 12 nhóm dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3 đã được đăng tải để phục vụ cho các tổ chức, công dân trong các lĩnh vực giao thông vận tải, kế hoạch-đầu tư, tư pháp, lao động-thương binh và xã hội, báo chí-xuất bản. Ngoài ra, việc ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, KHCN, sản xuất kinh doanh… cũng có những bước chuyển biến khả quan, mang lại hiệu quả thiết thực.

“Công tác phát triển và ứng dụng CNTT đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, UBND các cấp và các sở, ban ngành nên được đầu tư, triển khai có hiệu quả, đóng góp quan trọng trong cải cách hành chính, điều hành hoạt động các cấp, ngành và doanh nghiệp. Đồng thời, nhận thức về CNTT, về xây dựng nền hành chính điện tử của cán bộ, đảng viên ở các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh đã có nhiều thay đổi đáng mừng”, ông Trần Thanh Trường- Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết.
 

L.ĐỨC-M. HẠ-Ý THU



 


.