Giao thông "đi trước, mở đường

09:10, 19/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- ”Trong 5 năm qua, mặc dù tình hình kinh tế cả nước nói chung và Quảng Ngãi nói riêng còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, bằng sự đồng thuận, đoàn kết và nỗ lực hết mình của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã từng bước tạo ra mạng lưới giao thông thông thoáng, hiện đại. Qua đó, đưa Quảng Ngãi cất cánh với điểm đến là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trong những năm đến.

TIN LIÊN QUAN

Diện mạo mới về hạ tầng giao thông

Quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (HTGT) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII gặp nhiều khó khăn khi tình hình KT-XH của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung bị ảnh hưởng lớn do kinh tế thế giới suy thoái. Tuy nhiên, điểm khá thuận lợi là Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”; Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động và UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện theo Nghị quyết của Trung ương nên trong nhiệm kỳ vừa qua, kết cấu HTGT tiếp tục được quan tâm đầu tư và có bước thay đổi đáng kể, góp phần đưa diện mạo tỉnh nhà thay đổi. Đặc biệt, góp công lớn đưa TP. Quảng Ngãi trở thành đô thị loại II.

 

Dự án đường Mỹ Trà-Mỹ Khê hoàn thành, tạo diện mạo mới về hạ tầng giao thông.
Dự án đường Mỹ Trà-Mỹ Khê hoàn thành, tạo diện mạo mới về hạ tầng giao thông.


Bên cạnh đó, Bộ GTVT quyết định chuyển hai tuyến đường tỉnh thành Quốc lộ 24B, 24C cùng với Quốc lộ 24 đã hình thành ba trục hành lang kinh tế Đông Tây, kết nối miền biển và miền núi trong tỉnh cũng như các tỉnh Tây Nguyên. Ngoài ra, Quốc lộ 1 được đầu tư nâng cấp, mở rộng; đường Trường Sơn Đông; đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi sắp hoàn thành từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, đưa vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên xích lại gần hơn với Quảng Ngãi thông qua những con đường huyết mạch.

Không chỉ các dự án của Trung ương mà tỉnh ta cũng quyết liệt trong việc huy động các nguồn lực đầu tư và tranh thủ nguồn vốn của Trung ương nên nhiều tuyến đường lớn như: Đường ven biển Dung Quất–Sa Huỳnh; Quảng Ngãi – Thạch Nham (giai đoạn 1); bờ Nam sông Trà Khúc; Sơn Hà – Sơn Tây... được đầu tư đã “thay áo mới” cho nhiều vùng quê. Ngoài ra, kết hợp với công tác xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã đẩy mạnh việc xây dựng đường giao thông nông thôn nên  HTGT nông thôn trên địa bàn tỉnh đã thay đổi rõ rệt. Đặc biệt là, nhờ chú trọng đầu tư HTGT đô thị, đến nay, mạng lưới giao thông của các đô thị trên địa bàn tỉnh khá bài bản góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh đô thị hóa, hoàn thiện mạng lưới HTGT ở Khu Kinh tế Dung Quất, các khu công nghiệp và cụm công nghiệp làng nghề.

Trong 5 năm qua, đã có 470km đường tỉnh, huyện, xã… được đầu tư mới; nâng cấp, cải tạo 686,5km; xây dựng mới 132 cầu; sửa chữa cải tạo 45 cầu. Tính ra, đến nay toàn tỉnh đã nhựa hóa, cứng hóa 100% các tuyến Quốc lộ (355km); 90,3% các tuyến đường tỉnh (362/401km); 59,63% các tuyến đường huyện (864/1.449km); 49,1% các tuyến đường xã (887/1.807km) và 26,69% đường thôn, xóm (853,5/3.198km).
 

Phát triển hạ tầng đường thủy, đường không

Ngoài việc đẩy mạnh phát triển giao thông đường bộ, tỉnh cũng đã đầu tư nâng cấp cảng Sa Kỳ, sửa chữa cảng cá Lý Sơn và kêu gọi đầu tư cụm cảng Dung Quất 1 phục vụ tốt cho việc vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng đường thủy; kiến nghị với Bộ GTVT đầu tư nâng cấp cảng hàng không Chu Lai nên đến nay đã tiếp nhận được tàu bay A320, A321 phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trong tỉnh.

Cần thêm nguồn lực đầu tư

Theo thống kê, trong 5 năm qua tổng vốn đầu tư cho kết cấu HTGT trên địa bàn tỉnh khoảng 12.970 tỷ đồng với hàng trăm kilômét đường được bê tông, nhựa hóa. Tuy nhiên, HTGT vẫn còn nhiều bất cập. Do đó, để đưa Quảng Ngãi sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại thì một trong những mục tiêu quan trọng trong thời gian đến là, tỉnh cần đầu tư mạnh mẽ nhằm hoàn thiện HTGT, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Trong đó, cần xác định đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là HTGT và hạ tầng đô thị là nhiệm vụ đột phá.

Để làm được điều này trước hết chúng ta phải nâng cao chất lượng quy hoạch mạng lưới kết cấu HTGT đảm bảo kết nối đồng bộ và từng bước hiện đại; tiếp tục rà soát toàn diện, tổng thể Quy hoạch phát triển giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh để kiến nghị cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu HTGT, tập trung xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển trung hạn và dài hạn thay cho kế hoạch phân bổ vốn đầu tư hằng năm, nhằm đảm bảo tính khả thi cao để tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương. Kêu gọi các thành phần kinh tế trong xã hội tham gia đầu tư xây dựng phát triển kết cấu HTGT theo các hình thức như PPP, BOT, BT…

Cùng với đó là, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư phát triển kết cấu HTGT; hoàn thiện các quy định về thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư theo hướng rút ngắn thời gian, tạo điều kiện  thuận lợi hơn cho việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình giao thông. Ngoài ra, một vấn đề quan trọng là phải xây dựng được nguồn nhân lực làm công tác quản lý, xây dựng, vận hành, khai thác các công trình kết cấu HTGT theo hướng giỏi về chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ.

HTGT là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá về tốc độ phát triển cũng như diện mạo của một địa phương. Một khi HTGT hoàn thiện và hiện đại thì con đường để trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại sẽ không còn xa…
             

Đặng Văn Minh

 


.