Lý Sơn: Tìm giải pháp "rửa mặn"

10:09, 14/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, chưa năm nào Lý Sơn xuất hiện tình trạng nguồn nước mạch bị nhiễm mặn nặng như hiện nay. Mùa vụ bị đình trệ vì nông dân sợ nguồn nước tưới nhiễm mặn ảnh hưởng đến cây trồng. Họ đang ngóng chờ những giải pháp “rửa mặn” để có thể giữ nhịp độ sản xuất bình thường.

TIN LIÊN QUAN


Vào thời điểm này mọi năm, những cánh đồng ở Lý Sơn đã xanh rì hành tím và các loại đậu, bắp. Vậy mà năm nay, tháng 9 Lý Sơn vẫn nhiều bãi đất trống. Có đám đã làm sạch mặt ruộng, chuẩn bị đầy đủ các cung đoạn để xuống giống hành. Và không ít những thửa đất vẫn úa vàng vì cỏ cháy khô.

 

Những thửa đất ở thôn Đông, xã An Hải (Lý Sơn) đã làm đất nhưng chưa thể xuống giống hành tím vì lo không có nước tưới.
Những thửa đất ở thôn Đông, xã An Hải (Lý Sơn) đã làm đất nhưng chưa thể xuống giống hành tím vì lo không có nước tưới.


Chị Dương Thị Thúy, thôn Tây, xã An Hải cho biết, thời điểm xuống giống hành tím đã “quá” nhiều ngày rồi, nhưng chị vẫn không vội vã lo cho mùa vụ trễ nải. Chị Thúy bảo: “Đất đã làm sẵn rồi, thời vụ thì đã quá ngày mà chẳng dám xuống giống. Tất cả chỉ vì nước nhiễm mặn. Trồng xuống, tưới nước mặn này thì hành non chết sạch, uổng công”.

Có nhiều gia đình nông dân ở Lý Sơn vì biết nước nhiễm mặn không thể tưới cho cây hành được nên đành để đất trống. Ông Dương Văn Tín, thôn Đông, xã An Hải có 580m2 đất hiện chưa dọn cỏ. Theo ông Tín, có làm rồi cũng bỏ chứ không xuống giống được. Những đám ruộng bỏ không này là do nông dân cố gắng xen canh một vụ bắp hoặc đậu, mè... Khi thu hoạch các cây trồng phụ này xong, nông dân làm đất bắt đầu trồng hành vụ thu.  Nhưng năm nay, thời tiết nắng hạn kéo dài, nguồn nước tưới ở đảo bị nhiễm mặn nặng, nên việc xuống giống hành bị đình trệ.

 Nguyên nhân nguồn nước bị nhiễm mặn phần nhiều là do lượng mưa quá ít. Theo Trung tâm Khí tượng hải văn Lý Sơn, từ tháng 3 đến nay đảo Lý Sơn chưa có mưa to mà chỉ có lác đác vài cơn mưa nhỏ, lượng mưa không đáng kể. Thế nhưng, một nguyên nhân khác mà lãnh đạo Phòng TN&MT huyện cho biết là kể từ khi có điện quốc gia, nông dân Lý Sơn đã đào giếng tràn lan tìm nguồn nước để chạy mô-tơ tưới cho cây trồng. Việc ồ ạt đào quá nhiều giếng đã phá vỡ mạch nước ngầm, gây xâm nhập mặn. Việc xâm nhập mặn không chỉ ảnh hưởng đến nguồn nước tưới cho cây trồng, mà cả nguồn nước sinh hoạt cũng bị ảnh hưởng. Ở một số cơ quan, đơn vị, nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm mặn nên phải mua nước bình lọc về dùng.

Vụ hành mới chưa thể xuống giống vì nguồn nước tưới không đảm bảo, khiến nông dân Lý Sơn như “ngồi trên đống lửa”. Định suất đất ít nên lâu nay họ có thể xoay vòng đất để tăng thu nhập. Bỏ lỡ một mùa hành đồng nghĩa với việc 2 tháng không có việc làm. Và quan trọng hơn là vụ hành này sẽ là nguồn đầu tư cho vụ tỏi đông xuân. Vậy nên, nếu không xuống giống vụ hành thì nông dân rất khó khăn cho việc sản xuất vụ tỏi sắp tới.

 Giải pháp trước mắt để khắc phục tình trạng nước bị nhiễm mặn theo chính quyền địa phương và nông dân Lý Sơn là chỉ có… những cơn mưa lớn. Nhưng chuyện mưa là chuyện của trời. Lão nông Huỳnh Tấn Thi, thôn Tây, xã An Hải cho biết: “Tôi mong mưa lắm!. Chỉ có mưa mới cứu được mùa màng vào lúc này thôi!”.

Còn giải pháp mang tính chất lâu dài mà UBND huyện Lý Sơn đề ra là quản lý tốt nguồn nước ngầm. Thực ra vấn đề này chỉ được rút ra khi có quá nhiều giếng được đào chi chít trên những vuông hành, tỏi. Có giếng, có điện quốc gia mạnh ai nấy bơm, vắt cạn nguồn nước ngầm mà chưa có suy tính giữ mạch nước ấy cho mai sau. Ông Ngô Văn Hồng – Chủ tịch Hội Nông dân Lý Sơn cho rằng: "Huyện Lý Sơn đã nghiên cứu đưa một số loại cây trồng “né hạn” vào canh tác, nhưng quả thực chưa có cây nào phù hợp thổ nhưỡng và có giá trị kinh tế vượt trội có thể thay thế hành và tỏi. Nhưng hai loại cây trồng đặc sản này lại đòi hỏi phải đủ nước tưới. Tình hình nhiễm mặn hiện nay đang làm khó nông dân".

 Không đảm bảo nguồn nước thì sản xuất nông nghiệp bị ngưng trệ, tất yếu dẫn đến đời sống nông dân sẽ trở nên bấp bênh. Vậy nên, giữ mạch nước ngầm chính là giữ màu xanh của hành tỏi, của cây trồng, giữ cho đời sống của nông dân đất đảo được đủ đầy hơn. Mỗi người nông dân Lý Sơn cần chung suy nghĩ và hành động, đừng để khi xảy ra hệ lụy rồi mới ngóng trời đợi mưa…
      

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.