Động lực vùng ATK

02:10, 30/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau hơn 2 năm được công nhận, các vùng An toàn khu (ATK) ở Ba Tơ đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, góp phần đổi thay diện mạo nông thôn miền núi, từng bước cải thiện đời sống của người dân nơi đây. Chính sách của Nhà nước cộng với nội lực của người dân đã và đang tạo ra động lực lớn cho vùng ATK Ba Tơ phát triển.

TIN LIÊN QUAN


Những công trình mang tên “ATK”

Huyện Ba Tơ hiện có 5 xã gồm: Ba Chùa, Ba Giang, Ba Thành, Ba Động, Ba Vinh và thị trấn Ba Tơ được Chính phủ công nhận là vùng ATK. Sau 2 năm được công nhận, vùng ATK Ba Tơ đã được đầu tư 19,5 tỷ đồng xây dựng hạ tầng cơ sở như trụ sở xã Ba Vinh và đường giao thông ở một số vùng khó khăn của 5 xã ATK. Hiện tại, có 2 tuyến đường đầu tư từ vốn ATK đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, đồng thời góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Ba Tơ. Đó là tuyến đường mang tên Trần Toại (dài hơn 200m) và đường 30.10 (hơn 300m) ở thị trấn Ba Tơ, vốn đầu tư hơn 9 tỷ đồng.

Đường Trần Toại (thị trấn Ba Tơ) được đầu tư từ vốn ATK.
Đường Trần Toại (thị trấn Ba Tơ) được đầu tư từ vốn ATK.


Tại các xã ATK khác của Ba Tơ, các tuyến đường bê tông kiên cố cũng đang trong giai đoạn hoàn thành. UBND huyện đã chỉ đạo đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành sớm để nhân dân thuận lợi đi lại trong mùa mưa bão. Ông Thành Minh Thuận – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Ba Tơ cho biết: “Các đơn vị thi công đang tranh thủ thời tiết nắng ráo đổ bê tông, phấn đấu từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành các tuyến đường này”. Riêng ở xã Ba Giang, do việc triển khai làm đường muộn hơn các địa phương khác, nên tuyến đường dài hơn 1km nối từ trục đường thuộc thôn Ba Nhà về khu dân cư Gò Lút, tổng giá trị thi công hơn 3 tỷ đồng hiện đã giải phóng xong mặt bằng, san hạ nền chuẩn bị đổ bê tông.

Trong 6 địa phương của huyện Ba Tơ được công nhận là vùng ATK, Ba Giang là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Các địa phương còn lại còn một số thôn thuộc thôn đặc biệt khó khăn. Vì thế nhu cầu đầu tư về hạ tầng, nhất là đường giao thông nông thôn ở vùng ATK là khá lớn. Đơn cử như xã Ba Giang, hiện tất cả các thôn chưa có đường giao thông kiên cố từ thôn đến xã, trừ thôn trung tâm xã. Xã Ba Vinh thì địa hình sông suối chia cắt, nên mưa xuống thường gây chia cắt, cô lập. Theo kế hoạch, vốn ATK mỗi năm tăng lên 10%, bắt đầu từ năm 2016, nhưng nếu có tăng thì vốn này cũng chỉ khoảng hơn 12 tỷ đồng/năm cho cả vùng ATK Ba Tơ. Vì thế vùng ATK Ba Tơ cần được quan tâm hơn nữa thì diện mạo, đời sống người dân một thời là “chiếc nôi cách mạng” mới có thể sớm đổi thay.

Hiến đất cho việc làng

Vốn ATK chỉ đầu tư vào xây dựng công trình, không bao gồm chi trả bồi thường do giải phóng mặt bằng. Kinh phí giải phóng mặt bằng do ngân sách huyện chi trả. Vì thế khi nhận thêm nguồn lực từ vốn ATK, vừa là niềm vui nhưng cũng là sự lo lắng của huyện Ba Tơ. Tuy nhiên, rất may mắn là lòng người dân 5 xã được triển khai xây dựng công trình gồm: Ba Giang, Ba Chùa, Ba Động, Ba Thành, Ba Vinh rất thấu hiểu, sẻ chia. Khi công trình được triển khai ra dân, người dân đồng tình cao và tự nguyện hiến đất để xây dựng.

Tuyến đường hơn 1,3km từ nguồn vốn ATK đi qua thôn Nước Trinh, xã Ba Chùa đang trong giai đoạn thi công. Để thi công tuyến đường này có 16 hộ dân có diện tích đất bị ảnh hưởng đã đồng thuận hiến đất xây dựng.

Bà Phạm Thị Tơ được vận động hiến đất làm cống thoát nước cho tuyến đường này nói: “Làm đường để cho dân làng đi thì  hiến ngay thôi. Đất để trồng keo cũng quý nhưng việc làng quý hơn mà!”. Bí thư Đảng ủy xã Ba Chùa Phạm Văn Ka Ly tự hào về lòng dân vùng ATK Ba Chùa và cho biết: “Dân ở đây quan niệm có cái đường đẹp đến trường đi học, đến xã làm giấy tờ, đi chợ mua con cá cũng nhanh hơn. Mặc bộ quần áo đẹp đi trên con đường tốt nó không bị bẩn nên nghe làm đường là mừng lắm, tự nguyện hiến đất để xây dựng”. Không chỉ có những tuyến đường từ vốn ATK mà các công trình đường từ vốn Chương trình 30a, 135 người dân cũng tự nguyện hiến đất để đường mau hoàn thành.

Ở xã Ba Giang, khi mở tuyến đường từ thôn Ba Nhà đi Gò Lút dài hơn 1,3km, ảnh hưởng đất đai, cây cối hoa màu của 22 hộ dân. Khi xã triển khai họp dân làm đường, toàn bộ 22 hộ dân này ký cam kết hiến toàn bộ đất, cây cối, hoa màu không yêu cầu bồi thường, tạo điều kiện giải phóng mặt bằng thi công công trình. Ông Phạm Văn Nư, thôn Ba Nhà cho biết: "Sau khi nghe giải thích việc làm đường, tôi và gia đình tự hiến một phần đất để mở đường, để con đường mau chóng hoàn thành cho dân làng cùng đi”– ông Nư nói.

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.