Công nghiệp Quảng Ngãi: Những bước tiên phong

09:09, 03/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ một điểm mờ trên bản đồ công nghiệp Việt Nam, công nghiệp Quảng Ngãi đã tạo được những dấu ấn đậm nét khi đi đầu trong phát triển một số lĩnh vực mới. Và Quảng Ngãi đang hướng đến trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, điều mà ít ai hình dung, dù chỉ cách đây vài thập kỷ.

TIN LIÊN QUAN

Công nghiệp với những bước phát triển đột phá đã đưa Quảng Ngãi từ một tỉnh nghèo vươn lên trong tốp khá của cả nước.

Phát huy truyền thống đi đầu

Phát biểu tại lễ khởi công dự án Nhà máy điện mặt trời do Thiên Tân đầu tư tại huyện Mộ Đức, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đánh giá cao dự án này. Bởi đây sẽ là Nhà máy điện mặt trời nối lưới điện quốc gia có công suất lớn nhất và đầu tiên ở nước ta. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Quảng Ngãi không chỉ phát huy truyền thống anh hùng đi đầu trong kháng chiến mà còn đi đầu trong phát triển những ngành công nghiệp mới. Đó là Nhà máy lọc dầu đầu tiên, rồi cụm công nghiệp lọc-hóa dầu đầu tiên, là tổ hợp công nghiệp chế tạo cơ khí hiện đại hàng đầu Việt Nam và nơi đây là địa phương  có Nhà máy điện mặt trời đầu tiên, lại do tư nhân đầu tư vốn. “Dự án này sẽ là bước khởi đầu mở ra hướng phát triển đa dạng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của đất nước”-Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kỳ vọng.

 

NMLD số 1 tại KKT Dung Quất đi vào vận hành đã làm thay đổi diện mạo của KT-XH Quảng Ngãi nói chung và công nghiệp Quảng Ngãi nói riêng. Trong ảnh: Tàu cập cảng xuất sản phẩm nhận hàng.
NMLD số 1 tại KKT Dung Quất đi vào vận hành đã làm thay đổi diện mạo của KT-XH Quảng Ngãi nói chung và công nghiệp Quảng Ngãi nói riêng. Trong ảnh: Tàu cập cảng xuất sản phẩm nhận hàng.


Là nhà máy lọc dầu số 1 của đất nước, NMLD Dung Quất đã đóng góp to lớn vào tăng trưởng kinh tế của Quảng Ngãi. Tính từ khi chính thức đi vào vận hành thương mại đến nay, NMLD Dung Quất luôn vận hành an toàn, ổn định và hiệu quả. Nó được minh chứng bởi những con số: Sản xuất và tiêu thụ trên dưới 35 triệu tấn sản phẩm, doanh thu đạt gần 700 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước đạt gần 120 nghìn tỷ đồng.
 

Tạo nền tảng cho phát triển bền vững
Công nghiệp Quảng Ngãi đã và đang tạo ra tiền đề quan trọng. Hạ tầng Khu Kinh tế Dung Quất, các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Các KCN Tịnh Phong (giai đoạn 1) và Quảng Phú đạt tỷ lệ lấp đầy lần lượt là 80% và 100%. Và mới nhất là Khu Công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi đang hoàn thành giai đoạn 1 với quy mô 600ha đã tạo động lực mới cho sự phát triển công nghiệp, đô thị và dịch vụ của tỉnh.

Trong khi đó, Tổ hợp công nghiệp nặng Doosan Vina đi vào hoạt động, không chỉ đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng nhanh mà còn đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Điểm nhấn cũng không kém phần quan trọng của Doosan Vina là trong năm 2014 công ty này đã hoàn thành và được cấp chứng nhận trở thành nhà cung cấp thiết bị hạt nhân ASME đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á. Với chứng nhận này, Doosan Vina đủ năng lực sản xuất các thiết bị sử dụng trong ngành công nghiệp điện hạt nhân.

Với bước đột phá trong phát triển công nghiệp, từ một tỉnh thuần nông đến năm 2015, tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của Quảng Ngãi đã chiếm 62%. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 (giá so sánh năm 1994) đạt 22.234 tỷ đồng, tăng 4.474 tỷ đồng so với năm 2010, tăng bình quân 4,6%/năm.

Chiếm lĩnh thị trường trong nước

Mới đây, tại KCN Tiên Sơn (Bắc Ninh), Nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam VinaSoy (Công ty CP Đường Quảng Ngãi) đã tổ chức khánh thành giai đoạn 2 của Nhà máy Sữa đậu nành VinaSoy Bắc Ninh. Việc hoàn thành và đi vào hoạt động giai đoạn 2 đã nâng công suất của nhà máy tại Bắc Ninh lên gấp đôi, đạt 180 triệu lít/năm, đảm bảo cung cấp kịp thời các sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng, đặc biệt là khu vực miền Bắc. Tính chung cả 2 nhà máy sữa đậu nành ở Quảng Ngãi và Bắc Ninh thì đến nay, công suất của Nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam VinaSoy đạt 300 triệu lít/năm và là đơn vị dẫn đầu ngành hàng sữa đậu nành, với 82,7% thị phần trên toàn quốc. Ông Võ Thành Đàng - Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi cho rằng, Vinasoy đạt được sự phát triển ấn tượng trong 5 năm trở lại đây chính là nhờ VinaSoy đã tiên phong và tập trung duy nhất vào đậu nành, không ngừng nghiên cứu nhằm thấu hiểu được giá trị, khai phá tiềm năng vô tận của hạt đậu nành truyền thống.

Còn với Doosan Vina, sau 6 năm chính thức đi vào sản xuất, doanh nghiệp FDI này đã gặt hái được nhiều thành công. Hiện nay, Doosan Vina không chỉ là doanh nghiệp xuất khẩu hàng, mà đến nay một phần lớn sản phẩm của công ty cũng đã được cung ứng cho các dự án cơ khí trọng điểm quốc gia như Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương II ở Quảng Ninh (công suất 1.200MW), Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 ở Bình Thuận (1.200 MW), cảng Đà Nẵng và đặc biệt là Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn tại Thanh Hóa… Ông Ryu Hang Ha - Tổng Giám đốc Doosan Việt Nam quả quyết, Quảng Ngãi là lựa chọn đúng đắn để doanh nghiệp của chúng tôi đang hoạt động cho đến ngày hôm nay.

Sẽ là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại

Để cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020, phát triển công nghiệp vẫn được tỉnh Quảng Ngãi xác định tiếp tục là nhiệm vụ đột phá. Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nêu rõ: Phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt khoảng 113.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 2-3%/năm. Giá trị công nghiệp tăng thêm (giá so sánh 2010) đến năm 2020 khoảng 24.400 tỷ đồng, tăng bình quân 3 - 4%/năm. Tỷ lệ lao động công nghiệp - xây dựng trong tổng lao động của tỉnh chiếm 32%.

Sản phẩm cơ khí chế tạo “Made in Quảng Ngãi” của Doosan Vina xuất ra nước ngoài.                                                         Ảnh: H.TRIỀU
Sản phẩm cơ khí chế tạo “Made in Quảng Ngãi” của Doosan Vina xuất ra nước ngoài. Ảnh: H.TRIỀU


Hướng đến mục tiêu này, Quảng Ngãi sẽ tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN. Đồng thời, tích cực thúc đẩy việc sớm hình thành trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng của Quốc gia tại Khu Kinh tế Dung Quất; đẩy nhanh tốc độ phát triển của VSIP Quảng Ngãi...

Bên cạnh đó, phát huy tối đa các lợi thế và tiềm năng sẵn có của tỉnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo chiều rộng và chiều sâu. Khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới phương thức quản lý để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến sản phẩm đầu ra trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp phụ trợ; công nghiệp hóa dầu; các ngành công nghiệp giải quyết nhiều lao động.

Trong rất nhiều cuộc tiếp xúc với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ luôn nhấn mạnh, Quảng Ngãi sẵn sàng đồng hành cùng với nhà đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tỉnh sẽ luôn tích cực, chủ động hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, để cùng nhau phát triển bền vững.

 

H.TRIỀU - T.THƯ

 


.