Hiệu quả từ những mô hình chuyển giao

06:09, 16/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời tiết ngày càng thay đổi thất thường, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khiến nông dân trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong sản xuất. Trước  tình hình này, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và chuyển giao cho người dân, giúp bà con hạn chế đến mức thấp nhất tác động bất lợi từ môi trường.

TIN LIÊN QUAN

Giải pháp nuôi kết hợp

Trước tình trạng tôm nuôi bị dịch bệnh, chết hàng loạt, bởi môi trường nước ngày càng ô nhiễm, thời tiết diễn biến bất thường khiến người nuôi tôm trong tỉnh lao đao, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh đã triển khai các mô hình nuôi ghép, nuôi kết hợp các loại hải sản để cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường. Và mô hình nuôi ghép tôm với các loại cá ăn tạp phù hợp với vai trò “ vệ sinh”  cải tạo môi trường nước như cá đối, cá dìa và cá rô phi… đang là những mô hình được người dân tín nhiệm.

 

Mô hình thanh long ruột đỏ - một trong những mô hình thích nghi được với điều kiện đất đai cả đồi núi và ven biển.
Mô hình thanh long ruột đỏ - một trong những mô hình thích nghi được với điều kiện đất đai cả đồi núi và ven biển.


Bà Bùi Thị Nguyệt- một hộ gia đình được Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh chuyển giao mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp với cá rô phi cho hay: “Áp dụng cách nuôi mới, tôm phát triển tốt, lớn nhanh, môi trường nước lại rất ổn định nên tôi không còn nơm nớp lo tôm bị nhiễm bệnh. Qua hơn 80 ngày nuôi, kích thước tôm thương phẩm đạt khoảng 140 con/kg, nên với diện tích hồ nuôi 3.000m2, tôi thu hoạch được 2,2 tấn tôm”.

Tương tự mô hình nuôi tôm kết hợp cá rô phi, mô hình nuôi tôm kết hợp với cá dìa và cá đối cũng đã cơ bản giúp người dân phá được thế độc canh con tôm vốn luôn tồn tại nhiều rủi ro do dịch bệnh. Không chỉ đóng vai trò cải tạo môi trường nước, các loại cá nuôi kết hợp này còn là những loại cá thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao, bởi không phải tốn chi phí thức ăn mà các loại cá trên vẫn song hành và phát triển tốt nhờ ăn thức ăn thừa và chất thải từ tôm.

Ông Huỳnh Tiến Lên-Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Xuân An, xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) cho biết: “Nếu như trước đây, các hồ nuôi tôm sú ở Tịnh Hòa phần lớn bỏ hoang vì nguồn nước ô nhiễm khiến tôm dịch bệnh, thì sau khi Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh hướng dẫn hai hộ Phạm Đức và Phạm Văn Vỹ ở thôn Đông Hòa phát triển mô hình nuôi tôm sú kết hợp cá dìa thành công, người dân nơi đây cũng bắt đầu cải tạo hồ nuôi và học hỏi theo mô hình này”.

 Chuyển giao cây trồng thích ứng hạn hán cho dân

Ngoài việc đầu tư những mô hình giúp người dân giảm thiểu được những rủi ro về dịch bệnh, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh còn đặc biệt quan tâm đến các mô hình trồng trọt thích ứng được với tình hình hạn hán đang xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Những cải tiến kỹ thuật trong chăm sóc và các giống cây trồng chịu hạn đã và đang được người dân áp dụng thành công.

Mô hình trình diễn trồng đậu phụng trên chân ruộng cao, thiếu nước, sản xuất vụ hè thu kém hiệu quả tại xã Đức Tân (Mộ Đức) vào năm 2014 đã giúp 32 hộ dân nơi đây thu lãi 16 triệu đồng/ha và mở ra cho Đức Tân hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong mùa hạn vào vụ hè thu 2015. Mô hình thanh long ruột đỏ do Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ cây giống và triển khai tại huyện Trà Bồng từ năm 2009 đến nay cũng đã bắt đầu lan tỏa sang nhiều địa phương khác.

Có  “đà” từ hiệu quả của các mô hình được chuyển giao, người dân tại vùng đất khó bắt đầu nắm bắt và tiếp tục phát triển, nhân rộng. Cụ thể như mô hình cải tiến kỹ thuật sản xuất lúa nước miền núi được triển khai cho 52 hộ dân tại ba huyện Trà Bồng, Sơn Hà, Minh Long với tổng diện tích 6ha bước đầu thành công nhờ sử dụng giống lúa mới VN121 phù hợp với chân đất nghèo dinh dưỡng ở các chân ruộng cao. Với năng suất đạt 55-60 tạ/ha, cao hơn năng suất lúa đại trà từ 10-20 tạ/ha và tiền lãi đạt 10,4-14 triệu đồng/ha, tăng hơn sản xuất đại trà cùng điều kiện 4,6-12,5 triệu đồng/ha, nên ông Đỗ Khắc Phi - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Bình cho biết: "Sau khi 18 hộ trong xã tham gia mô hình và thấy được hiệu quả, các vụ sau, 18 hộ trên đã tiếp tục duy trì mô hình và hướng dẫn cho các hộ dân khác áp dụng”.   
 

Bài, ảnh: Ý THU
 


.